Hà Nội

Ngôi nhà đầu tiên của con tôi

27-02-2015 10:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Không phải ai cũng may mắn có ngôi nhà đầu tiên ấm áp. Con đầu lòng của tôi có hạnh phúc này.

Không phải ai cũng may mắn có ngôi nhà đầu tiên ấm áp. Con đầu lòng của tôi có hạnh phúc này. Ngôi nhà ấy, vợ chồng tôi đã sống cùng con những ngày đầu đời của bé.

Trong các lĩnh vực phục vụ 24/24 giờ: công an, cứu hỏa, bệnh viện... gần như không có ngày nghỉ, lúc mọi người được nghỉ thì họ lại vất vả nhất. Ngành y nặng gánh hơn cả bởi nhu cầu khám chữa bệnh, sinh đẻ thường xuyên, không theo lịch hẹn cố định, cường độ - áp lực cao. Mỗi giây trên thế giới hàng vạn trẻ em ra đời. Phụ nữ trở thành đàn bà, người mẹ thực sự sau khi sinh con. Việc chịu đau đớn để sinh ra con người được coi là thành quả vĩ đại, điều kỳ diệu tuyệt vời nhất của tạo hóa mà nhân loại ngợi ca.

Niềm hạnh phúc khi đứa trẻ ra đời. (Ảnh minh họa)

Trong quá trình mang thai, qua tham khảo và quen biết, tôi quyết định chọn Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để sinh con. Tôi luôn thích và mong ước nhiều con, không sợ đau và vất vả, nếu có e ngại là chỉ lo sức lực và kinh tế. Nuôi và chăm con có nhiều kiểu - cách; nuôi dạy chất lượng cao, là một bà mẹ xuất sắc thì không dễ dàng, không chỉ do nhiệt tình và ý thức cố gắng. Làm tác giả xuất sắc không khó bằng làm bà mẹ xuất sắc, thậm chí buộc phải đối mặt với chọn lựa ngặt nghèo: không thể thực hiện cùng lúc hai vai trò ở mức xuất sắc, vì không đủ sức lực và thời gian. Người khá giả, ưa yếu tố ngoại, tư vấn cho tôi mua gói sinh đẻ tại Bệnh viện Việt - Nhật, Việt - Pháp, Vinmec. Tôi chọn BVPSHN vì gần nhà và bạn bè đã sinh con ở đây đều tín nhiệm. Tôi rất sợ cảnh chen chúc chờ lâu, nên chọn khám và đẻ dịch vụ, dù đắt hơn. Chờ đợi 2 tiếng mới được khám, tôi không thấy quá mệt và sốt ruột, phòng đợi sạch sẽ, chỗ ngồi ghế sắt, toilet thuận lợi.

...22h đêm 24/11, đau nhiều, tôi nhắc chồng lấy túi đồ đã chuẩn bị, đem theo tiền và gọi taxi. BV quả là nơi không phân biệt ngày, đêm lúc nào cũng có bệnh nhân, cấp cứu, tất bật không ngơi nghỉ. Chục thai phụ chờ đợi trước cửa phòng cấp cứu. Tôi hoảng quá khóc nức nở trong khi các y tá vẫn tuần tự công việc: hỏi thông tin thai phụ để khai hồ sơ đẻ, nhập thông tin vào máy tính. Trực tại phòng cấp cứu là BS. Vinh, đẹp trai, mặc bộ đồng phục và mũ xanh lá cây trông rất Tây như bộ phim của Ý mà tôi đã xem. Bác sĩ nhắc khẩn trương khi tôi cứ luống cuống run rẩy. Bàn y tá trực đặt ngay trong phòng, thỉnh thoảng bác sĩ ghé qua, họ đều nhẹ nhàng song nghiêm khắc, cương quyết với các y lệnh. Tôi cũng bị nhắc khi nằm khóc vì quá đau: “Phải giữ sức chứ, với lại nếu chị khóc nhiều thì các chị khác sẽ lo sợ thêm”. Từ đấy, tôi nghiến răng chịu đau. Quyết liệt dấn thân 18 năm lao động văn chương, làm những điều khó và sự kiện chưa ai làm, tại sao tôi không thể làm được việc mà muôn phụ nữ bình thường làm được. Lúc tôi có bầu, hỏi thăm tôi, nhà văn Chu Lai chia sẻ: “Không việc gì phải sợ, đau đẻ là trải nghiệm rất thú vị, biết đâu sau khi đẻ, cháu sẽ viết hay hơn. Mà chắc chắn sẽ hay hơn đấy, có con rồi sẽ khác lắm”.

