Ngọc Linh - vùng dược liệu quý hiếm

23-01-2018 11:04 | Xã hội
google news

SKĐS - Sau ngày giải phóng (1975), tôi đã từng có nhiều năm lăn lộn với vùng Bắc Tây Nguyên, nơi có những đỉnh cao nhất trong dãy Trường Sơn, như Ngok Linh, Mường Hoong,Ngok Lum Heo, với khí hậu khá đặc thù mưa nhiều nắng ít tạo môi trường cho nhiều thảm thực vật đặc hữu phát triển khá phong phú, trong đó có nhiều loài dược liệu quý, đặc biệt là họ nhà sâm (panax).

Từ khi nhóm khảo sát và nghiên cứu dược liệu của  Khu V do DS. Đào Kim Long dẫn đầu tìm được vùng di trú của loài sâm đốt trúc (sâm Ngọc Linh), tên khoa học là panax vietnamensis araliaceae, đồng  bào Sê đăng - cư dân bản địa gọi là cây thuốc giấu, trong quần sơn Ngok Ang thuộc 2 tỉnh  Quảng Nam và Kon Tum (1973) đến nay đã gần 45 năm. Qua quá trình nghiên cứu và phân tích, người ta cho rằng, đó là loài sâm quý, không thua kém chất lượng sâm của các nước đã có mặt trên thương trường. Từ đó,Việt Nam được ghi tên trên bản đồ thế giới là nước có loài sâm quý.

Tuy hòa bình được lập lại nhưng đất nước bấy giờ còn muôn vàn khó khăn, chuyện cơm áo còn đè nặng trên vai người dân nên việc quy hoạch, khai thác, đầu tư chế biến sản phẩm từ  vùng nguyên liệu tự nhiên nói chung và dược liệu nói riêng chưa được chú trọng. Các công ty Dược liệu tỉnh lúc này hoạt động trong tình trạng bao cấp, chủ yếu là thu mua các sản vật thô tự nhiên như: sơn tra, hoàng đằng, sâm Ngọc Linh, mật ong rừng… để chế biến thành một vài hàng hóa: thuốc bổ, thuốc chữa bệnh giản đơn hoặc bán nguyên liệu mà không thể có điều kiện tinh chế nhiều sản phẩm giá trị gia tăng. Từ đó vùng nguyên liệu bị khai thác cạn kiệt dần, những loài cây dược liệu quý có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có loài sâm Ngọc Linh. Trước “phong trào” khai thác ồ ạt khi mà thị trường đang có nhu cầu lớn, các đơn vị dược liệu ở Quảng Nam và Kon Tum đã bắt đầu quy hoạch vùng nguyên liệu và tìm cách di thực để bảo vệ nguồn gen quý hiếm của giống sâm địa phương. Tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam đã có những dự án hàng nghìn tỉ đồng để trồng nhân rộng hàng trăm hecta sâm Ngọc Linh với quyết tâm đưa sản phẩm đặc biệt này thành hàng hóa để cạnh tranh với các loại sâm nhập ngoại như, sâm Mỹ, sâm Hàn Quốc, sâm Trung Quốc…

