Đây là hội chứng Raynaud được người bệnh mô tả tới khám tại các cơ sở y tế. Hội chứng Raynaud dễ xuất hiện vào mùa lạnh và là tình trạng bệnh lý do rối loạn vận mạch, co thắt các mạch máu làm giảm lượng máu tới mô gây thiếu máu cục bộ. Bệnh thường thấy ở các cực, nhất là đầu các ngón tay, ngón chân. Một số ít trường hợp gặp ở mũi, tai, môi, núm vú.
1.Nguyên nhân gây hội chứng Raynaud
Hiện các nhà nghiên cứu vẫn chưa thống nhất được cơ chế bệnh sinh của hội chứng Raynaud. Các nhà nghiên cứu cho rằng có thể là do bất thường tại chỗ của thành mạch máu tăng nhạy cảm với một số yếu tố gây co mạch hoặc do giảm những yếu tố gây giãn mạch; có thể do tăng hoạt động của hệ thống thần kinh giao cảm; do sự bất thường của máu làm ảnh hưởng tới việc cung cấp máu đến vùng ngoại vi.
Tăng nhạy cảm của thành mạch có thể là tiên phát gây nên bệnh Raynaud hoặc là thứ phát do những biến đổi của mao mạch gặp trong các bệnh chất tạo keo gây hội chứng Raynaud.
Nguyên nhân gây hội chứng Raynaud chiếm 50% trường hợp do các bệnh (bệnh xơ cứng bì hệ thống, bệnh lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng Sjögren…). Các nhà nghiên cứu cho rằng, bệnh xơ cứng bì, hội chứng Raynaud có thể có trước các triệu chứng khác nhiều năm, chụp mao mạch quanh móng thấy số lượng các mao mạch giảm, giãn mao mạch.
Các loại thuốc cũng là một trong những nguyên nhân trong đó có thuốc chữa đau nửa đầu có chứa ergotamin, thuốc điều trị ung thư (vinblastin, cisplatin), thuốc tránh thai.
Nghề nghiệp cũng là một yếu tố nguy cơ dẫn đến mắc hội chứng Raynaud. Với những người nghề tiếp xúc thường xuyên với chất độc nguy hại, nhiễm độc kim loại nặng, các chấn thương do tai nạn, bỏng lạnh,… dễ mắc hội chứng Raynaud. Với những người có nghề đánh máy, chơi đàn piano, những nghề sử dụng các dụng cụ gây rung chấn như khoan máy, cưa máy… có động cơ học lặp đi lặp lại… cũng là nguyên nhân mắc bệnh.
Ngoài ra, một số bệnh có nguyên nhân thần kinh, mạch máu như tắc mạch, huyết khối… hoặc các bệnh lý toàn thân khác như viêm khớp dạng thấp, xơ vữa động mạch, bệnh đa hồng cầu, viêm bì cơ, viêm đa cơ, ...cũng mắc hội chứng Raynaud.
2.Nữ giới dễ mắc hội chứng Raynaud
Theo các nghiên cứu hội chứng Raynaud gặp khoảng 10% dân trên thế giới, thường gặp ở tuổi từ 15-40 tuổi, tỉ lệ nữ gấp 3 lần nam giới, bệnh gặp nhiều ở xứ lạnh. Các yếu tố ảnh hưởng đến cơn phát bệnh và mức độ nặng của bệnh: thời tiết, nghiện rượu, mắc các bệnh tim mạch, chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ, yếu tố gia đình,…
3.Biểu hiện của hội chứng Raynaud
Các biểu hiện của hội chứng Raynaud thường khởi phát khi trời lạnh hoặc khi tiếp xúc với các vật lạnh hoặc khi bị các stress tâm lý. Thương tổn ở những người mắc hội chứng Raynaud thường thấy ở các đầu ngón tay, ngón chân. Một số ít trường hợp gặp ở mũi, tai, môi, núm vú, có tính chất đối xứng. Các thương tổn thường bắt đầu ở một ngón sau lan sang các ngón khác, một số trường hợp thương tổn chỉ khu trú ở 1 hay 2 ngón.
Giai đoạn phát bệnh diễn biến qua các thời điểm:
- Khởi đầu là ngạt trắng, xảy ra đột ngột, một hoặc nhiều ngón tay trở nên nhợt nhạt, trắng, lạnh, tê, đau hoặc mất cảm giác. Giới hạn phía trên của phần bị co mạch rõ nét, thường trên đốt ngón tay hoặc trên mu bàn tay. Các biểu hiện ở thời điểm này xảy ra trong khoảng vài phút.
- Tiếp theo là thời điểm ngạt tím, da tái xanh. Quá trình diễn biến nhanh nên thường không nhận thấy được sự dịch chuyển. Thời gian xảy ra cơn co thắt mạch khác nhau tùy theo từng người. Và biểu hiện này là dấu hiệu quan trọng để chẩn đoán hội chứng Raynaud và để phân biệt với chứng tím tái đầu chi thông thường.
- Cuối cùng da hồng trở lại, kèm theo cảm giác ngứa, nóng ran (khi mạch máu giãn ra và máu được tưới trở lại).
Đối với những bệnh nhân nặng có thể gây đau hoặc gây hoại tử ngón. Thời gian diễn biến của cơn phát bệnh rất nhanh, có thể chưa đầy một phút, cũng có thể kéo dài vài giờ hoặc thậm chí vài ngày hoặc vài tuần.
4.Chẩn đoán và điều trị hội chứng Raynaud
Ngoài các biểu hiện lâm sàng các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân test lạnh, soi mạch ở nếp gấp móng, tìm các tự kháng thể ANA, Anti ds-DNA…
Việc điều trị hội chứng Raynaud phụ thuộc vào từng cá nhân với các tần suất biểu hiện, mức độ nặng của bệnh và những biến chứng do thiếu máu cục bộ gây nên.
Ở những người bệnh nhẹ các biểu hiện không thường xuyên hoặc nhẹ các biện pháp phòng ngừa là ngừng hút thuốc lá. Trường hợp người bệnh nặng, cơn phát bệnh kéo dài hoặc liên tục, không đáp ứng với các biện pháp điều trị và bảo vệ thông thường thì phải dùng các thuốc điều trị toàn thân hoặc phải chỉ định cắt đoạn thần kinh giao cảm ngón tay, phẫu thuật vi mạch….
Tóm lại, về điều trị người mắc hội chứng Raynaud quan trọng nhất là tránh lạnh bằng cách không rửa tay hoặc nhúng tay vào nước lạnh, không lấy đồ trực tiếp từ trong tủ lạnh. Đi găng và giữ ấm bất cứ lúc nào cảm thấy lạnh. Không uống nước đá hoặc nước trong tủ lạnh. Giữ ấm toàn cơ thể cũng giúp cho đầu chi ấm.
Ngoài ra, người bệnh cần cân bằng cảm xúc, giảm tối đa stress để làm giảm hoạt động của hệ thần kinh giao cảm sẽ làm giảm co thắt mạch. Không hút thuốc lá, café và tốt nhất nên chuyển nghề nếu người bệnh đang làm những nghề như đánh máy, đánh đàn v.v… vì nếu không sẽ làm nặng bệnh lên. Người bệnh cũng cần tập thể dục thường nâng cao thể trạng toàn thân để tăng khả năng miễn dịch của cơ thể. Đi khám bác sĩ kịp thời khi những biện pháp trên đã thực hiện mà bệnh không thuyên giảm.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Những nguyên nhân dẫn tới suy nhược thần kinh