Thì tôi đang trải nghiệm đây, những cơn đau dài hơn, dồn dập hơn. Đến 10h sáng, không chịu nổi nữa, lúc này tử cung đã mở đủ tiêu chuẩn để tôi làm giảm đau. Nhờ ThS.BS. Nguyễn Cảnh Chương - Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh giới thiệu, trước đó tôi lên VTV3 bình luận trực tiếp World Cup ba lần nên hầu như cả khoa biết tôi. Và không chỉ với tôi, các sản phụ khác đều nhận cư xử lịch sự. Thực hiện gây tê màng cứng cho tôi là TS.BS.Trần Văn Cường, mặc quần áo và mũ xanh da trời, vóc dáng cao lớn, làn da trắng, cười rất tươi. Tôi biết nụ cười ấy dù anh đeo khẩu trang - anh cười bằng mắt, ánh mắt chân thành đáng tin sau cặp kính trắng. Rất đau, tôi vẫn cố gắng nhìn phù hiệu trên ngực các bác sĩ và y tá, cố nhập tâm nhớ tên họ, không chỉ vì thuận lợi giao tiếp, xác định trách nhiệm, còn bởi tôi luôn muốn sống trước sau, phải lưu nhớ tên để cảm ơn, để viết và kể cho con, về những người đã giúp mẹ vượt cạn. Mũi tiêm thuốc tê đau buốt để gây tê màng cứng sống lưng, do BS. Cường thực hiện, y tá Quân phụ tá. Trước và trong lúc làm, anh Cường rất dịu dàng, anh kể đã từng học với bạn tôi, đồng môn Học viện Báo chí - Tuyên truyền, anh biết bài Dệt tầm gai, biết tôi và yêu văn chương. Đúng là ai có tâm hồn yêu nghệ thuật, thì nói năng, cư xử, cách sống - làm việc, dù ở ngành nghề nào đều tình cảm, tinh tế.

Hiệu quả của việc gây tê kéo dài 4 tiếng, trong thời gian đó, thỉnh thoảng bác sĩ, y tá đến khám cho tôi. Chỉ cách một vách ngăn, giường bên đã có 3 cháu bé ra đời. Cô bé kém tôi 12 tuổi đẻ lần đầu, mà không đẻ thường được, tôi chợt nghĩ: Vậy làm sao mình cố nổi đây? 14h chiều, thuốc tê bắt đầu hết hiệu lực, bác sĩ Trưởng khoa Mai Hưng, 2 thạc sĩ, bác sĩ Phó khoa Nguyễn Anh Tuấn và Lê Quang Hòa, đều vào phòng, đốc thúc công việc và thăm khám. Tôi yên lòng, bởi đội ngũ y, bác sĩ lao động hết mình, yêu nghề và đầy trách nhiệm. Chỉ có sự yêu thương mầm non tương lai, tôn trọng các sản phụ, họ mới có thái độ tận tụy như thế. Nơi bắt đầu của mọi công dân chính là từ nhà hộ sinh, phòng đẻ bệnh viện (trừ một số ít, đẻ tại nhà, hoặc... đẻ rơi). Đến 15 giờ, tôi bị sốt nhẹ, nhịp tim hạ, BS. Hòa - Phó khoa trước đó đã có lệnh: Sẽ cố gắng, chờ đến 16h mà không có cơn đau, sẽ cho mổ.

Trước khi chuyển xuống phòng mổ, tôi nhìn thấy bố mẹ và cô, tôi khóc òa lên, sợ hãi vì chưa hề bị đụng dao kéo vào người: “Bố ơi, con không cố được nữa, đành phải mổ thôi”. Cô tôi, theo yêu cầu của y tá, gỡ vội dây chuyền và khuyên tai của tôi, vội đến mức chỉ gỡ được một bên. Lên bàn đẻ, đèn tròn nhiều bóng rọi xuống, thật sự mệt lả và run, tôi xin BS. Lê Quang Hòa: “Em rất sợ dao rạch vào người, làm ơn cho em ngủ đi, rồi bác sĩ làm gì thì tùy, nếu em tỉnh thì sẽ chết vì sợ”. Tôi được tiêm gây mê. Chừng 30 phút sau, y tá vỗ vai trái đánh thức, vẫn còn mê mệt nhập nhòa, tôi thấy cô bế em bé giơ lên: “Con đây nhé!”. Sau 16 tiếng chịu đau, tôi đã sinh mẹ tròn con vuông, em bé nặng 3,5kg, ai cũng bất ngờ.