Ngọc Linh  - vùng dược liệu quý hiếm

Từ chỗ đồng bào dân tộc bản địa sinh sống quanh quần sơn Ngok Ang, ngày xưa chỉ coi cây sâm cũng như các loài dược liệu bình thường khác, họ chỉ vào rừng hái về phơi khô đủ dùng để trị bệnh và bồi bổ cho người trong gia đình, thì nay đến mùa nông nhàn, cả nhà đi vào rừng sâu, núi cao săn lùng loài sâm quý tự nhiên để bán cho các thương lái chuyên kinh doanh sâm nên loài sâm hoang dã sinh trưởng ở độ cao từ 2.000m trở xuống dường như đã bị tuyệt diệt. Chúng ta được biết, thi thoảng trên các trang mạng đã tung tin mua bán những củ sâm tự nhiên lâu năm (30 tuổi trở lên) với giá khủng hằng trăm triệu đồng. Chính điều đó trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại hàng sâm Ngọc Linh giả hoặc nhái củ sâm bản địa để lừa đảo khách hàng. Ngày nay những ai đi núi và may mắn tìm được củ sâm tự nhiên thì người đó như “trúng số” và đổi đời chóng vánh. Nhiều gia đình dân tộc nghèo khó ở vùng Trà Linh, huyện Nam Trà Mi, Quảng Nam đã thức thời, chọn những vùng đất thích hợp ở độ cao từ 1.200m đến 2.000m để trồng cây sâm Ngọc Linh mà trở nên giàu có. Từ đó phong trào trồng sâm ở hộ gia đình được nhà nước hỗ trợ cây giống đã phát triển rộng khắp. Đến nay, đã có hàng nghìn hecta sâm trồng từ các hộ gia đình và các công ty dược liệu ở Quảng Nam đang phát triển và hy vọng đến năm 2018 sẽ tung ra thị trường nhiều sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Gần đây, nhằm thăm dò thị trường, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đã tổ chức chợ sâm Ngọc Linh để giao dịch mua bán sâm địa phương. Từ đầu tháng 10/2017, phiên chợ đầu tiên được khai mạc đã thu hút hàng trăm khách hàng các tỉnh thành đổ về chợ sâm miền núi Nam Trà My; và địa phương tiếp tục duy trì chợ phiên độc đáo này hàng tháng để giao dịch mua bán sâm Ngọc Linh cùng các sản phẩm dược liệu khác ở địa phương. Lãnh đạo địa phương ở Nam Trà My khẳng định rằng, mọi sản phẩm sâm Ngọc Linh ở chợ phiên này được đảm bảo thật 100%, không có sự trà trộn sâm giả nơi đây, đảm bảo chữ tín cho thị trường sâm địa phương. Đó là cách quảng bá sản phẩm khá linh hoạt, độc đáo của một huyện miền núi thuộc Quảng Nam. Ở Kon Tum, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã trồng thành công 140 hecta sâm Ngọc Linh và đã nhân giống mỗi năm được l triệu cây để có thể trồng mở rộng thêm 20 hecta/ năm. Đó là dấu hiệu đáng mừng để cây sâm quý của Việt Nam có thể cạnh tranh trên thương trường trong và ngoài nước.

Ở vùng Măng Đen, huyện Kon Plong- Kon Tum, nằm trong quần sơn Ngok Ang, cũng là nơi có khí hậu đặc biệt rất thích hợp cho các loài dược liệu tự nhiên. Những năm qua, nhờ chính sách phát triển du lịch của địa phương mà nơi đây được nhiều du khách biết đến. Từ chỗ nguồn dược liệu tự nhiên còn ngủ yên trong rừng nhiều năm như, sâm dây còn gọi là đảng sâm, nấm linh chi, nấm lim xanh, ngọc cẩu, mật ong rừng…đến nay đã được đánh thức, bày bán ở các gian hàng tại chỗ. Đặc biệt,nơi này còn có những đồi sim rừng đặc hữu và doanh nghiệp đã đặt nhà máy tại Măng Đen để chế biến rượu sim, nước giải khát từ trái sim và nhiều sản phẩm, thực phẩm khác từ nguyên liệu khai thác tự nhiên. Tương lai, nếu người ta biến ý tưởng xây dựng nơi này thành đô thị nghỉ dưỡng cho đối tượng muốn hồi phục sức khỏe thành hiện thực thì các điều kiện  “trời ban” như khí hậu, môi trường sạch, vùng dược liệu tự nhiên dồi dào và đa dạng sẽ hấp dẫn đối với nhiều du khách.

Tuy là nơi giàu có về nguồn dược liệu, trong đó có nhiều loài quý hiếm nhưng chúng ta chưa có quy hoạch cụ thể và đề ra quy chế  khai thác, bảo vệ và phát triển cây dược liệu tự nhiên. Cần vận động, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu,chế biến và phát triển vùng dược liệu tại chỗ nhằm cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm có giá trị chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe và cung cấp các loại thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. 


BÙI QUANG VINH
Ý kiến của bạn