(Đọc “Olga Berggoltz của tôi”, dịch giả Thụy Anh, NXB Trẻ, 2010)
Lần này, dịch giả Thụy Anh lại cho chúng ta thấy một vẻ đẹp Nga khác, tự tin, đầy bản lĩnh, ngoan cường và có lúc không kém phần quyết liệt qua thi phẩm và những tài liệu ghi chép của Olga, trong đó có cuốn Nhật ký cấm mà trước đây chưa có điều kiện công bố. Để có được bản dịch thơ của Olga, “người lắm tài nhiều tật” này, dịch giả Thụy Anh dù muốn hay không cũng phải vượt qua nhiều áp lực lớn. Để vượt qua được áp lực trên, Thụy Anh buộc phải vượt nhiều khó khăn, vất vả để sưu tầm tài liệu, đọc và nghiền ngẫm hàng nghìn trang mới có thể thấu hiểu một phần nào đấy về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ vĩ đại này. Trong một chừng mực nhất định, có thể coi dịch giả Thụy Anh như một người đồng sáng tạo ra thi phẩm Olga.
Nhưng một trong những đóng góp của dịch giả Thụy Anh lần này cần phải kể đến là trong bài Olga Berggoltz, những nhầm lẫn đã trở thành huyền thoại chị đã giải thích rõ về một chuyện nhầm lẫn thú vị như sau: Một nhân vật độc đáo và bí ẩn nữa mà thiết nghĩ rất nên nhắc tới khi cùng bạn đọc Việt Nam đến với Olga, là một người - hay một nhà thơ - có họ Bessonov. Người này xuất hiện cùng với một bài thơ đã gây nên những hoài nghi về nguồn gốc của nó, bài: Chuyện mười năm trước (Chỉ có một lần thôi/ Em hỏi anh im lặng/ Thế mà em hờn giận/ Để chúng mình xa nhau…), được chép trong những cuốn sổ thơ, được “phát tán” trên nhiều diễn đàn mạng tiếng Việt, người ta thường ghi chú rằng đó là thi phẩm của Bessonov, người yêu Olga! Nhưng thông tin này có cơ sở để bác bỏ, vì trong tất cả các ghi chép, hồi ký của Olga và những người cùng thời với bà, chưa ai nhắc đến nhân vật kỳ lạ này.
Trong đời, Olga có ba cuộc hôn nhân, đều là kết quả của những mối tình say đắm, sôi nổi: Boris Kornilov, Nikolai Molchanov và Georgi Makogonenko. Cái họ Bessonov vô tình được đưa vào tiểu sử của Olga rất có thể do một sự nhầm lẫn nào đó từ phía người Việt. Có lần tôi đã nhờ một vài nhà văn Nga quen biết tìm hiểu hộ. Nhưng khi nghe câu chuyện này, họ rất ngạc nhiên và cảm động cho rằng đây là một sự kiện hi hữu: Nhà thơ nữ của họ đã có thêm một mối tình nữa, mối tình do những người yêu quý Olga ở Việt Nam “thêu dệt” nên!
Những “rắc rối đáng yêu” nói trên xung quanh nhân vật Olga lại cho tôi cảm tưởng sâu sắc rằng, Olga đã trở thành nữ sĩ của… Việt Nam! Tình cảm của bạn đọc Việt đối với bà có phần hơi khác so với những tình cảm mà họ vẫn dành cho một số nhà thơ nữ người Nga quen thuộc khác.
Bà từng viết về người chồng thứ ba và cũng là người chồng cuối cùng của mình là Georgi Makogonenko: Anh đã nhận lấy người đàn bà u sầu, không mềm dịu/ Người có ý nghĩ tối tăm, cơn mê dại nặng nề/ Có nỗi niềm góa bụa không xóa được đau tê/ Có nghiêm túc một tình yêu chưa từng qua đi hết/ Nhận lấy về mình không mưu cầu niềm hoan hỉ/ Miễn cưỡng nhưng vì yêu anh đã nhận về... (Bội bạc - 1946). Phải chân thành, say đắm và có bản lĩnh lắm mới viết được những vần thơ như thế. Hay vì trong hoàn cảnh của Olga không còn con đường lựa chọn nào khác ngoài việc nói lên tất cả sự thật của lòng mình. Cái hoàn cảnh mà chính bà cũng tự cảm thấy mình là một “cây ngải đắng”: Ngải đắng ơi, hoa ngải đắng tình tôi...
Nỗi cay đắng của Olga không chỉ là phải bước qua ba lần đò, mà ngay cả ba đứa con gái yêu quý nhất của bà cũng lần lượt từ giã thế giới này khi còn thơ bé, trong đó có hai bị chết vì bạo bệnh và đói, còn một chết từ trong bào thai khi bà đang ở trong nhà tù. Olga là một người vợ ba lần mất chồng, một người mẹ ba lần mất con, thử hỏi còn gì cay đắng hơn. Dù cay đắng vậy nhưng Olga vẫn tin vào sự nhiệm màu của tình yêu và hạnh phúc gia đình, tình yêu quê hương, đất nước, vì chính nó đã đem lại cho bà sức mạnh. Nhưng tình yêu và hạnh phúc gia đình đối với Olga càng đắm say, quay cuồng như điên dại bao nhiêu, càng khiến bà bất hạnh và luôn tự mâu thuẫn với mình bấy nhiêu. Có thể, nó như là bóng ma cuộc đời, luôn ám ảnh tâm hồn nhạy cảm của một cô gái Nga như Olga, khi cô bỏ chạy thì nó đuổi theo, còn khi cô đuổi theo thì nó lại bỏ chạy và kết cục nó vĩnh viễn tuột khỏi tầm tay với của bà.