Trong ấn tượng sâu đậm của tôi luôn hiện lên hình ảnh người thầy giáo với ngọn đèn và trang giáo án. Ngọn đèn luôn tỏa rạng và giáo án mãi ngời ngời xanh. Ngọn đèn trong những đêm khuya khoắt, một mình thầy một bóng. Một chút cô đơn trầm mặc trong yên tĩnh của không gian, trong lặng lẽ chảy của thời gian. Ngày trước còn thắp ngọn đèn dầu - ngọn đèn hạt đậu. Dầu càng cạn thì bấc đèn càng sáng và trước lúc tắt bao giờ cũng cháy bùng lên để rực rỡ hoa đèn nảy mầm cho những xanh non và hy vọng. Bây giờ, ngọn đèn điện chụp bóng in xuống khoảng sáng của trang giáo án, một quầng sáng trọn vẹn, trong suốt, rạng ngời bao niềm tin yêu, khát khao bao niềm hy vọng.
Có người ví làm nghề giáo như người lái đò đưa bao chuyến học trò qua sông. Con đò chở đầy kiến thức qua hai bờ lở bồi, mưa nắng. Mái chèo thì vẫn nhịp khoan thai, bền bỉ. Có lúc có chút chòng chành nhưng nghiêng ngả để cân bằng, để tự tin cập bến. Bến thì bến cũ nhưng khách sang sông thì luôn mới mẻ, hết lớp này đến lớp khác. Ngọn đèn cũng thế. Năm tháng qua đi vẫn cái quầng sáng tinh khôi. Năng lượng của trí thức đốt lên sợi tóc đèn nóng ấm và lan tỏa. Sợi tóc đèn mảnh mai nhưng ánh sáng đèn thì vô biên. Và sợi tóc thầy lại có giới hạn của thời gian, tuổi tác. Mái tóc đến ngày sương khói, hoa râm, điểm bạc và trắng xóa tự lúc nào. Mỗi sợi tóc thầy bạc rụng lại như nạp cho tóc đèn thêm năng - lượng - sống.
Trang giáo án của thầy mỗi ngày mới mẻ thêm, nhưng dòng mực thì vẫn thế, vẫn tím thủy chung, vẫn xanh hy vọng. Trang giáo án không dày thêm nhưng kiến thức thì đầy thêm. Những định lý, phương trình bao đời rồi vẫn thế. Thầy vẫn nâng niu phép cộng, phép nhân nhưng cũng nâng niu cả phép chia, phép trừ. Mặc dù trong cuộc sống đời thường, thầy bao giờ cũng khao khát cộng thêm, nhân thêm chứ không muốn chia đi, trừ đi dù quy luật cuộc đời là khắc nghiệt. Những trang văn, trang Kiều phấp phỏng. Giấy thì quá mỏng, cuộc sống thì nhiều bất trắc. Dạy văn chính là dạy làm người, đúc dày thêm cái thiện, xóa tẩy đi cái ác. Tấm bảng thì đen, phấn tô thì trắng. Mong sao sự đen trắng rõ ràng này sẽ hướng cho các em sự phân định đen trắng rạch ròi trong xã hội. Không có gì đơn điệu hơn sự lặp lại tẻ nhạt. Nhưng giáo án của thầy là sự đồng điệu, đồng cảm và đồng hành. Đồng cảm với tấm lòng của thầy hướng tới học trò. Thầy cũng đồng hành với các em trên mọi nẻo đường đất nước khi đã trưởng thành. Bài giảng của thầy đặt những viên gạch nền móng đầu tiên cho các chủ nhân tương lai xây nên những tòa nhà trí thức. Trang giáo án cũng lặng lẽ như thầy, cũng hồi hộp như cái buổi ban đầu đứng lớp. Cũ và mới đan xen nhau để tôn vinh và hoàn hảo.
Ngọn đèn và trang giáo án, sân trường và màu hoa phượng vỹ, thầy giáo và bao lớp học trò, tiếng trống trường như hồi âm đồng vọng, cánh cổng trường như trang sách mở... Có lẽ trên đời này không có gì bằng hai tiếng: thầy, cô thân thương như hai tiếng: mẹ, cha như trong truyền thống Tết cổ truyền dân tộc: “Mồng một tết cha - Mồng ba tết thầy”. Mạch sống đạo hiếu muôn đời của dân tộc: “Tôn sư trọng đạo” bắt đầu tỏa rạng từ: Ngọn đèn và thắm tô thêm trang giáo án...
Nguyễn Ngọc Phú