Ngồi xe lăn leo núi

12-05-2017 06:51 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Năm bé gái Angelika Chrapkiewicz-Gadek 3 tuổi, các bác sĩ chẩn đoán, em mắc bệnh teo cơ tủy sống. 14 tuổi, bé gái xấu số bắt đầu ngồi xe lăn.

Năm bé gái Angelika Chrapkiewicz-Gadek 3 tuổi, các bác sĩ chẩn đoán, em mắc bệnh teo cơ tủy sống. 14 tuổi, bé gái xấu số bắt đầu ngồi xe lăn. Tuy nhiên người khuyết tật không từ bỏ hoài bão. Bằng hành động cụ thể, Angelika chứng minh, đối với cá thể có nghị lực, không có việc gì là không thể. Năm 2008, chị đã chinh phục đỉnh Kilimanjaro, tháng 6/2016 - leo lên đỉnh Rysy (2.503 mét). Hiện Angelika là người đẹp hạnh phúc đã có chồng và nhiều đam mê, trước hết là đam mê cuộc sống.

Angelika đẹp theo phong cách kinh điển - mái tóc vàng và đôi mắt màu xanh da trời. Mùa hè 2013, Angelika lọt vào top 10 thí sinh đẹp nhất cuộc thi Hoa hậu Ba Lan trên xe lăn lần thứ I  do Quỹ “Jedyna Taka” tổ chức. Tham gia cuộc thi, mục đích của chị không phải quảng cáo sắc đẹp của bản thân. “Đơn giản, tôi mong muốn góp phần xóa nhòa định kiến sai lệch về người khuyết tật trong mắt xã hội” - Angelika giải thích.

Vượt cửa ải phổ thông, vào đại học

Thời hạnh phúc nhất trong đời? Tuổi ấu thơ, bất chấp bệnh hiểm nghèo. Angelika lớn lên ở Zakopanem, trong ngôi nhà nhỏ miền núi điển hình - 3 phòng ngủ, nhà bếp và phòng tắm. Bố dân miền núi, mẹ phụ nữ đất mỏ, Angelika kế thừa của bố mẹ tinh thần sắt đá và cá tính “cứng đầu”. Nghịch như bất cứ một trẻ trai cùng lứa nào, bé Angelika có thể quên ăn đi xe đạp và mải trèo cây. Bệnh teo cơ khiến bé vụng về, lóng ngóng nên không hiếm lần trèo cây và đi xe đạp bị trượt ngã, chân tay trầy xước, bong gân. Nhưng bé “cứng đầu” quyết không bỏ cuộc. Sau mỗi lần ngã xe đạp, Angelika đều gắng sức gượng dậy và đạp tiếp, rơi từ cành cây xuống đất, lập tức cắn răng trèo tiếp. Trong thời kỳ này cũng xảy ra không ít tình huống mủi lòng - hành vi chế giễu thân hình biến dạng bởi chứng bệnh hiểm của đám bạn vô ý thức, cho dù không gây đau đớn về thể xác, song vẫn khiến Angelika nhiều ngày đắng miệng.Angelika sau kỳ tích chinh phục đỉnh Rysy, tháng 6/2016.

Angelika sau kỳ tích chinh phục đỉnh Rysy, tháng 6/2016.

Nghe có vẻ phi lý, nhưng giai đoạn thật sự hạnh phúc với Angelika bắt đầu khi bé được bố mẹ gửi vào trường nội trú nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng. Học sinh của trường chỉ có thể gặp mặt bố mẹ vào ngày nghỉ cuối tuần. Ở đó Angelika kết thân nhiều bạn, những người đến nay chị vẫn duy trì mối quan hệ. “Tất cả chúng tôi đều trong hoàn cảnh như nhau, đều bị khuyết tật nào đó. Mọi người đều đồng cảm, dễ dàng tìm tiếng nói chung. Không ai nhìn ai “bằng nửa con mắt” - Angelika phấn khởi hồi tưởng. Thời gian ở trường nội trú đặc biệt đã củng cố tinh thần bé gái tật nguyền, giúp bé tự tin quyết định rời quê hương, đến thành phố Krakow cách xa gần 500km để học đại học sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học. Thí sinh trên xe lăn thi đỗ vào chuyên ngành du lịch.

