Ngời sáng Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

07-03-2010 08:10 | Thời sự
google news

Cứ mỗi độ xuân về là thầy thuốc không thể không nhớ đến một con người mà tên tuổi vằng vặc như sao Khuê với ánh sáng trường tồn theo chiều dài lịch sử.

Cứ mỗi độ xuân về là thầy thuốc không thể không nhớ đến một con người mà tên tuổi vằng vặc như sao Khuê với ánh sáng trường tồn theo chiều dài lịch sử. Ánh sáng ấy là kết tinh của tấm lòng thương dân bao la với tài năng siêu việt thành tấm gương sáng để lớp lớp thầy thuốc Việt noi theo từ thế hệ này sang thế hệ khác với tất cả niềm tự hào. Ông là Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Đầu thế kỷ XVIII, xã hội phong kiến Việt Nam quay cuồng trong cơn binh lửa giữa nạn tranh giành quyền lực Vua Lê - Chúa Trịnh khiến trăm họ lầm than, muôn dân cơ hàn đói rét bệnh tật... Ở thôn Văn Xá, xã Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hưng Yên bấy giờ  (nay thuộc xã Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên), vào năm Canh Tý (1720) ngày 17 tháng 11 âm lịch có một con người được sinh ra mà sau này tên tuổi trở thành ngôi sao sáng của y học cổ truyền và hiện đại Việt Nam  về y đức, y thuật. Ông là Đại danh y Lê Hữu Trác.

Đại danh y Lê Hữu Trác lúc mới sinh có tên là Lê Hữu Huân, sau lấy hiệu là Hải Thượng Lãn Ông. Vào năm Bính Dần (1746), khi ông vừa 26 tuổi, nhân khi người anh ở Hương Sơn mất, ông liền viện cớ về nuôi mẹ già, cháu nhỏ thay anh để xin ra khỏi quân ngũ, thực sự "bẻ tên cởi giáp" theo đuổi chí hướng nghề thuốc để cứu dân lành.

Bắt tay vào nghề thuốc với vốn tri thức có sẵn từ nhỏ về thiên văn, địa lý, âm dương ngũ hành cộng với phẩm chất thông tuệ có sẵn nên việc học của ông thật nhanh chóng. Ngay từ đầu, ông đã tâm niệm: "Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên lo tính mạng con người; phải lo cái lo của con người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu người làm nhiệm vụ của mình, không được mưu lợi, kể công". Và suốt đời "làm thuốc" của mình, ông phấn đấu không mệt mỏi để thực hiện điều tâm niệm cao cả đó.

 Tượng Hải Thượng Lãn Ông ở Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Sáng ngời y đức

Trước khi theo nghề thuốc, Hải thượng Lãn Ông là một bệnh nhân bị cảm nặng do sớm khuya đèn sách, không chịu nghỉ ngơi. Bệnh trọng 2 năm không chữa khỏi, sau nhờ lương y Trần Độc, người Nghệ An là bậc lão nho, học rộng biết nhiều nhưng thi không đỗ, trở về học thuốc, nhiệt tình chữa khỏi. Âu cũng là duyên cơ khi mà bệnh nhân trong lúc được thầy cứu chữa đã miệt mài đọc sách thuốc của thầy. Thấy lạ, thầy Trần Độc bèn đem hết những hiểu biết về y học truyền cho ông.

Nói đến Hải Thượng Lãn Ông trước hết là nói đến y đức. Khái niệm y đức của ông thật giản dị :"Đã hiến thân cho nghề thuốc thì phải biết quên mình để  dồn hết tâm lực vào trước thuật, trước là cứu người, sau là đúc kết để dựng nên ngọn cờ đỏ thắm giữa y trường". Ngay từ ngày ấy ông đã rất "hiện đại", nói như ngôn ngữ ngày nay là chữa bệnh và nghiên cứu khoa học!. Rộng hơn, ông phân tích mối quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân: "Thầy thuốc là người có nhiệm vụ bảo vệ sinh mệnh người ta. Lẽ sống chết, điều phúc họa đều ở trong tay mình xoay chuyển, lẽ nào người có trí tuệ không đầy đủ, hành động không chu đáo, tâm hồn không thoáng đạt, trí quả cảm không thận trọng mà dám theo đòi bắt chước học nghề y".

Trong mọi nghề khác, học là thành tài song trong ngành y, sự học chỉ là một phần và điều làm nên tên tuổi, tài năng là tự tu dưỡng với 8 chữ răn mình: Nhân - Minh - Đức - Trí - Lượng - Thành - Khiêm - Cần (tức là nhân ái, sáng suốt, đức độ, hiểu biết, rộng lượng, thành thực, khiêm tốn, cần cù), cụ thể hơn là phải tránh 8 tội: lười biếng, keo kiệt, tham lam, dối trá, dốt nát, bất nhân, hẹp hòi, thất đức. Y học mang trong nó những thiên chức cao cả nhưng y học cũng là một nghề và người hành nghề thì cũng là những con người cụ thể. Vì thế, từ thực tế, ông kịch liệt phê phán những người lợi dụng ngành y để mưu lợi "hoặc bắt bí người ta trong đêm mưa gió khó khăn... bệnh dễ thì kêu là bệnh khó, bệnh khó thì dọa là bệnh chết, dối mình, dối người để mưu cầu cho mình... Đối với kẻ giàu sang thì sốt sắng để mong được lợi, đối với người nghèo khó thì lạnh nhạt, thờ ơ...".

