SKĐS - Có một ngôi làng người Thái nằm lọt thỏm giữa rừng già, hiếm hoi lắm người dân mới ra khỏi làng. Những người dân mộc mạc ở bản Na Ngân sống tựa vào thiên nhiên và họ đang giữ được gần như nguyên vẹn các giá trị văn hóa độc đáo của người Thái cổ.

Bản Na Ngân nằm biệt lập giữa đại ngàn Pù Huống, cách trung tâm xã Nga My, huyện Tương Dương (Nghệ An) khoảng hơn 20 km với hơn 150 nóc nhà của người Thái. Na Ngân nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, quanh bản là những cánh rừng già.

Ngôi làng Thái cổ giữa rừng già- Ảnh 1.

Bản Na Ngân là một trong 9 bản của xã Nga My, cách trung tâm xã hơn 20 km bằng con đường đất độc đạo chạy dọc sườn núi Pù Hiêng,

Hành trình vào rừng xanh

Con đường độc đạo nối từ trung tâm xã Nga My đến bản Na Ngân ngoằn ngoèo, với mặt đường đất, nhiều dốc cao, vực sâu và quanh co, chạy dọc sườn núi Pù Hiêng. Mất khoảng hai giờ ì ạch xuyên rừng già, lúc đẩy xe qua suối Nậm Ngân, lúc trả số rồ ga lên con dốc ngược những ngôi nhà lợp bằng gỗ pơ mu lấp lửng bên cánh rừng xanh mướt hiện ra.

Dù đã được người dẫn đường cảnh báo trước khi khởi hành xuyên đại ngàn khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống nhưng chúng tôi không khỏi bất ngờ về sự khó nhọc, vất vả khi "mục sở thị" con đường về bản Na Ngân. Suốt hành trình, để "thắng" được những con dốc cao, trơn trượt do cơn mưa đêm hôm trước và sương sớm, mọi người liên tục về số 1 để những con "chiến mã" như gầm lên, vang vọng khắp núi rừng. Mỗi lần vượt qua suối, chúng tôi lại ngồi bệt xuống đất để nghỉ, thở và chờ khối lốc máy của chiếc xe hạ nhiệt.

Tiếp tục hành trình chừng nửa tiếng, ngôi nhà đầu tiên của bản Na Ngân mới dần hiện ra dưới thung lũng. Đó là ngôi nhà của ông Vi Văn Tương. Đón khách, ông Tương vội vã trải chiếc chiếu lên sạp đặt ngay bên hiên nhà và cười vui "mọi người đi lâu hơn người làng rồi". "Nghe tiếng xe được một lúc rồi mà giờ mới thấy mọi người tới. Tôi đoán chỉ có cán bộ lên thăm dân thôi, chớ lâu rồi ít có ai vào làng", ông Tương vui vẻ nói.

Ngôi làng Thái cổ giữa rừng già- Ảnh 2.

Một góc bản Na Ngân với những ngôi nhà sàn lợp bằng gỗ pơ mu.

Kể về cuộc sống của người làng, ông Tương bảo nhà nào cũng trồng rau, trồng lúa, nuôi gà, nuôi bò, lợn... tự cung cho mình. Nhà ông Tương ở đầu làng nhưng lâu rồi chưa ra khỏi khu rừng bởi "chẳng biết đi ra bên ngoài để làm gì".

Ông Tương kể, người dân ở bản sống biệt lập giữa rừng. Điều đặc biệt ở những ngôi nhà sàn này là mái nhà được lợp bằng gỗ pơ mu, một loại cây gỗ quý hiếm phân bổ khá nhiều ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Từ xa xưa, người dân đã sử dụng gỗ pơ mu để lợp mái nhà sàn. Việc sở hữu một ngôi nhà sàn với mái lợp bằng gỗ pơ mu, giữ được những đặc trưng nguyên bản từ khi cất dựng đã trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây. Pơ mu không chỉ có giá trị về mặt khoa học, nguồn gen và kinh tế, mà còn có ảnh hưởng sâu rộng đến văn hóa và tâm linh của các dân tộc thiểu số ở vùng biên giới Việt - Lào.

Ngôi làng có tên Na Ngân này đang giữ được gần như nguyên vẹn các giá trị văn hóa độc đáo của người Thái cổ từ không gian sống đến ngôn ngữ, kiến trúc nhà ở, trang phục và phong tục, tập quán… Bản Na Ngân có 100% người dân là dân tộc Thái, sinh sống quần tụ phía cuối thung lũng, bao bọc tứ bề là núi cao của dãy Pù Hiêng và đại ngàn Pù Huống.

