Ngôn ngữ của nước mắt

24-06-2008 09:47 | Thời sự
google news

Trên những kinh tuyến và vĩ tuyến khác nhau, người ta khóc theo những cách khác nhau. Phụ nữ châu Âu tính trung bình nức nở 3 lần trong một tháng. Đàn ông phương Bắc kiêu hãnh từng di cư đến châu Âu thì dè sẻn hơn trong việc biểu lộ tình cảm.

Trên những kinh tuyến và vĩ tuyến khác nhau, người ta khóc theo những cách khác nhau. Phụ nữ châu Âu tính trung bình nức nở 3 lần trong một tháng. Đàn ông phương Bắc kiêu hãnh từng di cư đến châu Âu thì dè sẻn hơn trong việc biểu lộ tình cảm. Dưới con mắt của người Trung Hoa thì người châu Âu là những người mau nước mắt. Ở Trung Hoa đại lục, đàn bà nhỏ lệ, tính trung bình, một lần trong tháng, còn đàn ông thì 4 lần trong một năm. Con người ta từ khi lọt lòng mẹ đã biết cất tiếng khóc. Trẻ sơ sinh, khác với chúng ta, khóc một cách tự động. Thí nghiệm cho thấy chỉ cần bật máy ghi âm ghi lại tiếng nức nở đặt cạnh đứa trẻ, lập tức nó khóc ré lên. Đối với trẻ con chưa biết nói thì tiếng khóc là cách duy nhất khiến bố mẹ phải chú ý đến nó. Từ lúc mới chào đời, đứa trẻ đã học được cách nói chuyện với mẹ bằng ngôn ngữ nước mắt. Chỉ có như vậy nó mới có thể đề ra cho mẹ biết những “yêu sách” của nó. Và người mẹ dễ dàng nhận ra trong dàn hợp xướng đa thanh của cả bầy trẻ.

Ngay từ thời cổ đại, các nhà khoa học đã cố tìm hiểu xem tại sao người ta lại khóc.

Nhà y học Hy Lạp Hippocrate cho rằng nước mắt trào ra khi có quá nhiều “phlegma” – một trong 4 chất dịch của cơ thể xác định tính khí của con người – tích tụ lại trong đại não. Phlegma làm cho con người trở nên điềm tĩnh và thản nhiên trước vạn vật, còn nước mắt, như các môn sinh của Hippocrate khẳng định, đã chọc thủng cái pháo đài hư ảo ấy. Nước mắt làm tan rã phlegma, nó tiêu hủy sự dư thừa của chất dịch cơ thể đó.

Học thuyết về chất dịch của cơ thể vốn chi phối tính khí con người, được khẳng định trong khoa học ngót hai ngàn năm. Mãi đến năm 1662, nhà khoa học Đan Mạch Nicolaus Steensen trong khi mổ sọ người trong phòng giải phẫu đã khám phá ra các tuyến nước mắt. Cuối cùng mới vỡ lẽ ra rằng nước mắt do đâu mà có. Tuy nhiên nguyên nhân của tiếng khóc nức nở vẫn chưa ai hay. Tại sao gánh nặng của những dục vọng con người được trút bỏ bằng những giọt lệ trào ra khỏi khóe mắt? Tại sao trong những phút tinh thần căng thẳng chúng ta được giải tỏa bằng một trận mưa nước mắt?

Nhiều triết gia, nhà khoa học và nhà thơ cho rằng giống như phần mở nút trên sân khấu, nước mắt ban tặng cho chúng ta sự thanh lọc (katharsis), tức là nó gột rửa tâm hồn chúng ta khỏi những ham muốn nhỏ nhen tầm thường. Triết gia Pháp Descart đã từng nói rằng người nào biết yêu thì tâm hồn tràn đầy lòng nhân ái. Nhà tự nhiên học Anh quốc Charles Dawin mà trong những năm cuối đời đã tập trung nghiên cứu cảm xúc, đã diễn tả bằng ngôn ngữ khoa học. Ông cho rằng nước mắt làm giảm stress thần kinh. Ngoài ra, theo ông, trong cơn cảm xúc dạt dào, “nhãn cầu mắt của chúng ta bị nung nóng” và nước mắt cần thiết để làm nó nguội đi.

