Được thành lập từ năm 1993, Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp là kết quả hợp tác giữa Việt Nam với Hội động vật học Frank Furt (Đức). Đây cũng là trung tâm đầu tiên tại khu vực Đông Dương và Việt Nam được thành lập với mục đích nghiên cứu, tìm hiểu và cứu hộ, bảo tồn các loài linh trưởng.
Nơi đây hiện đang cứu hộ, nuôi giữ trên 100 cá thể thuộc các nhóm loài đang có nguy cơ tuyệt chủng vì nạn săn bắn, buôn bán động vật hoang dã.
Voọc chà vá chân nâu (hay còn gọi là chà vá chân đỏ hoặc voọc ngũ sắc) được tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng cư trú trong rừng sâu bởi vẻ đẹp khác thường của nó.
Voọc chà vá thuộc danh mục nhóm IIB ở mức nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam và tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới xếp vào danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện. Ở nước ta, lượng cá thể của loài này chiếm tới 83% số lượng voọc trên thế giới.
Tại các chuồng nuôi và chăm sóc linh trưởng, các công nhân đang thì thầm, trò truyện, quét dọn chuồng trại, tắm rửa cho chúng… Nhìn những hình này chúng tôi mới hiểu nếu không có tình yêu thiên nhiên thực sự, những con người ở đây không thể đưa những linh trưởng bị “hút chết” trở về với cuộc sống tự nhiên vốn có của chúng được…
Thức ăn của linh trưởng tại Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp là các loại lá cây có vị đắng, chát, có nhựa như vả, sung, phượng, nhãn…
Mỗi ngày, số linh trưởng của Trung tâm “ngốn” từ 300- 400 kg lá, thuộc hơn 100 loài cây. Nguồn thức ăn này được lấy từ khu vực rừng trồng và khu phục hồi sinh thái. Vườn thực vật, vườn ươm với hơn 360 loài, là nơi bảo tồn các nguồn gen thực vật quý hiếm của rừng Cúc Phương và Việt Nam.
“Bosti” năm nay 24 tuổi, là 1 cá thể cái già nên di chuyển chậm. Hiện tại bị gãy tay và đang được bó bột nên hàng ngày có các bác sĩ thăm khám. Thức ăn chủ yếu là khoai lang, đu đủ được các anh chị công nhân cắt thành khoanh tròn rồi cho thuốc vào.
Ngoài voọc chà vá tại Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp không thể không nhắc tới voọc quần đùi trắng hay voọc mông trắng. Đây là biểu tượng của vườn quốc gia Cúc Phương.
Kết quả điều tra của Hội bảo vệ động vật Frankfurk (Cộng hòa Liên bang Đức) mới đây khẳng định voọc quần đùi trắng chỉ còn ở Việt Nam với trên 200 cá thể, được phân bố rải rác tại 18 điểm tách biệt nhau thuộc các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình và Thanh Hóa.
Bên cạnh khu chăm sóc đặc biệt thì khu nuôi bán hoang dã của Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp có diện tích là 2ha, được bao quanh bởi lưới năng lượng điện mặt trời. Hiện tại, khu vực bán hoang dã có 7 cá thể đều được gắn chíp định vị dưới lớp da, trong đó có 2 cá thể vượn và 5 cá thể voọc mông trắng. Đây được coi là nơi “tập huấn” cho các loài linh trưởng trước khi được thả về với tự nhiên.
Vượn má trắng thường hót vào sáng sớm và di chuyển về gần chuồng để ăn từ 6 đến 9h sáng trong khu nuôi bán hoang dã.
Hiện nay Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp là cơ sở duy nhất trên thế giới đang cứu hộ và chăm sóc trong điều kiện nuôi nhốt cho các loài linh trưởng trong nhóm Ngũ sắc là voọc Chà vá chân nâu, voọc chà vá chân xám và voọc chà vá chân đen, voọc Mông trắng, voọc Hà Tĩnh…