Cú nhảy xuống nước sâu

Những tháng đầu tiên cuộc đời sinh viên với Angelika không dễ dàng. Sống ở ký túc xá. Tâm trạng cô đơn hành hạ nữ sinh viên trẻ. Thực chất đêm nào Angelika cũng ôm gối khóc, song vẫn cả quyết với bố mẹ, “mọi việc đều tốt đẹp”. Chị muốn tự mình xoay xở với cuộc sống mới. Và chuyện gì phải đến đã đến. “Những người bạn đầu tiên tôi tìm được không phải người cùng chuyên ngành. Họ là những sinh viên Khoa Địa lý” - Angelika kể. Các bạn thường xuyên giúp chị mang vác xe lăn, chị cảm nhận có thể dựa vào họ. Sau đó, nữ sinh tật nguyền cũng kết thân với các bạn nữ cùng ngành học. “Nhìn chung tôi rất cởi mở với mọi người, luôn có thái độ thân thiện đối với họ. Điều đó đã hỗ trợ tôi trong mọi thời điểm cuộc đời” - nữ cử nhân chuyên ngành du lịch bộc bạch về quãng đời sinh viên. Năm thứ 3 đại học, chị bắt đầu cuộc phiêu lưu với bộ môn thể thao bơi lặn do được một bạn trai thuyết phục. Thoạt đầu Angelika từ chối, viện lý do mình không biết bơi, nước quá lạnh. Nhưng chị đã hoàn toàn bị dòng nước chinh phục ngay khi đầm mình xuống bể bơi. Dưới mặt nước chị tìm được sự bình đẳng với thế giới khuyết tật.

Một năm sau, Angelika gia nhập Hiệp hội Du lịch dưới nước “Nutica”. Ngay sau ngày tốt nghiệp đại học, nữ cử nhân chuyên ngành du lịch được “Nutica” tuyển làm chuyên viên đảm trách khâu tiêu thụ và tổ chức các tua du lịch bơi lặn ra nước ngoài. Công việc xúc tiến du lịch khá vất vả. Hàng ngày Angelika làm việc từ 8 giờ sáng đến 18 giờ chiều, sau 18 giờ là các việc từ thiện của hiệp hội.

Sau 3 năm tích cực cống hiến, chị được các hội viên tín nhiệm bầu làm Chủ tịch “Nutica”. “Chức vụ Chủ tịch Hiệp hội mang lại cho tôi nhiều niềm vui, song tôi cũng bắt đầu cảm thấy áp lực công việc quá nặng”. Có thể nói, công việc mới đã tự tìm đến Angelika. Và chị gắn bó với công việc mới đến bây giờ. Đó là Hợp tác xã Xã hội trực thuộc Quỹ Anna Dymna. Tổ chức làm những công việc khác hẳn Hiệp hội Du lịch dưới nước. Hợp tác xã Xã hội chuyên thực hiện các dự án quảng bá miễn phí công việc sáng tạo của người khuyết tật. “Khởi đầu tôi e ngại, công việc liên tục như vậy trong môi trường người khuyết tật sẽ bất lợi cho bản thân” - Angelika tâm sự. Cùng với thời gian, đến nay chị thấy mối e ngại như vậy chỉ là ảo giác. Ngoài công việc ở công ty, Angelika quyết định đối mặt với không ít thách đố thuộc lĩnh vực thể thao. Thí dụ, chinh phục các đỉnh núi cao.

Những đỉnh cao của nghị lực

Người khuyết tật chinh phục các đỉnh núi cao, để làm gì? - Đơn giản, từ nhỏ tôi đã gắn bó với những ngọn núi cao - Angelika hồn nhiên dẫn giải - Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng núi Zakopanem. Năm 15 tuổi, cùng nhóm bạn thân, chúng tôi đã đặt chân đến thung lũng 5 hồ lớn, chuyến đi tôi được các bạn thay nhau gùi trên lưng. Ngay khi ấy tình yêu bao la dành cho các đỉnh núi đã ngự trong trái tim tôi và tôi biết rõ, tự mình tôi không bao giờ có thể leo núi, song chắc chắn sẽ tìm ra cách, giúp tôi toại nguyện.

Nhờ tài trợ của Quỹ Mimo Wszystko, năm 2008 tôi đã may mắn được tham gia chuyến leo núi khám phá đỉnh Kilimanjanro, ngọn núi được mệnh danh “Mái nhà châu Phi”. Khi ấy chúng tôi đã sử dụng cáng leo núi chuyên dụng và  ba lô cắt 2 lỗ đáy, để thò chân ra ngoài. Với sự giúp sức tận tình của mọi người, tôi đã chinh phục ngọn núi cao 5.200 mét so với mặt nước biển - độ cao đến nay chưa ai tàn tật như tôi có thể đặt chân.