Một giọt nước mắt nặng chừng 15 miligram và gồm 3 lớp. Ở bên trong có chứa chất nước mặn, còn ở bên ngoài thì được bao bọc bởi một lớp dầu khiến nó đỡ khô nhanh. Những giọt nước mắt như vậy cũng chứa protid và hormon. Thành phần hóa học của nước mắt chảy ra do tác nhân kích thích bên ngoài (khói, củ hành, dị ứng nguyên) hoặc do cảm xúc (như sợ hãi, nỗi buồn, sự tức giận) là rất khác nhau.

Nhà sinh hóa Mỹ Williams Frei qua thí nghiệm đã cho thấy rằng nước mắt chảy ra trong lúc xem bộ phim lâm li thống thiết, tức là “những giọt nước mắt xúc cảm”, chứa đựng chất prolactin nhiều hơn 25% so với những giọt nước mắt được tạo ra một cách máy móc: chẳng hạn đưa củ hành vào gần mắt. Chất hormon này kích thích sự tiết sữa trong cơ thể phụ nữ, nhưng mặt khác, cũng được hình thành trong các tình huống stress. Frei còn phát hiện thêm một chất hormon nữa trong “những giọt nước mắt xúc cảm” – đó là chất corticotropine. Lúc ấy ông mới đặt cho mình câu hỏi: “Tại sao những chất hormon tương tự như vậy lại tiết ra khi chúng ta khóc?” Và kết luận mà ông đi tới thật bất ngờ: trong lúc khóc, chúng ta gột rửa sạch cơ thể khỏi những chất tích tụ lại khi có stress, chúng ta được thanh lọc khỏi chúng. Nếu không thì những cái đi kèm theo nỗi sợ hãi và sự buồn rầu sẽ dần đầu độc tâm hồn chúng ta. Ai khóc nhiều hơn thì người ấy sẽ sống khỏe khoắn hơn. Không phải vô cớ người ta thường nói: “Cứ khóc đi rồi mọi cái sẽ trôi qua!”.

Những nhà thực nghiệm khác không xác nhận mối liên hệ mật thiết giữa nước mắt và sinh hóa của cơ thể. Chẳng hạn nhà tâm lý học Mỹ James Gross chiếu cho những người có tâm trạng buồn phiền xem vài đoạn phim lâm li khiến ta phải rơi lệ. Sau hai giờ ông hỏi những người tham gia thí nghiệm. Thậm chí những người đã khóc trong lúc xem phim thì nay vẫn ủ rũ như trước. Do đó có lẽ không phải là những hormon của stress – “những chất xỉ của tâm hồn chúng ta” – được tống ra khỏi cơ thể một cách khả quan cùng với nước mắt.

Đa số những nhà nghiên cứu cho rằng, đóng vai trò quan trọng trong tiếng khóc của chúng ta là vùng phó giao cảm của hệ thần kinh, nó có chức năng trấn an cơ thể và làm cho cơ thể thích ứng với những điều kiện đã thay đổi. Rõ ràng khi trên khóe mắt xuất hiện những giọt lệ thì sự căng thẳng về mặt cảm xúc đã đi qua cao trào của nó. Chúng ta khóc khi sự khủng hoảng đã ở giai đoạn thoái trào, khi chúng ta thấy phần nào nhẹ nhõm hơn. Nước mắt là dấu hiệu cho thấy rằng cái điều khủng khiếp nhất đã ở phía sau rồi. Nói chung, không phải nước mắt làm dịu đi stress mà chúng ta trải nghiệm, nó chỉ đánh dấu một điều là mọi cái trong tâm hồn chúng ta đã dịu bớt đi. Trong giây phút căng thẳng cao độ, trong giây phút đấu tranh quyết liệt vì sự sống còn thì làm gì có thời giờ để khóc. Cần phải cứu mạng cái đã, cần phải chiến đấu chứ không phải than vãn rên rỉ. Sau đó mới có thể phần nào thư giãn và phó mặc cho dòng cảm xúc được tự do bộc lộ!

Cần phải nói thêm rằng ở đây văn hóa ứng xử cũng đóng vai trò đáng kể. Chính nó đôi khi xác định cho ta rõ khi nào thì có thể để cho nước mắt tuôn rơi còn khi nào thì buộc phải nén lại.

Lê Sơn (Theo “Z&S”)


Ý kiến của bạn