Ngôi miếu nhỏ ở Bệnh viện Việt Pháp

23-03-2019 23:10 | Y tế
google news

SKĐS - Có việc phải đến Bệnh viện Việt Pháp để liên hệ công tác, đi qua ngôi miếu nhỏ nằm im lìm một góc khiến tôi lặng người nhớ về cơn đại dịch năm nào đã khiến 44 y, bác sĩ nhiễm bệnh, trong đó có 6 người đã ra đi mãi mãi.

Giống như nhiều quốc gia khác, SARS tràn qua Việt Nam như một cơn bão, không chỉ để lại những thiệt hại to lớn về kinh tế, xã hội mà còn tạo ra những khoảnh khắc đầy bi hùng. Ngày 28/2/2003, Bệnh viện Việt Pháp đã liên hệ với đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Hà Nội để xin trợ giúp về chuyên môn cho một bệnh nhân viêm phổi nặng có triệu chứng giống cúm nhưng không phải cúm. Và người nhận cuộc điện thoại định mệnh này không ai khác chính là bác sĩ Carlo Urbani - một chuyên gia người Ý về bệnh truyền nhiễm.

Các bác sĩ tham gia chống dịch SARS tại Bệnh viện Việt Pháp cách đây hơn 15 năm.

Các bác sĩ tham gia chống dịch SARS tại Bệnh viện Việt Pháp cách đây hơn 15 năm.

Ngay lập tức, đại diện của WHO, trong đó có bác sĩ Urbani đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với Bộ Y tế Việt Nam và một quyết định được đưa ra là ngay lập tức cách ly hoàn toàn Bệnh viện Việt Pháp, thiết lập những quy chế kiểm soát nhiễm khuẩn ở mức độ cao nhất và kêu gọi sự trợ giúp về chuyên môn của cộng đồng quốc tế.

Bệnh viện Việt Pháp bị cô lập, nhân lực thiếu, trang thiết bị không đủ cho một tình huống đặc biệt khó khăn mà giới y học chưa hề gặp trước đó. Bệnh viện lúc này trở thành tiền đồn chống SARS, không chỉ ở Việt Nam mà còn là một trong những tiền đồn ngăn chặn dịch bệnh của thế giới. Toàn bộ y bác sĩ, nhân viên căng mình chống dịch, họ thậm chí còn không được trở về nhà để bảo vệ sự an toàn của cộng đồng. Lúc cao điểm, một nửa nhân viên của bệnh viện có triệu chứng bất thường. Thời điểm đó, dọc đường Phương Mai trước cổng bệnh viện vắng tanh. Người ta đều hạn chế qua lại khu vực này. Quán xá không mở cửa, không ai bán đồ ăn cho bệnh viện, thậm chí lãnh đạo bệnh viện phải liên hệ nhờ những khách sạn lớn viện trợ thức ăn.

Trải qua 45 ngày căng mình để đối phó với cơn đại dịch, bằng tấm lòng quả cảm, sự lao động sáng tạo, sự giúp đỡ và hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế, chúng ta đã chống SARS thành công. Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên được WHO xác nhận đã khống chế thành công dịch SARS vào ngày 28/4/2003.

Tạp chí New England Journal Medicine - một trong số ít những tạp chí y học lừng danh thế giới thời đó đã đưa ra một nhận định mang đầy tính khen ngợi: “Khi đối mặt với dịch SARS một cách công khai và quyết đoán, hình ảnh và nền kinh tế Việt Nam có nguy cơ bị tổn hại. Tuy nhiên, nếu sự việc bị lẩn tránh và giấu giếm, các kết cục tiếp theo có thể là thảm họa”.

Nhưng để có được thành công đó là sự hy sinh vô cùng to lớn của 6 y, bác sĩ trong đó có cả chính vị bác sĩ quả cảm Carlo Urbani. Trước khi qua đời, vị bác sĩ có 3 con nhỏ này còn đề nghị được cắt lá phổi của mình để làm tiêu bản nghiên cứu. Sau khi ông mất 2 tuần, virut Corona - nguyên do của cơn đại dịch cũng đã được tìm thấy. Để tưởng nhớ, lãnh đạo bệnh viện đã cho xây dựng một ngôi miếu nhỏ.

Hơn 15 năm đã trôi qua, cuộc sống hiện tại ở nơi đây đã thay đổi nhiều. Tấm bia ghi danh sự hy sinh quả cảm của 6 y, bác sĩ ngày nào trên ngôi miếu sau một lần di dời cũng đã rơi vỡ. Thậm chí nhiều người dân sinh sống quanh khu vực này khi được hỏi còn không hay biết về sự mất mát này. Nhưng nhắc lại chuyện cũ để thấy rằng, tuy ngành y tế của chúng ta vẫn còn nhiều điều thiếu sót, song 45 ngày lịch sử ấy xứng đáng để được ghi nhớ, để được tự hào về tấm gương của những y, bác sĩ quả cảm đã ra đi mãi mãi vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.


BS. Hồng Mai
Ý kiến của bạn