Hà Nội

Ngư dân miền Trung can trường bám biển

07-06-2014 06:00 | Thời sự
google news

Mặc cho tàu hải cảnh, tàu cá vỏ sắt giả trang của Trung Quốc dùng mọi thủ đoạn để đâm va, ngư dân các tỉnh miền Trung vẫn cứ can trường bám biển...

Đã hơn 1 tháng kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ngư trường truyền thống của ngư dân khu vực miền Trung bị xáo trộn. Mặc cho tàu hải cảnh, tàu cá vỏ sắt giả trang của Trung Quốc dùng mọi thủ đoạn để đâm va, ngư dân các tỉnh miền Trung vẫn cứ dong thuyền ra khơi khai thác hải sản...

Biển là nhà

Sáng 5-6. Cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) vẫn chộn rộn tàu ra, thuyền vào. Lá cờ Tổ quốc đỏ chói căng tròn gió bay phần phật trên những nóc tàu từ cửa Hàn hướng ra biển Đông. Trong khi tàu ĐNa 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa vừa được trục vớt thì những chiếc tàu cá của ngư dân Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định,... áp mạn nhau hối hả bơm nước ngọt, bơm dầu, xay đá lạnh đổ đầy khoang.

“Không ngại va chạm với tàu Trung Quốc sao anh?” - tôi hỏi. Đang hì hục cùng nhóm bạn tàu cuốn lại dây neo, quay lại tay lưới cho đôi tàu QNg 98939 và QNg 94139 có công suất 430CV, anh Nguyễn Phụng (42 tuổi, trú xã Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi) sau hồi cười hào sảng, bảo: “Biển của mình, Nhà nước mình không cấm là mình có quyền ra khơi. Mấy đời nay sống nhờ ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa chừ ai có quyền cấm mình. Trên biển, bão mới đáng sợ nhất nhưng chúng tôi còn cắt sóng đánh cá, chừ mấy cái tàu Trung Quốc ăn thua gì?”.

  • Những con tàu với cờ đỏ sao vàng tung bay vẫn hiên ngang ra khơi hướng về ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa.

Trước đây gia đình anh Phụng có tàu QNg 94139 hành nghề giã cào, lúc đi khơi (xa), lúc đi lộng (gần). Chiếc tàu là “chiếc cần câu cơm” không chỉ cho gia đình anh mà còn đi cho cả gần 20 anh em bạn tàu. Hơn 20 năm qua, anh Phụng cùng những bạn tàu của mình sống nhờ ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa, vì thế anh nắm rõ từng tọa độ, nơi nào mùa nào có cá gì. Đầu năm nay, làm ăn được, anh vay ngân hàng 800 triệu đồng và huy động vốn trong gia đình được hơn 3 tỷ đồng đóng thêm tàu QNg 98939 để vươn khơi bám biển. Đây là chuyến ra khơi đầu tiên của con tàu QNg 98939. Gương mặt sạm nắng đầy nếp nhăn, anh Phụng nói như đinh đóng cột: “Dù có khó khăn đến mấy mình cũng phải bám biển giữ chủ quyền. Biển là nhà, chúng ta mất biển là mất nhà. Tàu Trung Quốc có hung hăng đến đâu cũng không thể ngăn ngư dân ra biển”.

Cạnh đó, anh Lê Bốn (46 tuổi, trú Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cùng nhóm bạn tàu đang xay đá lạnh đổ đầy vào khoang đôi tàu ĐNa 31997 và ĐNa 31128 chuẩn bị vươn khơi đánh bắt. Anh Bốn bảo: “Hoàng Sa là của mình, biển giã Hoàng Sa cũng của mình nên Trung Quốc cấm là vô lý, tàu nó tông tàu cá ngư dân mình là dã man. Có Nhà nước ủng hộ, có tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển bảo vệ thì chúng tôi còn bám biển”.

