Những ngày qua, nhiều hộ dân ở làng Long Vót, thôn Ra Manh, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) lần lượt tháo dỡ nhà cửa, rời bỏ làng để chuyển đến khu vực giáp ranh với thôn Mang Nách, xã Ngọc Tem, huyện KonPlong, tỉnh Kon Tum xây dựng nhà ở hoặc che lều ở tạm để tránh dông sét.
Theo người dân nơi đây, trung bình mỗi năm, họ bị sét đánh trúng khoảng 15 lần, có nhiều trường hợp bị sét đánh ngất xỉu. Còn gia súc, gia cầm cũng bị chết la liệt do sét đánh.
Bởi liên tục bị sét đánh trúng nên nhiều hộ dân ở làng Long Vót lần lượt rời bỏ làng ra khu vực giáp ranh với thôn Mang Nách, xã Ngọc Tem xây dựng nhà hoặc che lều ở tạm để tránh bị sét đánh.
Nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu việc rời bỏ làng đi nơi khác, dựng lều tạm ở để tránh sét của người dân làng Long Vót có phải là lựa chọn đúng đắn? Để trả lời cho câu hỏi này, PV Báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Xuân Anh – Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
Người dân làng Long Vót dọn nhà chuyển đến nơi mới vì giông sét xuất hiện quá nhiều. Ảnh: Người lao động.
Theo TS. Nguyễn Xuân Anh, cơn dông được hình thành khi có khối không khí nóng ẩm chuyển động đi lên. Trong quá trình này xảy ra sự phân chia điện tích trong đám mây. Khi các vùng điện tích đủ mạnh sẽ xảy ra phóng điện. Phóng điện có thể xảy ra trong một đám mây giữa các vùng điện tích trái dấu, xảy ra giữa các đám mây với nhau hoặc giữa mây với mặt đất.
Thông thường, sét đánh qua các con đường như: Sét đánh thẳng (trực tiếp từ đám mây đến vị trí nạn nhân), sét đáng tạt ngang (thông qua một vật và phóng qua không khí), sét đánh do tiếp xúc (thông qua vật bị sét đánh và lưu lại dòng điện mạnh trong một khoảng thời gian), điện thế bước (lan truyền qua mặt đất), đường dây cáp (điện thoại cố định, ti vi, ổ cắm… và lan truyền qua tiếp xúc). Gia súc chết nguyên nhân phổ biến là do điện thế bước.
Lý giải về nguyên nhân khiến ngôi làng Long Vót trung bình mỗi năm bị sét đánh đến 15 lần, TS. Nguyễn Xuân Anh cho hay, Việt Nam nằm ở tâm dông châu Á (một trong ba tâm dông có hoạt động dông sét mạnh trên thế giới) nên mỗi năm chừng 2 triệu cú sét. Mùa dông sét tại Việt Nam kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9.
"Trong mùa dông, sét nhiều có thể đánh xuống bất cứ nơi nào, vì thế, không chỉ các công trình to lớn như sân vận động, công sở, cao ốc... mà ngay cả những nhà dân nhỏ và thấp hơn cũng có nguy cơ bị sét đánh. Mật độ sét ở Việt Nam dao động từ 4-16 lần/năm/km2. Vì vậy, việc sét đánh tại khu vực làng Long Vót nêu trên là thuộc loại cao ở Việt Nam", Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu nói.
Cách phòng tránh sét đánh
Cũng theo Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, để phòng chống sét đánh, cần lắp đặt thiết bị chống sét đánh thẳng cho công trình, nhà ở. Hệ thống chống sét đơn giản gồm ba phần là các kim thu sét, các dây xuống nối với các cọc tiếp đất. Nguyên tắc chống sét bảo vệ tính mạng và tài sản trong nhà và công trình là tạo nên con đường mà qua đó sét đi xuống đất thật nhanh không gây thiệt hại.
Để chống sét cho các thiết bị điện, điện tử như tivi, radio cần lắp đặt các thiết bị cắt lọc sét có bán trên thị trường. Cần đọc kỹ các thông số của thiết bị này và tốt nhất nên có tư vấn của các nhà chuyên môn.
Ngoài ra, khi có dông sét xảy ra, người dân tốt nhất là nên ở nhà đã được chống sét. Nếu ở những ngôi nhà tạm bợ sẽ rất nguy hiểm. Khi đang đi mà phát hiện dông, sét, nên lập tức tìm chỗ tránh mưa an toàn, khô ráo, tốt nhất là các tòa nhà lớn (đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện. Tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước).
"Trong trường hợp không có nơi trú ẩn ở ngoài đường cần tuân thủ các quy tắc như: không tập trung thành nhóm đông người; không nên đi vào những nơi quang đãng, rộng rãi hoặc bóng cây to; không đến gần khu vực chứa nước như ao, hồ… vì nước cũng là chất dẫn điện rất tốt. Khi nguy cấp - cảm thấy mái tóc dựng đứng, hãy nhanh chóng ngồi xổm, nhón hai chân để giảm diện tích tiếp xúc, thu mình nhỏ hết mức, gục đầu vào đầu gối, bịt chặt tai (để giảm tác hại thính lực)", TS. Nguyễn Xuân Anh khuyến cáo.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Phòng bệnh hô hấp khi thời tiết chuyển lạnh