Tháng 11/2015, tôi hạ quyết tâm: chinh phục đỉnh Rysy. Cho dù thấp hơn đỉnh Kilimanjaro, song đường leo lên đỉnh Rysy hiểm trở hơn. Tôi rất muốn sớm thỏa mãn giấc mơ này, bởi trong trường hợp của tôi, quỹ thời gian đang cạn dần, khi bệnh tiến triển tiên lượng ngày càng xấu. Cần phải “vắt” cuộc đời như vắt quả chanh. Tháng 3 tôi bắt đầu rèn thể lực cho chuyến đi: thực hiện các bài tập phục hồi chức năng và áp dụng thực đơn giảm béo, để cân nặng giảm đi chút ít. Sau 4 tháng tôi đã cắt được gần 8kg. Trưởng đoàn Bogdan bắt đầu tổ chức nhân sự, dụng cụ và hậu cần.

Đêm 24 rạng sáng ngày 25/6, đúng 22 giờ, chúng tôi bắt đầu “tấn công” đỉnh Rysy. Cả đoàn 15 thành viên, 10 vận động viên leo núi chuyên nghiệp, 4 nhân viên cứu hộ, y tế và tôi. Mọi người mang theo đầy đủ thiết bị cần thiết (dây thừng, súng bắn móc tiêu, mũ bảo hiểm... và ghế đeo đặc biệt dành cho tôi cải biên từ chiếc ba lô vải bạt). Quãng 0 giờ 30 chúng tôi đã vượt qua đỉnh Morkie Oko. Tiếp theo thời tiết đột ngột giở chứng: giông tố và mưa rào. Sau một giờ trú mưa, trưởng đoàn đưa ra quyết định quan trọng, leo tiếp!

Suốt thời gian tôi bó người trong chiếc ba lô, thò chân qua hai lỗ mở ở đáy, được các chàng trai trong đoàn luân phiên địu trên vai. Y hệt chuyến chinh phục đỉnh Kilimanjaro 8 năm trước.

Chúng tôi lần lượt vượt qua nhiều địa bàn hiểm trở: vách núi dựng đứng, đá lở, bão tuyết... Kinh nghiệm và sự chuẩn bị tuyệt vời của các chàng trai đã dần xua tan cảm giác sợ hãi. Đúng 7 giờ 30 phút sáng, chúng tôi đặt chân lên đỉnh Rysy thuộc lãnh thổ Ba Lan và 1 giờ sau - 8 giờ 30, chinh phục đỉnh Rysy trên lãnh thổ Slovakia. Chúng tôi đã có cơ hội chiêm ngưỡng những phong cảnh hết sức mãn nhãn. Giấc mơ của tôi đã được thực hiện và trên đỉnh núi cao nhất Trung Âu, tôi có thể tự tin khẳng định, ở đời không có việc gì là không thể, nếu bạn có đam mê và lòng quyết tâm.

Sau giây phút viên mãn, đối với tôi bắt đầu thử thách nặng nề hơn, tức chặng đường xuống núi. Nỗ lực bám đường, để tránh trượt dốc đòi hỏi sức mạnh gấp đôi. Chiếc ba lô ghìm chặt hai đùi, ép cứng lồng ngực tôi vào lưng đồng đội, khiến nhiều lúc tôi bị nghẹt thở. Hạ sơn, vận động viên leo núi phải bám dây, tụt dốc. Lưng đồng đội gùi tôi nghển ra ngoài, nhiều lúc tôi phải nhắm mắt để tránh bị chóng mặt, chứng kiến hẻm núi sâu như không có đáy. Đúng là tính mạng treo trên đầu sợi tóc. Sau 15 giờ nghẹt thở, chúng tôi đã an toàn tiếp đất.

Thay lời kết

Tất cả kỳ tích chinh phục đỉnh núi cao của tôi may mắn đạt được chủ yếu nhờ vào công sức của những người bạn tuyệt vời. Họ đã hết lòng giúp tôi hiện thức hóa giấc mơ. Tôi hết sức biết ơn, xúc động và vô cùng hạnh phúc khi các bạn đã xuất hiện trên con đường của tôi và nhiệt tình giúp tôi có được trải nghiệm thật sự thú vị - Angelika chân thành chia sẻ.


Vinh Thu
Ý kiến của bạn