Hà Nội

Ngọc trúc trị suy nhược cơ thể

SKĐS - Ngọc trúc (Polyvonaturn officinale All) thuộc họ Thiên môn (Aspragaceae) là một cây thảo, sống nhiều năm. Bộ phận dùng làm thuốc: lá thân, rễ con của cây ngọc trúc, rửa sạch, phơi cho se mặt ngoài hoặc đồ qua, lăn cho mềm rồi phơi hoặc sấy khô là được.

Khi dùng chế biến dược liệu theo cách làm sau:

Dạng nguyên phiến: Thân rễ ngọc trúc đã phơi khô, thái vát thành phiến dài 3 - 5cm.

Dạng chưng: thân rễ đem ủ một ngày, đêm. Tiếp tục làm như vậy 2 - 3 lần đến khi thuốc có màu đen, rồi thái khúc dài 2 - 3cm.

Dạng tẩm bột mật ong: Ngọc trúc nguyên phiến tẩm đều với mật ong (cứ 10kg dược liệu dùng 1 - 1,5kg mật) trong 30 phút, rồi dùng lửa nhỏ sao đến khi có màu vàng, mài thơm, sờ không dính tay là được

Dạng tẩm rượu: Thân rễ 10kg đồ 8 giờ cho mềm, thái khúc, thêm rượu 1,5kg, rồi chưng trong 4 giờ.

Trong y học cổ truyền, ngọc trúc có vị ngọt, tính mát, không độc, có tác dụng bổ dưỡng, sinh tân dịch, nhuận táo, tiêu đờm, chỉ khát, chống viêm, được dùng trong những trường hợp sau:

Chữa suy nhược cơ thể, sốt hầm hập, ho khan, miệng khô rát, mồ hôi trộm: ngọc trúc 16g, bạch thược, sa sâm, địa cốt bì, mạch môn, mỗi thứ 12g; ngân sài hồ 8g, trần bì 6g, bối mẫu 6g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày.

Chữa hư lao, sốt về chiều, ho nhiều: ngọc trúc 16g, đảng sâm, bạch truật, bách bộ, hoài sơn, mạch môn, mỗi thứ 12g; ngũ vị tử 6g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa viêm khớp dạng thấp: Ngọc trúc, hà thủ ô, đan sâm, hoài sơn, mỗi thứ 40g; đương quy, đơn bì, bạch linh, trạch tả, mạch môn, mỗi thứ 20g; thanh bì, chỉ thực, sơn thù, mỗi thứ 10g. Tất cả thái nhỏ, rây bột mịn, trộn với mật ong hoặc sirô làm viên 5g. Ngày uống 4 - 6g.

Chữa đau mắt đỏ: Ngọc trúc 12g; cúc hoa, huyền sâm, thảo quyết minh (sao), sinh địa, mỗi thứ 10g; bạc hà 2g. Sắc lấy nước uống và xông hơi.

Chú ý: Người âm thịnh, dương hư, thấp đờm, có ứ trệ không được dùng ngọc trúc.


DS. Phạm Hinh
Ý kiến của bạn