Hà Nội

Ngôi làng "trong mơ": người dân ở biệt thự, lái xế sang

01-10-2018 08:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Nằm ở phía Đông, thành phố Giang Âm, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, làng Hoa Tây nổi tiếng khắp Trung Quốc vì sự thịnh vượng, sung túc nhất cả nước. Người dân trong làng sống trong những ngôi biệt thự, lái xe hơi và sở hữu một tài khoản ngân hàng “đáng mơ ước” với giá trị lên tới 250.000 USD (tương đương 5,5 tỷ đồng Việt Nam).

Thiên đường nơi hạ giới

Làng Hoa Tây được mệnh danh là “Thiên đường nơi hạ giới” bởi đây là ngôi làng giàu nhất thế giới với phúc lợi xã hội không ở đâu sánh bằng. Người dân làng có một đời sống lý tưởng  mà nhiều người hằng mơ ước.  Ngôi làng có 2000 dân nhưng số người nhập cư lên tới hàng chục nghìn người, mỗi năm ngôi làng nhỏ này đón hàng triệu khách tham quan.  Du khách đến đây mong muốn khám phá ra bí quyết nào mà một ngôi làng bình thường trở nên vô cùng thu hút đến vậy. Nhiều doanh nhân sẵn sàng trao tặng những nhà máy triệu đô để đổi lấy tấm giấy ghi “công dân Hoa Tây”.

Công viên ở Hoa Tây có đủ mô hình các địa danh nổi tiếng thế giới

Những cư dân chính gốc của làng được thụ hưởng các dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và hoàn toàn miễn phí. Họ thường  làm việc trong các nhà máy thuộc sở hữu của làng 7 ngày mỗi tuần, nhưng bù lại họ có một đời sống không khác gì tầng lớp giàu có trong xã hội Trung Quốc: ở nhà sang, sở hữu những chiếc xe mang thương hiệu nổi tiếng thế giới như BMW, Mercedes, Cadilac…. Mỗi người dân có khoản tiết kiệm ít nhất 250.000 USD tại ngân hàng.  Sống sung sướng là vậy, nên không người nào có ý định rời khỏi làng, nếu rời đi họ sẽ không được mang theo bất cứ tài sản vật chất hay  tiền bạc nào. Ở Hoa Tây, việc chơi cờ bạc hay hút ma túy đều bị cấm.

Những ngôi biệt thự mọc lên san sát trong làng

Bất cứ ai đặt chân đến ngôi làng Hoa Tây đều phải thốt lên về sự giàu có của nó. Ngôi làng chỉ 56 tuổi, nhưng vượt qua  tất cả các thành phố có tuổi đời lớn hơn của  Trung  Quốc đại lục.  Để phô diễn tiềm lực kinh tế của mình, ông Ngô đã chi 3 tỷ NDT để xây dựng một tòa nhà chọc trời cao 74 tầng vào năm 2011. Tòa nhà cao tới 328m, thấp hơn tòa tháp cao nhất Trung Quốc 2m, cao hơn tháp Eiffel của Pháp 4m, nó có khả năng chứa được toàn bộ dân số của ngôi làng. Đây là tòa nhà cao thứ 15 trên thế giới.  Trong tòa tháp này có khách sạn 826 phòng, trong đó có 16 phòng Tổng thống và 1 phòng Tổng thống được dát bằng vàng, mỗi đêm nghỉ ở đây du khách phải rút túi 100.000 NDT. Trên tầng 60 của tòa nhà có một tác phẩm điêu khắc hình một con bò được đúc bằng 1 tấn vàng.

Bức tượng con bò được đúc bằng 1 tấn vàng.

Điều gì làm nên sự phát triển thần kỳ ở Hoa Tây?

Cách đây gần 60 năm, ngôi làng bên bờ sông Dương Tử giống như bất cứ một ngôi làng thuần nông nào khác, nghèo khó và vắng vẻ. Tuy nhiên từ khi được thành lập, năm 1961,  dưới sự lãnh đạo của cố Bí thư Đảng ủy thôn Wu Renbao (Ngô Nhân Bảo), Hoa Tây đã có sự chuyển mình vượt bậc, từ thuần nông nghiệp chuyển hẳn sang làng công nghiệp.  Sự phát triển thần kỳ của nó gắn với sự xoay chuyển tài tình của ông Ngô Nhân Bảo.

Nếu là dân trong làng sẽ được cấp biệt thự, ô tô

Ngay khi lập ngôi làng năm 1961, ông Ngô Nhân Bảo đã “khởi nghiệp” bằng việc thành lập một nhà máy kim loại, những người nông dân từ quen với chân lấm tay bùn, ruộng đồng chuyển thành những  công nhân ở các nhà máy.  Công việc thuận lợi, ông dần mở rộng hướng kinh doanh sang các lĩnh vực khác, các nhà máy mọc lên khắp nơi, sản xuất đủ mọi thứ từ thuốc lá đến hàng dệt may. Hoa Tây nhanh chóng lột xác từ một cộng đồng nông nghiệp nhỏ bé trở thành một làng công nghiệp với các lĩnh vực chủ chốt là thép, dệt may và du lịch. Đến nay Hoa Tây đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực từ ngân hàng, năng lượng, vận tải biển đến cả nông nghiệp. Nhưng việc canh tác nông nghiệp hiện nay theo xu hướng nông nghiệp công nghệ cao, Hoa Tây đã đầu tư 50 triệu NDT (7,3 triệu USD) vào lĩnh vực này.