Những nếp nhà lợp gỗ pơ mu...

Từ những năm 50 của thế kỷ trước, người dân Na Ngân bắt đầu dựng những ngôi nhà sàn với mái lợp bằng gỗ pơ mu. Nhà sàn ở bản Na Ngân đều có cấu trúc và hình dáng giống nhau, phù hợp để sử dụng cũng như văn hóa, phong tục, tập quán sinh hoạt của cộng đồng. Đặc biệt, nhiều ngôi nhà hiện nay vẫn giữ nguyên kiến trúc ban đầu từ khi cất dựng, với mái lợp bằng gỗ pơ mu.

Anh Kha Văn Luận, người dân bản Na Ngân cho biết, điểm nổi bật của các ngôi nhà sàn ở bản Na Ngân là hệ thống cột đỡ rất to, tạo nên sự vững chắc và ổn định cho ngôi nhà. Bên cạnh đó, hệ thống hoành, xà, kèo, giằng và mộng được chạm khắc tinh xảo với các họa tiết và hoa văn trang trí hình chim muông, cây cỏ, con vật, mang lại giá trị thẩm mỹ và văn hóa cao. Dù đã trải qua nhiều năm, màu sắc của các họa tiết và hoa văn vẫn giữ được sự tươi mới.

Ngôi làng Thái cổ giữa rừng già- Ảnh 3.
Ngôi làng Thái cổ giữa rừng già- Ảnh 4.
Ngôi làng Thái cổ giữa rừng già- Ảnh 5.
Ngôi làng Thái cổ giữa rừng già- Ảnh 6.

Nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái sinh sống ở bản Na Ngân, với mái nhà được lớp bằng gỗ pơ mu.

Nhà sàn có cấu trúc đặc trưng với hai gian chính là gian trên và gian dưới. Tùy theo điều kiện kinh tế và nhu cầu của gia đình, ngôi nhà có thể được xây dựng thành 3 hoặc 4 gian, với khu vực riêng cho bếp, phòng khách và phòng ngủ. Mái của ngôi nhà sàn có thể được lợp bằng ngói, cỏ tranh hoặc gỗ pơ mu, tùy thuộc vào điều kiện của gia đình.

"Các họa tiết và hoa văn trên ngôi nhà được chạm khắc tinh xảo bởi những thợ có tay nghề cao trong bản. Gia chủ không chỉ muốn trang trí cho ngôi nhà đẹp hơn mà còn gửi gắm vào đó những ước vọng về một cuộc sống bình yên, đầm ấm, hạnh phúc và sức khỏe dồi dào cho các thế hệ sống trong căn nhà," anh Luận nói.

Vào các dịp lễ, Tết hoặc sự kiện mừng nhà mới, ngôi nhà sàn trở thành nơi tổ chức các hoạt động văn hóa và văn nghệ như uống rượu cần, múa, hát, với sự tham gia của cộng đồng trong bản.

Ngôi làng Thái cổ giữa rừng già- Ảnh 7.
Ngôi làng Thái cổ giữa rừng già- Ảnh 8.
Ngôi làng Thái cổ giữa rừng già- Ảnh 9.

Ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Thái ở bản Na Ngân, có cấu trúc, hình dáng và họa tiết hoa văn trang trí rất độc đáo.

Mái nhà lợp gỗ pơ mu xưa nay chỉ có ở đồng bào người Mông với kiến trúc nhà trệt và rất hiếm có những căn nhà sàn của người Thái lợp loại gỗ quý này. Theo thời gian, mái gỗ pơ mu có màu sắc pha trộn giữa đen và xám. Mái làm bằng gỗ pơ mu không bị cong vênh, mối mọt hay thấm nước, đồng thời có khả năng chịu lạnh và chịu nhiệt tốt. Đặc biệt, gỗ pơ mu có mùi tinh dầu rất thơm và độ bền cao, vì vậy người dân lựa chọn lợp mái nhà thay vì dùng lá cọ. Những ngôi nhà sàn có mái gỗ pơ mu rất mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.

"Gỗ pơ mu được người dân sử dụng để lợp mái nhà sàn có kích thước khác nhau, chia thành hai loại, hình chữ nhật và hình vảy cá. Không chỉ lợp mái cho các gian nhà sàn chính, gỗ pơ mu còn được sử dụng để lợp mái gian bếp và chế tác thành máng dẫn nước mưa về phía hiên nhà", ông Tương nói thêm.

