Ngón tay bỗng dưng không duỗi được, cụ bà bị đứt gân mà không hề hay biết

30-03-2019 08:28 | Camera bệnh viện

SKĐS - Bệnh nhân nữ, 52 tuổi tự nhiên thấy ngón út tay phải vận động yếu dần đi, tuy vẫn nhúc nhích được nhưng không thể duỗi thẳng được ngón tay.

Ngày 21/32019, Bệnh nhân Chu Thị H. (sinh năm 1961, địa chỉ Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội) vào viện khám. Bệnh nhân thấy vận động các ngón tay thì đau ở mặt sau cổ tay phải từ 2 tháng nay, đồng thời thấy xuất hiện một khối sưng phồng to dần ở ngay vị trí đau.

Bệnh nhân chưa điều trị gì vẫn sinh hoạt làm việc bình thường, sau đó thấy ngón 5 tay phải yếu dần không duỗi được thẳng ra, chỉ nhúc nhích được rất nhẹ. Qua thăm khám, ngón 5 (ngón út) tay phải gấp tốt nhưng chỉ duỗi được nửa chừng không duỗi được hết tầm như bên đối diện. Sờ không thấy gân duỗi vận động theo vận động của ngón tay. Cổ tay có khối u nang thang dịch của bó gân duỗi, ấn vào căng đau.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đứt gân duỗi mạn tính nghi do chít hẹp mạc hãm gân duỗi có chỉ định phẫu thuật. Bệnh nhân đã được phẫu thuật kíp phẫu thuật do bác sĩ Trần Trung Kiên – Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình cắt bỏ mạc hãm bị viêm dày xơ cứng, cắt u nang thanh dịch gân duỗi trong lòng chứa nhiều dịch nâu đen, lấy tổ chức phần mềm làm xét nghiệm.

Tổn thương ở bệnh nhân được phẫu thuật thành công.

"Gân duỗi bị mài mòn trên một đoạn dài và đã đứt rời, bệnh nhân được cắt bỏ gân duỗi bị xơ và lấy một đoạn của gân tự thân dài khoảng 5cm ghép vào để phục hồi vận động của ngón 5. Đây là một tổn thương rất hiếm gặp và nguyên nhân chưa rõ ràng. Nếu không phẫu thuật hoặc phẫu thuật muộn quá thì ngón 5 tay phải không thể duỗi ra được nữa.

Chưa kể nếu không được chẩn đoán rõ ràng sẽ dẫn đến tâm lí hoang lo lắng cho người bệnh và có khi lại đi chữa bệnh lung tung khiến cho tiền mất tật mang. Sau 2 tuần phục hồi chức năng bệnh nhân có thể ra viện"- bác sĩ Kiên cho hay.

Cũng theo Bác sĩ Trần Trung Kiên, đa số các bệnh lý thường có những dấu hiệu gợi ý, cảnh báo. Ở trường hợp này, khi bệnh nhân đang vận động bình thường tự dưng xuất hiện vận động các ngón tay đau và chỗ đau nổi phồng lên một khối to dần như vậy thì nên đến các trung tâm Chấn thương chỉnh hình khám chứ không nên cố chịu hoặc tự điều trị tại nhà, chỉ đến khi không vận động được thì mới đến. Như vậy sẽ khiến cho bác sĩ phẫu thuật khó khăn hơn rất nhiều và kết quả sau mổ có khi không đc như mong muốn.

Trước đó, các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình cũng đã điều trị thành công cho một trường hợp đứt gân duỗi mạn tính.


Lê Nguyên
Ý kiến của bạn