Hà Nội

Ngư dân Lý Sơn và những "cột mốc chủ quyền trên biển"

06-09-2014 14:29 | Thời sự
google news

SKĐS - Tại Lý Sơn, chúng tôi được mục sở thị những ngư dân đang hăng say dưới cái nắng gắt để sửa sang lại những “cột mốc di động”

Huyện đảo Lý Sơn nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền khoảng 16 hải lý, đảo có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, du lịch, đặc biệt, Lý Sơn có lợi thế về khai thác thủy sản, đây là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Có mặt tại thôn Đông An Hải, huyện đảo Lý Sơn trong những ngày cuối tháng 8 - giữa cái nắng gắt cuối hạ đầu thu, chúng tôi được chứng kiến một Lý Sơn hôm nay đang đổi thay từng ngày nhờ những đầu tư trong xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương và chính những ngư dân nơi đây. Cũng tại đây, chúng tôi được mục sở thị những ngư dân đang hăng say dưới cái nắng gắt để sửa sang lại những “cột mốc di động” - cái thuật ngữ thân thương mà mọi người dành gọi cho những phương tiện của người đi biển, bám biển này. Anh Dương Quốc Trọng chia sẻ: Không biết từ bao giờ, ai đã đặt tên là “cột mốc di động”, chắc nhiều người gọi rồi thành quen thôi mà”. Mải vui câu chuyện, anh cũng xởi lởi: Cả mấy anh em chúng tôi chung nhau mua con tàu về để mưu sinh. Chuyến đi vừa rồi về cũng khá khẩm, tranh thủ lúc nghỉ ngơi, tự sửa chữa, tân trang lại tàu của mình chú ạ.

Sau mỗi chuyến đánh bắt dài ngày trên biển, các thuyền viên thay nhau sửa sang lại con tàu của mình.

Sau mỗi chuyến đánh bắt dài ngày trên biển, các thuyền viên thay nhau sửa sang lại con tàu của mình.

Cũng bởi khó khăn về mọi mặt nên từ ngàn xưa, người dân trên đảo đã tự tôi rèn cho mình về mọi mặt như: đóng tàu, ra khơi hay đến cả việc tự sửa chữa mỗi khi tàu cũ hay bị hỏng. Anh Đinh Hoàng Sang tâm sự: Tranh thủ cập bến, các anh em thuyền viên tranh thủ kiểm tra và sơn lại tàu để rồi lại tiếp tục cho những chuyến đánh bắt mới.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi về màu sơn trên thân tàu, anh Sang cho biết: Cũng chẳng hiểu là từ bao giờ và như thế nào đâu, nhưng với dân ngư trường như các anh, màu sơn của tàu không chỉ là phương pháp chống ăn mòn của nước biển, của tảo, hà... mà đó còn là những “cột mốc di động” để khẳng định chủ quyền của đất nước.

Anh Đinh Hoàng Sang - người đã gắn bó với biển gần 20 năm tâm sự: Ngoài việc đánh bắt hải sản trên biển thì mỗi con tàu của ngư dân là mỗi cột mốc di động và khi đất nước bình yên thì ngư dân là những người dân đánh cá chất phác hiền lành, nhưng khi đất nước có nguy biến thì ngư dân trở thành những dân quân kiên cường trên biển.

Anh Đinh Hoàng Sang - người đã gắn bó với biển gần 20 năm tâm sự: Ngoài việc đánh bắt hải sản trên biển thì mỗi con tàu của ngư dân là mỗi cột mốc di động và khi đất nước bình yên thì ngư dân là những người dân đánh cá chất phác hiền lành, nhưng khi đất nước có nguy biến thì ngư dân trở thành những dân quân kiên cường trên biển.

Có dịp được “đội nắng, đội gió” với các anh mới thấy thấm tháp hơn bởi những giọt mồ hôi mặn chát không chỉ vì gió biển. Nhìn các ngư dân ra biển với vũ khí duy nhất là lòng dũng cảm và tình yêu biển mãnh liệt, dù phương tiện tàu bè còn nhỏ bé, lạc hậu, chúng tôi không khỏi xúc động. Họ khẳng định một cách cương quyết rằng: “Những người dân đảo Lý Sơn chúng tôi nhiều đời gắn bó với biển, đảo, với nghề đánh bắt thủy sản; đã gặp không ít khó khăn về thời tiết thiên tai... nhưng ngư dân vẫn bám biển, khai thác ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa. Người Lý Sơn nguyện sống chết với biển, đảo Tổ quốc”.

Sơn, sửa lại những con tàu để cho những chuyến đánh bắt mới.

Sơn, sửa lại những con tàu để cho những chuyến đánh bắt mới.

Chia tay những người dân đảo Lý Sơn để trở về đất liền, chúng tôi mong muốn ngư dân nơi đây được sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa của các cấp, các ngành để họ có phương tiện hiện đại đủ sức vươn khơi bám biển dài ngày. 

Phút giải lao hiếm hoi của ngư dân Dương Quốc Trọng – một trong những chủ tàu có kinh nghiệm bám biển hơn 30 năm.

Phút giải lao hiếm hoi của ngư dân Dương Quốc Trọng – một trong những chủ tàu có kinh nghiệm bám biển hơn 30 năm.

Bài và ảnh: Tuấn Anh


Ý kiến của bạn