Đối với người dân bản Na Ngân, ngôi nhà sàn truyền thống mang đậm dấu ấn văn hóa Thái cổ, là kiểu mẫu do thế hệ cha ông để lại, để những gia đình làm nhà sàn sau này học hỏi về cấu trúc, kiến trúc. Mặc dù các ngôi nhà sàn trong bản được dựng vào những thời điểm khác nhau, nhưng vẫn giữ được đặc điểm chung về hình dáng, kiến trúc, trang trí lan can và không gian nội thất. Tất cả tạo nên một chỉnh thể thống nhất, phản ánh triết lý nhân sinh và sự hài hòa, phù hợp với đời sống sinh hoạt hằng ngày của cộng đồng người Thái.

Gìn giữ cho đời sau...

Na Ngân gần như tách biệt với bên ngoài, nhất là những ngày mưa lũ. Đường xá cách trở, nằm tách biệt giữa núi rừng với Na Ngân là một thiệt thòi nhưng cũng là một ưu thế. Những nét bản sắc văn hóa vẫn còn được lưu giữ đậm nét, từ cách ăn ở, phong tục tập quán đến tiếng nói, trang phục còn giữ được nét nguyên sơ của cộng đồng người Thái.

Ngôi làng Thái cổ giữa rừng già- Ảnh 10.

Người dân Na Ngân vẫn lưu giữ được truyền thống văn hóa đặc sắc của đồng bảo Thái, từ ăn ở, phong tục tập quán đến tiếng nói, trang phục.

Theo các già làng, cộng đồng người Thái Thanh di cư từ miền Tây Bắc Việt Nam về đây đã lâu. Ngày xưa, tổ tiên men theo dòng Nậm Ngân lên thượng nguồn, nhận thấy vùng đất này màu mỡ, có mặt bằng để khai hoang ruộng nước, có đất cao để dựng nhà cửa nên quyết định dừng chân lập bản. Cái tên Na Ngân cũng ra đời từ đó, với nghĩa "ruộng bên dòng Nậm Ngân", cũng có nghĩa là "ruộng tiền". Bao đời nay, người Thái ở Na Ngân sinh sống bằng nghề trồng lúa nước. Lên rừng có rau, măng, xuống suối có tôm, cá...nhịp sống tự túc tự cấp đến ngày nay vẫn còn được duy trì.

Dưới ngôi nhà sàn ở Na Ngân vẫn còn những chiếc khung cửi. Đó là công cụ có từ xa xưa của người Thái để tạo nên các bộ trang phục độc đáo của cộng đồng này. Phụ nữ Na Ngân rất thích mặc trang phục của dân tộc mình và họ tự tay dệt vải và may thành áo, váy để mặc.

Chị Lữ Thị Quế, công chức văn hóa xã Nga My cho biết, do sống biệt lập nên đến nay người dân Na Ngân còn giữ gìn khá nguyên vẹn nét văn hóa đặc trưng của mình, từ không gian sinh tồn đến ngôn ngữ, trang phục, âm nhạc và phong tục, tập quán...

Ông Kha Văn Lập, Bí thư Đảng ủy xã Nga My cho biết, Na Ngân là bản xa nhất thuộc xã miền núi Nga My. Đồng bào Thái đã đến sinh sống và lập bản tại đây từ những năm 1950. Hiện tại, bản có 156 hộ và hơn 836 nhân khẩu. Nếp nhà sàn đã có mặt tại Na Ngân từ những ngày đầu lập bản, gắn bó mật thiết với nhiều thế hệ trong gia đình và dòng tộc, đồng thời phản ánh văn hóa, phong tục, tập quán sinh hoạt của đồng bào Thái.

Ông Lập cho hay, chính quyền địa phương rất quan tâm đến các phong trào văn hóa, thể thao, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa của các cộng đồng dân tộc trên địa bàn nói chung, cộng đồng dân tộc Thái nói riêng. Đối với những đặc trưng của ngôi nhà sàn cổ, chính quyền đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tại các bản làng giữ gìn những ngôi nhà sàn cổ, giữ được các nét văn hóa, phong tục, tập quán xưa.

Độc đáo bảo tàng người Thái ở miền Trà LânĐộc đáo bảo tàng người Thái ở miền Trà Lân

SKĐS - Bảo tàng ở miền Trà Lân này có hơn 1000 hiện vật được ông Vi Văn Phúc (SN 1946) ở huyện miền núi Con Cuông, Nghệ An sưu tầm suốt 30 năm qua nhằm bảo tồn văn hóa của người Thái và phục vụ tham quan nghiên cứu miễn phí.

Ý kiến của bạn