Xem clip:
Cả xóm đi săn vũ nữ chân dài, thu tiền triệu mỗi đêm
Ở xã Vĩnh Trung có hàng chục hộ sống nhờ vào nghề làm khô nhái - hay còn gọi "vũ nữ chân dài". Làng nghề khô nhái ở Vĩnh Trung hình thành cách đây hơn chục năm. Cứ vào độ tháng 4-5, khi bắt đầu có những cơn mưa đầu mùa, cánh đàn ông lại chuẩn bị đi săn “vũ nữ chân dài”.
Dụng cụ soi nhái khá đơn giản, gồm: đèn pin, cây vợt và giỏ đựng. Trời vừa nhá nhem tối cũng là bắt đầu cho cuộc mưu sinh.
Anh Võ Bé Hoàng, một thợ soi nhái, cho hay: “Hôm nào đi soi ở đồng xa thì xuất phát lúc 3h chiều, đồng gần nhà thì đi lúc chạng vạng. Mỗi nhóm đi thường 4 người, tới đồng là trời vừa tối. Muốn có nhái nhiều, mình đi soi ở đồng xa, có khi đi mấy chục km sang tận huyện Hòn Đất (Kiên Giang). Đêm nào trúng thì mỗi người soi được 15kg nhái, ít thì 7-8kg”.
Có gần chục năm kinh nghiệm soi nhái, anh Hoàng kể rằng ruộng sau khi cắt lúa xong, nước xăm xắp thì nhái nhiều hơn ruộng khô. Hôm nào trời mưa lâm râm bắt trúng hơn trời tạnh.
“Bắt nhái phải nhanh tay, lẹ mắt. Làm nghề này vất vả cả đêm, có khi đi gặp trời mưa lớn, sấm sét kinh khủng lắm, bởi vậy ai cũng mong bắt được nhiều nhái”, anh Hoàng nói. Dù vậy, theo anh, nghề bắt nhái vẫn sướng hơn đi làm thuê, làm hồ.
“Nghề soi nhái này giúp tôi có thêm thu nhập ngay tại quê nhà, không phải tha phương cầu thực”, anh Hoàng chia sẻ. Khoảng 23h, mọi người lục đục kéo nhau về, bán nhái cho thương lái với giá 50.000 đồng/kg.
Riêng anh Hoàng mang nhái về cho vợ làm sạch, rồi ướp gia vị để sáng còn kịp phơi nắng. “Vợ tôi làm khô nhái bán cho lái thương ở khắp nơi”, anh Hoàng tâm sự.
Người ta thường gọi xóm khô nhái xã Vĩnh Trung là xóm không ngủ. Bởi khi đồng hồ điểm qua ngày mới, cánh đàn ông đi soi nhái trở về thì phụ nữ, trẻ em bắt đầu thức giấc, làm nhái phơi khô.
Chị Lại Thị Diễm (35 tuổi, vợ anh Hoàng), cho biết, làm khô nhái ở xã Vĩnh Trung gần như quanh năm, rộ nhất vào những tháng mùa mưa. Lúc này, số lượng “vũ nữ chân dài” sẽ nhiều hơn.
Nhái tươi đem về bỏ vào thùng nhựa lớn rồi bỏ nước đá vào. Nhái bị lạnh, chết cóng. Sau đó, mọi người vớt nhái ra cắt bỏ đầu, lột da, làm sạch ruột, rửa sạch, ướp gia vị như nước mắm, tiêu, ớt... cho thật ngấm. Sau đó, xếp nhái lên vỉ, đem ra phơi nắng.
“Sáng sớm trời nắng đẹp, nghề làm khô nhái ở xóm này nhộn nhịp lắm. Mỗi nhà có cách làm tẩm ướp riêng, gia vị thì tăng giảm tùy theo khẩu vị của người tiêu dùng. Khô nhái Vĩnh Trung nổi tiếng vì cách ướp gia vị vừa miệng, đậm vị”, chị Diễm thông tin.
Nếu nắng tốt chỉ cần 1,5 ngày thì nhái đã khô, đủ độ ngon. Khoảng 5kg nhái thịt sau khi làm sạch, phơi mới được 1kg khô nhái thành phẩm.
Trong suốt quá trình phơi, người làm phải để ý lật nhái, giúp nhái khô đều các mặt. Khô nhái được làm từ nhái tự nhiên cho màu sắc đều, đẹp, thịt trong nhìn thấy xương. Khô nhái ngon có mùi thơm và độ ngọt đặc trưng, gia vị vừa miệng.
Chồng đi soi nhái về cho vợ làm khô, mỗi ngày vợ chồng anh Hoàng, chị Diễm có thu nhập tiền triệu. “Ngày thường thì thu nhập của hai vợ chồng khoảng 600.000-700.000 đồng, khi vào chính vụ thì thu nhập tiền triệu mỗi ngày”, chị Diễm nói.
Còn bà Trần Thị Mai Xuân (62 tuổi) chia sẻ: “Người lớn, trẻ nhỏ ai cũng có công ăn chuyện làm từ con nhái. Phụ nữ, trẻ em ở nhà thì lột da nhái thuê, được trả công 5.000 đồng/kg. Mỗi ngày kiếm cũng được mấy trăm nghìn đồng”.
Khô nhái chế biến thành nhiều món ngon khác nhau, nhưng được ưa chuộng nhất là chiên giòn, chiên nước mắm.
Hiện khô nhái có giá 450.000-480.000 đồng/kg tùy loại. Hàng năm, xã Vĩnh Trung cung ứng cho thị trường hàng chục tấn khô “vũ nữ chân dài” thành phẩm.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bệnh viêm gan bí ẩn: Các chuyên gia nhận định có thể liên quan đến SARS-CoV-2