“Các điều dưỡng rất tận tình, chu đáo, lễ phép với những người già vốn không còn nhiều sức khỏe như chúng tôi” - đó là lời chia sẻ của cụ Huỳnh Thị Tín (85 tuổi) đang được chăm sóc tại một Trung tâm Dưỡng lão tại Hà Nội với PV báo Sức khỏe&Đời sống vào một ngày cuối thu.
Tới thăm Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng (sau đây gọi tắt là Trung tâm), chúng tôi cảm nhận nơi đây như ngôi nhà chung ấm áp của người cao tuổi trong lòng Thủ đô ngàn năm tuổi...
Điểm tựa đúng đắn
Anh Đỗ Trần Hồ Thắng, 34 tuổi, hiện là Giám đốc Trung tâm cho biết, Trung tâm đi vào hoạt động được hai năm nay. Mục đích lớn nhất mà Trung tâm hướng tới chính là luôn muốn giúp người cao tuổi tận hưởng cuộc sống hạnh phúc hơn, khỏe hơn, an nhàn và bình yên trong tâm hồn, nên các gia đình có thể gửi niềm tin vào “ngôi nhà chung” này. Trung tâm hiện nay có tổng diện tích 1.500m2 với tòa nhà 5 tầng, mỗi tầng có 4 phòng dành cho 6-7 người một phòng đơn hoặc đôi.
Các cụ tại Trung tâm say sưa xem vô tuyến.
Đi thăm Trung tâm, PV bắt gặp hình ảnh các cụ ông đang ngồi thành nhóm đánh cờ tướng, xem vô tuyến, đọc sách báo...; các cụ bà có người nằm nghỉ ngơi, người ngồi trò chuyện với điều dưỡng thật sự ấm cúng, tươi vui. Trò chuyện, bác Hà Huy Nguyên (77 tuổi, cán bộ hưu trí, quê Kiên Giang), cho biết đã ở Trung tâm được hơn một năm. “Các cháu điều dưỡng tại đây rất ngoan, tốt và chu đáo. Các bác ở đây đều già yếu, đôi khi vui chơi trong phòng như đánh cờ, đánh bóng..., có buổi đi xe lăn ra ngoài chơi” - bác Nguyên tâm sự. Sau khi bị tai nạn khiến việc đi lại khó khăn, người thân đưa bác Nguyên vào Trung tâm. Bác Nguyên phân tích, nếu bác ở nhà thì con cháu phải chăm sóc một người già, phải lo đủ thứ sẽ vất vả và bản thân bác cũng không thấy vui vì điều đó.
Cụ Huỳnh Thị Tín (85 tuổi, quê Bình Định) từng có thời gian hơn 40 năm công tác tại Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 1 cho biết, do hoàn cảnh cụ chỉ có 2 con gái, một chị lại ở nước ngoài, còn một chị ở nhà cũng bận con nhỏ và gia đình nên cũng không có thời gian để chăm sóc tốt nhất cho cụ. Theo cụ Tín, các anh chị (điều dưỡng - PV) ở đây chăm sóc tận tình, chân thành, lễ phép và luôn vui vẻ. “Những ngày lễ như 8/3, 20/10..., Trung tâm tổ chức các chương trình văn nghệ cho các bác, các cô chú để tạo không khí vui tươi, đoàn kết hơn” - cụ Tín tâm sự. Theo cụ Tín, trước đây ở nhà có thuê riêng người giúp việc nhưng không ai làm được lâu. Nghĩ đi rồi nghĩ lại, cụ cho rằng vào Trung tâm là điều tốt cho cả bản thân cũng như cho con cái. Thực tế đã cho thấy đó là quyết định hợp lý.
PV gặp bác Vũ Đình Hiển đã ở ngưỡng cửa “thất thập cổ lai hy”. Khi về hưu cách đây vài năm thì bác bị tai biến, nửa người gần như bị liệt, phải nằm Bệnh viện Bạch Mai. Về sau ổn định hơn, hai con gái bác Hiển đã đưa bác vào Trung tâm, đến nay bác đã sinh hoạt ở đây được 2 năm. Không giấu những tâm tư, bác Hiển chia sẻ, bác ly thân với vợ cách đây gần 30 năm, có 2 con gái. Bác suy nghĩ rất cởi mở về vấn đề này. “Sự chăm sóc, chia sẻ của các cháu điều dưỡng ở Trung tâm tốt lắm. Khi các con bác chọn Trung tâm này, bác đồng ý ngay vì đây cũng là nhà, quan trọng hơn giúp con cái lo cho gia đình riêng, ổn định tư tưởng và an tâm làm việc”. Nói rồi bác Hiển đọc cho PV nghe những câu thơ bác tự sáng tác, cũng là những đánh giá của bác về Trung tâm: “Những ai đơn độc lẻ loi/ Vào đây chung sống thành đời đông vui/ Cùng nhau chia sẻ ngọt bùi/ Gia đình êm ấm sống vui từng ngày/ Ốm đau chung nắm bàn tay/ Có thêm sức mạnh, ngày mai khỏi liền...”.
Nhân lên điều tốt đẹp
Nhiều trường hợp người cao tuổi bắt đầu tới Trung tâm trong điều kiện suy giảm sức khỏe, bị tai biến, tai nạn, có người giảm sút trí nhớ...
Điều dưỡng viên luôn tận tình chăm sóc, hỗ trợ... những ai tìm đến Trung tâm để tạo nên một cộng đồng sinh hoạt, ngôi nhà trẻ trung của người cao tuổi.