Khách sạn trong tòa nhà cao thứ 15 thế giới

Ngay từ năm 2003, Hoa Tây đã nổi tiếng khắp  cả nước bởi tốc độ phát triển kinh tế vượt bậc. Chỉ riêng ông Ngô thành lập tới 12 công ty và tiếp tục phát triển nó. Năm 2013, thu nhập mỗi năm của ngôi làng đã đạt 100 tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 14,4 tỷ USD. Thu nhập hàng năm của người dân là 122.600 NDT, tương ứng với 17.717 USD vào năm 2004- gấp 40 lần mức thu nhập trung bình của một nông dân Trung Quốc.

Năm 2010, người dân làng Hoa Tây chi tới 90 triệu NDT để mua trực thăng của Mỹ về phát triển du lịch. Đến nay ở Hoa Tây người dân sử dụng trực thăng như một loại hình taxi để di chuyển, phục vụ du lịch  hoặc cấp cứu thông qua Công ty Hàng không Giang Tô Hoa Tây.  Để phát triển ngành du lịch và phục vụ nhu cầu giải trí của người dân trong làng, lãnh đạo Hoa Tây còn cho xây công viên World Park vô cùng hoành tráng với đầy đủ các biểu tượng là các địa danh, thắng cảnh nổi tiếng khắp nơi trên thế giới như Nữ thần tự do của Mỹ, Khải Hoàn Môn của Pháp hay cả Vạn lý trường thành của Trung Quốc….. Nhiều người từng đến Hoa Tây cho biết, chỉ cần đến công viên này là có thể chu du khắp thế giới.

Triết lý cho đi để nhận lại nhiều hơn

Nhờ triết lý chia sẻ trong kinh doanh vừa thành công vừa mang lại sự giàu có cho người khác, “người thủ lĩnh” của làng Hoa Tây – ông Ngô Nhân Bảo đã nhận lại được sự kính trọng, tin yêu của người dân trong làng.  Ông được coi như một tượng đài của làng Hoa Tây. Năm 2013, khi Ngô Nhân Bảo qua đời, hàng trăm người đã than khóc, để tang tiễn biệt ông. Ông ra đi tròn 84 tuổi vì căn bệnh ung thư.

Tòa nhà cao 328m, biểu tượng của sự thịnh vượng ở Hoa Tây

Tên tuổi của làng Hoa Tây nhanh chóng nổi lên  như cồn, được nhiều người biết đến. Người ta đua nhau đến làng Hoa Tây để “chiêm ngưỡng” sự thành công ngoài tưởng tượng của một ngôi làng. Chính điều này lại tạo ra một nguồn thu nhập không nhỏ cho ông Ngô Nhân Bảo. Ông từng nói: “Mong ước lớn nhất của tôi là giúp cho người nghèo có cuộc sống tốt đẹp hơn”.  Quan điểm của ông về kinh doanh rất rõ, đó là chỉ có tiền mới đem lại cuộc sống hạnh phúc và ông đã tự tay biến điều đó thành hiện thực.

Mô hình Thiên An Môn trong công viên của làng.

Từ năm 1999, công ty công nghiệp đa ngành của làng đã có mặt trên Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến với giá trị hàng trăm tỷ euro. Theo một cuốn sách  tiết lộ về những bí mật sự phát triển thần tốc ở Hoa Tây, cho rằng văn hóa chia sẻ ăn sâu vào mỗi người dân, giúp họ gắn kết chặt chẽ với làng bằng cam kết kinh tế tập thể. Họ làm việc cho các công ty của làng, nhưng chỉ nhận 30% lương, phần còn lại được quản lý bởi các công ty của làng, để tái đầu tư.  Những khoản tiền thưởng, thường gấp nhiều lần lương, không được rút ra, mà chúng được chuyển thành cổ phiếu của công ty.

Như vậy tài sản của thôn được quản lý và kiểm soát bởi các nhà lãnh đạo, và công ty cũng chính là tài sản của người dân, người dân trong làng sẽ nhận lại phần lợi nhuận của họ góp vốn trong công ty hàng năm. Sự giàu có của Hoa Tây còn lan sang cả các làng lân cận, hàng chục nghìn người dân ở các vùng xa xôi đã tới đây để làm việc với mức thu nhập cao. Hơn 5 thập kỷ tồn tại, Làng Hoa Tây vẫn là một trong những cộng đồng giàu có, bí ẩn nhất tại Trung Quốc, như một mảnh đất “lành” của người dân ở khu vực phía Đông Trung Quốc.


Hải Yến
Ý kiến của bạn