Cuộc đời Hải Thượng Lãn Ông là một dẫn chứng hùng hồn về y đức mà không cần cao giọng giảng giải, thuyết lý nhiều. Ông tận tuỵ với người bệnh, không quản đêm hôm mưa gió, đường sá xa xôi cách trở hay khi bản thân đang mệt mỏi, ốm đau, ông đều đến tận nơi, xem bệnh cụ thể rồi mới cho thuốc. Bệnh nặng cần mua thuốc tốt, ông sẵn sàng bỏ tiền để cứu bệnh nhân dù biết rằng sau này bệnh nhân không có khả năng hoàn trả. Ông luôn thận trọng và hy sinh cả những thú vui riêng tư thích du ngoạn đây đó ngắm non nước cảnh vật chỉ vì "nhỡ khi vắng mặt ở nhà có người đến cầu bệnh nguy cấp thì phụ lòng trông mong của họ, lỡ nguy hại đến tính mạng...". Người nghèo đã khổ nhưng người nghèo mang bệnh mới là thậm khổ nên ông hết lòng thương yêu người bệnh nghèo khổ, vợ góa con côi bởi vì "kẻ giàu sang không thiếu gì người chăm sóc, người nghèo hèn không đủ sức để mời danh y". Ông tôn trọng nhân cách của người bệnh và luôn nghiêm khắc với bản thân mình, giữ tâm hồn luôn trong sáng. 

 Phố Lãn Ông ngày nay.

Nhân cách lớn và y thuật lớn giữa bầu trời y học

Con người thầy thuốc là vậy mà con người xã hội trong ông cũng là tấm gương lớn về nhân cách. Hải Thượng Lãn Ông là hiện thân của tấm lòng cương trực, chí khí thanh cao, không màng công danh phú quý, không nịnh hót kẻ giàu sang. Khi ông 62 tuổi, vào năm Cảnh Hưng 43 (1782), ông nhận được lệnh chúa triệu về kinh xem mạch kê đơn cho Thế tử Trịnh Cán. Việc trên đòi đâu dám chống và từ quê mẹ, ông thượng kinh. Chúa Trịnh Sâm gặp ông, tiếp một buổi khen "hiểu sâu y lý", ban thưởng cho ông 20 suất lính hầu và bổng lộc ngang với chức quan Kiểm soát bộ hộ để giữ ông lại. Nhưng ông giả ốm không vào chầu, sau lại viện cớ tuổi già mắt hoa, tai điếc thường ốm yếu để được trọ ở ngoài. Bọn ngự y ghen tỵ với Lãn Ông, không chịu chữa theo đơn của ông nên Thế tử không khỏi, ông biết thế nhưng không hề thắc mắc với bọn thầy thuốc thiếu lương tâm này, mặt nữa ông không thật nhiệt tình chữa, để sớm thoát khỏi vòng cương tỏa của quyền thần, danh lợi. Thế nhưng với dân, với đồng nghiệp, với học trò, Hải Thượng Lãn Ông lại là một con người khác. Ông là một tấm gương mẫu mực cho thuật xử thế: "Khi gặp người cùng nghề cần khiêm tốn, hòa nhã, cẩn thận, chớ nên coi rẻ khinh thường, đối với người cao tuổi thì nên cung kính; đối với người có học thì nên tôn thờ như bậc thầy; đối với người cao ngạo thì nên nhún nhường; đối với người non nớt thì nên dìu dắt; giữ lòng như vậy là điều phúc lớn".

Trong lịch sử y học Việt Nam, ông là người đặt nền móng xây dựng y thuật với cuốn Y tông tâm lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển đề cập từ nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, nhi khoa, thương khoa, truyền nhiễm, cấp cứu đến y đức, vệ sinh phòng bệnh, phương pháp nuôi dưỡng, thậm chí cả chế biến các món ăn dưỡng bệnh... Có thể nói Y tông tâm lĩnh là tinh hoa của y học nhân loại và y dược cổ truyền Việt Nam.Để có được di sản cụ thể này, từ việc kê đơn bốc thuốc, thăm khám bệnh hàng ngày, ông đặc biệt chăm chỉ  ghi chép để tổng kết, đối chiếu, so sánh và từ đó tổng kết thành bài học lớn. Y thuật của ông có giá trị lâu dài bởi ông chịu nghe đồng nghiệp, kể cả học trò và tiếp thu kinh nghiệm của người xưa một cách có chọn lọc, linh hoạt, sáng tạo, không hề rập khuôn máy móc. Từ đó ông có quan điểm về nhận định bệnh tật và phương pháp điều trị sáng tạo phù hợp với đặc điểm phong thổ, khí hậu và đặc điểm của con người Việt Nam.

 Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác không chỉ là danh y có cống hiến to lớn cho nền y học dân tộc, ông còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng lớn của thời đại. Năm 1783, ông viết xong tập Thượng kinh ký sự bằng chữ Hán tả quang cảnh ở kinh đô, cuộc sống xa hoa trong phủ Chúa Trịnh và quyền uy, thế lực của nhà chúa - những điều Lê Hữu Trác mắt thấy tai nghe trong chuyến đi từ Hương Sơn ra Thăng Long chữa bệnh cho Thế tử Trịnh Cán và Chúa Trịnh Sâm. Tập ký ấy là một tác phẩm văn học vô cùng quý giá. Mặc dầu tuổi già, công việc lại nhiều: chữa bệnh, dạy học nhưng ông vẫn tiếp tục chỉnh lý, bổ sung, viết thêm tập Vân khí bí điển năm 1786 để hoàn chỉnh bộ Tâm lĩnh.

Ngày rằm tháng Giêng năm Tân Hợi (1791), tại Bầu Thượng (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), “ngôi sao sáng trên bầu trời y học” khuất bóng, thọ 71 tuổi nhưng gương sáng của ông còn mãi vằng vặc giữa trời...

Trần Ngọc Bội


Ý kiến của bạn