Kiên cường bám biển

Sáng 6-6. Cảng cá Sa Kỳ (Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) rất nhiều con tàu hối hả vào ra. Trên những chuyến tàu vừa cập cảng, không có dấu hiệu của sự mệt mỏi sau chuyến đánh bắt dài ngày trên biển của các ngư dân. Thay vào đó là nét rắn rỏi, quả cảm và chắc khỏe của nước da màu đồng hun được nhào nặn bởi mặn mòi của sóng gió biển khơi.

Tàu vừa cập cảng, ngư dân Phạm Văn Mạnh cũng khiến nhiều ngư dân khác ghen tị khi vừa từ Hoàng Sa trở về với chuyến khai thác tôm hùm đầy khoang tàu. “Khi khai thác tôm hùm, cá các loại tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, tôi và 10 lao động đã đụng độ với tàu Trung Quốc. Nhưng tôi bảo các ngư dân cứ kệ nó, đuổi thì chạy, ngừng đuổi thì đánh bắt. Có các tàu thực thi pháp luật của mình bên cạnh, lo gì” - ông Mạnh kể. Sự kiên cường, bình tĩnh ấy của các ngư dân đã cùng con tàu có công suất 420CV ở vùng biển Hoàng Sa 35 ngày. Khi khoang tàu đã đầy cá, tôm, ông Mạnh bẻ lái, từ Hoàng Sa thẳng hướng Sa Kỳ. Chuyến tàu đã đem về cho ông nguồn thu hơn 500 triệu đồng.

“Chưa bao giờ thấy anh em bạn tàu lại tràn đầy quyết tâm ra Hoàng Sa, Trường Sa như thời điểm này, nhất là khi chứng kiến Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Không những vậy, khi biết tin ngư dân gặp nguy hiểm vì bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, gây hấn thì không ai bảo ai, họ sẵn sàng bỏ mẻ cá đang đánh để đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ. Qua những đêm lên sóng Icom, nghe anh em kể chuyện, nghe tiếng nói cười, tôi cảm nhận những mệt mỏi của họ đều được xua tan. Dường như câu thường gặp nhất trước đây mỗi khi tôi nghe được qua Icom là “trúng luồng cá không?” thì lần này, câu nói thường xuyên của ngư dân là “có gặp nó không?” (tàu Trung Quốc - PV) và sợ gì, biển của mình, mình cứ đánh bắt. Trong khó khăn, hiểm nguy, dường như tình yêu biển, yêu đất nước, quê hương và tinh thần đoàn kết lại được gắn kết hơn” - ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND kiêm Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu, kể lại với giọng xúc cảm và đầy tự hào về ngư dân quê ông.

Còn với ông Phan Huy Hoàng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, dẫn ra con số ấn tượng về sản lượng khai thác thủy sản trong các tháng đầu năm đạt gần 50.000 tấn, tăng 7,8% so cùng kỳ năm 2013, rồi bảo đó chính là “bằng chứng” thuyết phục nhất về sự can trường của những ngư dân Quảng Ngãi đang ngày đêm bám biển mưu sinh và bảo vệ chủ quyền.

Trong nhiều năm qua, dù cho bão biển vùi dập, dù cho tàu Trung Quốc đâm va, cướp bóc cá tôm,… nhưng ngư dân vẫn can trường bám biển. Với họ, biển là không thể tách rời. Sống nhờ biển và cần thiết sẽ hy sinh vì biển quê nhà!

  • "Trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam và có hành động tấn công tàu cá Việt Nam thời gian qua, UBND tỉnh Bình Định hiện đang xây dựng chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá vỏ sắt để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, đồng thời tổ chức đào tạo nghề đánh bắt, nghề hậu cần,… để ngày càng hiện đại hóa nghề đánh bắt hải sản, nhất là nghề câu cá ngừ đại dương"

    Bà Trần Thị Thu Hà,

    Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định

  •  

Giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam
Xung quanh việc TQ hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam
(cập nhật liên tục)
Diễn biến

Theo Sài Gòn Giải Phóng


Ý kiến của bạn