Hà Nội

Ngôi thai và những bất thường

19-08-2014 14:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Ngôi thai là tư thế của em bé so với cổ tử cung người mẹ. Khi chưa cận ngày sinh, ngôi của bé thường không cố định, có thể là ngôi đầu, mông hoặc ngang.

Ngôi thai là tư thế của em bé so với cổ tử cung người mẹ. Khi chưa cận ngày sinh, ngôi của bé thường không cố định, có thể là ngôi đầu, mông hoặc ngang. Bình thường, trước khi sinh, hầu hết các bé ở ở tư thế ngôi đầu (đầu bé áp vào cổ tử cung). Đó là lý do tại sao hầu hết các bé đều được sinh đầu ra trước.

Ngôi thai bất thường

Một số trường hợp không phải ngôi đầu, có thể là ngôi mông (lúc đó mông của bé áp vào cổ tử cung) hoặc ngôi ngang (vai hoặc lưng của bé áp vào cổ tử cung),... Những trường hợp này gọi là ngôi bất thường. Ngoài ra các trường hợp sinh non thường có ngôi bất thường do thai chưa kịp chuyển thành ngôi đầu. Các trường hợp ngôi bất thường đều gây khó khăn hơn cho bác sĩ và nữ hộ sinh trong khi đỡ đẻ cho sản phụ.

Ảnh minh họa

Một số trường hợp khác, mặc dù là ngôi đầu, song bé cúi không tốt để chuẩn bị đi qua âm đạo của mẹ ra ngoài cũng gây ra những khó khăn trong lúc sinh nở. Hậu quả của việc cúi không tốt có thể thấy như ngôi mặt (mặt bé áp vào cổ tử cung), ngôi trán (trán bé áp vào cổ tử cung) hay ngôi cằm (có thể rờ thấy cằm của bé khi thăm khám âm đạo). Trong trường hợp đa thai, nếu hai bé ở hai ngôi khác nhau gây ra tình trạng khóa ngôi.

Nguyên nhân gây ra các ngôi bất thường là do lượng nước ối trong tử cung bất thường (ít quá hoặc nhiều quá), hoặc có thể do dây rốn ngắn hoặc dây rốn quấn vòng quanh cổ bé làm cho bé không xoay đầu xuống được.

Làm gì khi ngôi thai bất thường?

Vào thời điểm gần đến ngày sinh, các bác sĩ sẽ thông báo cho sản phụ biết ngôi thai sau khi thăm khám và siêu âm thai. Một vài trường hợp ngôi bất thường an toàn khi sinh đường dưới (sinh ngả âm đạo). Tuy nhiên, các tai biến có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong suốt quá trình sinh. Ngôi bất thường thường kèm theo tình trạng hoặc bé thiếu cân hoặc bất thường của bánh nhau và nước ối, thậm chí có thể do bé có khiếm khuyết bẩm sinh. Ngôi bất thường có thể có tai biến như tổn thương dây rốn gây ngạt (dẫn đến suy thai), thậm chí có thể gây ra tử vong cho cả mẹ lẫn con. Do đó mổ bắt con hay sinh thường tùy thuộc vào quyết định của bác sĩ.

Điều quan trọng nhất là sản phụ cần đi khám thai thường xuyên theo lịch hẹn của bác sĩ để được bác sĩ giải thích về tình trạng ngôi thai của bé đồng thời sẽ khuyên bạn cần phải làm gì để “vượt cạn” an toàn.

(Theo tài liệu của Bệnh viện Từ Dũ)

 


Ý kiến của bạn