Điều dưỡng viên Nguyễn Thanh Hùng tâm sự, vào nghề chăm sóc người cao tuổi có những khó khăn, vất vả riêng. Tuy nhiên, khi chứng kiến và chăm sóc người cao tuổi thì bản thân những người trẻ như anh Hùng cũng tìm ra sự đồng cảm. Anh Hùng cho biết, niềm vui của các điều dưỡng ở Trung tâm là được giao lưu, tâm sự, đi dạo cùng các ông bà, cô chú... như người thân gia đình. Và sự tận tình từ việc dìu dắt, quét dọn, vệ sinh cá nhân, lo bữa cơm hàng ngày... cho người cao tuổi đã đem đến điều kỳ diệu cho những ai đang được chăm sóc ở Trung tâm.
Anh Hùng kể về trường hợp một cụ bà tên là Thảo. Trước khi vào đây bà bị bệnh tiểu đường nặng, hoảng sợ với việc ăn uống. Từ ngày bị bệnh, bà Thảo gầy hẳn đi, người còn chưa đầy 40kg. Không chỉ thế, bà Thảo còn trở nên căng thẳng, cáu gắt, không muốn giao tiếp với ai. Và gia đình gửi bà Thảo đến Trung tâm với mong muốn điều tốt đẹp sẽ tới. Khi mới vào Trung tâm, những ngày đầu tiên bà Thảo cũng ít hợp tác, nhiều hôm cả Trung tâm đều nghe rõ lời quát mắng văng vẳng của bà.
Không hề nản chí, các điều dưỡng viên tại Trung tâm thể hiện sự quyết tâm và lòng kiên trì để duy trì nếp sinh hoạt điều độ cho bà Thảo, mong bà sẽ thay đổi tâm tư, suy nghĩ để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Với sự chăm sóc tận tình, cùng với chế độ ăn riêng cho người bị tiểu đường, thể lực của bà Thảo dần hồi phục. Chỉ sau một tuần, bà không cần đến ai dỗ ép nữa. Bà đã tự ăn uống, đồng thời tích cực giao lưu với mọi người hơn. “Bà hay kể chuyện và còn hát rất nhiều nữa” - anh Hùng không giấu niềm vui. Bà Thảo hiện nay đã được 53kg, khỏe mạnh, yêu đời...
Trường hợp khác là ông Lâm, từ ngày nghỉ hưu, ở nhà ông hay ốm yếu và buồn bã. Dần dần ông cũng chẳng buồn ngồi dậy, nhấc chân đi lại xung quanh. Con gái ông lại quá bận rộn, rất thương bố mà chẳng biết sắp xếp làm sao... Gia đình ông Lâm tìm đến Trung tâm và đặt niềm tin ở ngôi nhà chung dành cho người cao tuổi này. Bước chân vào Trung tâm, ông Lâm ngay lập tức tiếp cận với những tủ sách, có nhiều cuốn ông rất thích nên ông đọc ngấu nghiến. Sống tại Trung tâm, dần dà ông giáo Lâm tham gia giao lưu làm thơ, ca hát với mọi người. Trong khi đó, các bạn điều dưỡng hằng ngày đều vào phòng đưa ông ra ngoài vãn cảnh, chụp ảnh gửi về cho con gái xem để con yên tâm công tác. Và những điều đó như một phép màu chung, biến những ngày tuổi già cô đơn, ốm yếu trở nên khỏe mạnh và vui vẻ, yêu đời hơn.
Bác Hà Huy Nguyên thường ngày vẫn đọc báo tại Trung tâm.
Và những kỳ vọng trong tương lai
Theo cụ Huỳnh Thị Tín, nhiều gia đình có bố mẹ già, nhưng con cháu bận mải mưu sinh không chăm sóc được như mong muốn. Vì thế, việc mở Trung tâm dưỡng lão như Diên Hồng là điều tốt và cần thiết. Bác Hà Huy Nguyên lại mong muốn có nhiều Trung tâm dưỡng lão như Diên Hồng, nhưng trong địa phương cần rải đều ở các khu vực, mỗi quận huyện nên có một trung tâm dưỡng lão vì đỡ cho các cụ phải đi xa, người nhà thăm nom cũng dễ dàng.
Ở cương vị quản lý, anh Đỗ Trần Hồ Thắng muốn mở rộng, xây mới Trung tâm nhưng vấn đề nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng, quỹ đất... không phải chuyện dễ. Điều mà anh Thắng quan tâm và mong muốn hiện nay mà anh nhìn từ thực tế, đó là quyền lợi bảo hiểm đang được căn cứ theo hộ khẩu thường trú nên khi các cụ chuyển tới nơi ở mới, khi phát sinh bệnh rất khó khăn để nhận hỗ trợ từ bảo hiểm khi đi khám chữa bệnh. “Chúng tôi mong bảo hiểm y tế Việt Nam sẽ tạo ra hành lang và các thủ tục thuận lợi hơn cho người cao tuổi trong việc chuyển bảo hiểm tới nơi tạm trú mới” - anh Thắng bày tỏ.
Bên cạnh đó, anh Thắng cho biết Trung tâm đã, đang và sẽ nỗ lực phát triển toàn diện, đặc biệt chất lượng dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi, về cả sức khỏe và tinh thần. Trung tâm luôn đặt mình trong tâm thế “Chăm hơn chăm người thân” để cùng sẻ chia trách nhiệm chăm sóc, yêu thương và tạo ra cộng đồng sinh hoạt, ngôi nhà trẻ trung của người cao tuổi.