Trưa thứ bảy (29/11), được phép của bác sĩ, chúng tôi xuất viện sau khi xong thủ tục, về nhà trên taxi hồng với ý nghĩ đẹp về cuộc sống mới. Tôi chưa kịp gặp lại các bác sĩ để cảm ơn, dự định trước Tết này sẽ trở lại bệnh viện. Không phải quà cáp phong bì là cách bày tỏ lý tưởng. Lòng cảm ơn là sự ghi nhớ và dành ý nghĩ tốt đẹp cho các bác sĩ, y tá đồng hành cùng tôi.

Ở bệnh viện, mỗi ngày có hàng chục đứa trẻ ra đời. Chúng sẽ nhớ về nơi sinh qua lời kể và trên giấy khai sinh, khi sau này làm giấy tờ cần dùng đến. Còn với tôi, qua 5 ngày đầy ắp kỷ niệm vừa qua, sự thân thiện, chân tình nơi ấy khiến tôi không còn sợ bệnh viện nữa. Ngay khi nằm viện, tôi đã nhận ra: Y đức còn nhiều quanh ta, không chỉ vì vài cá nhân, hiện tượng mà quy kết, định kiến cả ngành, đánh giá đạo đức và nhân cách bác sĩ, lòng nhiệt tình và tận tâm của họ bằng phong bì. Ở nước ta, an sinh - phúc lợi xã hội còn thấp, sự xuống cấp hay chật chội của bệnh viện là quy hoạch tầm quốc gia, nó còn do ngân sách, chính sách của Nhà nước, không thể đổ hết cho Bộ trưởng. Bộ trưởng nào cũng không thể một mình xoay xỏa làm cuộc “cách mạng” nếu thiếu ngân khoản và chính sách, cơ chế hỗ trợ. Bộ trưởng trả lời chất vấn trước Quốc hội, trả lời trên VTV, các báo đài, những thất vọng và trách móc, chuyện bỏ phiếu tín nhiệm và bài bác... là cách nhìn chưa toàn diện và thiếu công bằng. Qua các bác sĩ, y tá tôi đã gặp ở Khoa Dịch vụ D4, cụ thể qua những con người ấy, tôi trân trọng và thông cảm hơn với công việc ngành y. Họ quá nặng nhọc sức ép, lắm trách nhiệm và cường độ lao động cao. Thử hỏi ai vất vả liên miên mà vẫn tươi cười, niềm nở, ai đòi hỏi được ta điều đó mà chúng ta lại luôn đòi hỏi bác sĩ phải tươi cười và chữ đẹp trong khi công việc luôn quá tải? Ngay người cùng nhà, lúc quá bận rộn còn không thiết nói chuyện, có khi “giận cá chém thớt”, huống hồ ở bệnh viện, hàng ngày có những bệnh nhân và thân nhân, khách thiếu ý thức hoặc không tuân thủ nội quy bệnh viện, đa số tự ý đuổi theo dúi tiền vào túi bác sĩ, y tá, nhất quyết cưỡng bức họ cầm để... yên tâm (!?). Bởi tâm lý đã nhận tiền thì họ sẽ tận tâm, lưu ý đến người nhà mình dù bệnh viện đều dán công khai nội quy, khuyến cáo không đưa phong bì.

Nhiều người sợ màu trắng bệnh viện, nó gợi sự lạnh lẽo, thuốc men, bệnh tật. Với hội họa, điện ảnh, trắng tổng hòa các màu. Trắng là màu của cô dâu ngày cưới, màu tường phổ biến của nhiều căn nhà và những nơi ưa sự sạch sẽ. Các bác sĩ được ví là các chiến sĩ áo trắng, một số ít còn là nghệ sĩ áo trắng bởi tính sáng tạo công việc và nghệ thuật trong tay nghề vốn đòi hỏi kỹ thuật cao. Bất cứ thời đại, xã hội nào, thầy giáo và thầy thuốc đều được kính trọng nhất. Không ai thích và muốn sống trong bệnh viện, nhưng 5 ngày trong bệnh viện với tôi là 5 ngày đáng nhớ. Con tôi đã sống những ngày đầu đời ở nơi cháu được quan tâm và nâng niu. Màu trắng bệnh viện ấy không đáng sợ, nó thân thương và tinh sạch, như là ý nghĩ trong sáng, tốt đẹp tôi dành cho ê-kíp bác sĩ, y tá, hộ lý mà tôi đã gặp nói riêng và muốn dành cho ngành y Việt Nam  nói chung. Năm Ất Mùi đến, tôi xin chúc sức khỏe, sự sáng tạo và thành quả ở những người mặc blue trắng, xanh. Họ đã có được niềm tin của tôi, gia đình tôi, mà không cần lời thề Hypocrate.

Nhà thơ Vi Thùy Linh

 

 


Ý kiến của bạn