Ngoại trưởng Mỹ công du Trung Đông: Một mũi tên trúng nhiều đích

28-08-2020 08:09 | Quốc tế
google news

SKĐS - Chuyến công du 6 ngày tại các quốc gia Trung Đông của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ truyền đi một thông điệp rằng Mỹ muốn khẳng định sự ủng hộ của mình đối với các đồng minh ở khu vực Trung Đông, đổi lại Mỹ sẽ nhận được đảm bảo về lợi ích ở khu vực quan trọng này.

Chuyến đi nhiều ẩn ý

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bắt đầu chuyến công du một loạt nước Trung Đông với trọng tâm là việc Israel bình thường hóa quan hệ với Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và vận động các nước Arập bình thường hóa quan hệ với Israel giống như Ai Cập, Jordan và UAE đã và đang làm. Bên cạnh đó Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo còn hy vọng chuyến đi sẽ nhận thêm sự ủng hộ về việc tái áp đặt trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Iran.

Ngay khi chuyến công du Trung Đông của Ngoại trưởng Mỹ còn chưa kết thúc, đã có những tín hiệu khả quan “thắp lên” những tia hy vọng mới về thực thi thỏa thuận hòa bình lịch sử do Mỹ làm trung gian giữa Israel và UAE. Dự kiến vào ngày 31/8 tới, sẽ có cuộc hội đàm 3 bên giữa Mỹ - Israel và UAE để bàn về việc thiết lập đường bay, mở cửa đại sứ quán, hợp tác thương mại... giữa hai nước.

Với thỏa thuận này, UAE là quốc gia Arập thứ ba và quốc gia Vùng Vịnh đầu tiên  bình thường hóa quan hệ với Israel. Trước đó, Israel đã ký thỏa thuận hòa bình với Ai Cập năm 1979 và Jordan năm 1994. Dự kiến thỏa thuận chính thức giữa Israel và UAE sẽ được ký vào tháng 9 này. Sau chuyến thăm Trung Đông của Ngoại trưởng Mỹ, cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner cũng có chuyến đi tới Israel, Bahrain, Oman, Saudi Arabia và Maroc vào cuối tuần này. Không phải ngẫu nhiên mà hai quan chức hàng đầu trong chính quyền Mỹ liên tiếp thực hiện các chuyến công du tới khu vực Trung Đông. Theo các nhà phân tích, rõ ràng đây là những chuyến đi có chủ  đích.

Các quan chức Israel và Mỹ  hy vọng rằng các nước Arập vùng Vịnh khác sẽ sớm đi theo hướng này, với việc thiết lập các mối quan hệ dựa trên lợi ích thương mại và an ninh chung, cũng như sự thù địch chung của họ đối với Iran. Việc thuyết phục các quốc gia Arập khác bình thường hóa quan hệ với Israel  chắc chắn không phải là điều dễ dàng. Dường như Mỹ đã tính toán “con đường đi” cho mỗi nước. Ví dụ như với UAE sẽ là những hỗ trợ quân sự cùng hợp đồng bán vũ khí tối tân mà theo Bộ trưởng ngoại giao Mỹ M.Pompeo là “giúp UAE bảo vệ an ninh quốc gia khỏi “mối đe dọa” chung là Iran”. Trong khi đó, Sudan sẽ được dỡ bỏ khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố cùng với việc bình thường hóa quan hệ với Israel...

Ngoại trưởng Mỹ công du Trung ĐôngChuyến đi nhiều mục đích của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo.

Mỹ được gì sau các chuyến ngoại giao con thoi?

Việc Israel và UAE đạt được thỏa thuận lịch sử hôm 13/8 do Mỹ làm trung gian ít nhiều đã cộng thêm điểm cho đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump trong  lĩnh vực đối ngoại ở nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Điều đáng nói là sự kiện diễn ra  trong bối cảnh người đứng đầu nước Mỹ đang bị mất lợi thế trước ứng viên của đảng Dân chủ J.Biden trong cuộc chạy đua tới chiếc ghế Tổng thống vào tháng 11 này. Nhưng chuyến công du Trung Đông của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ lại nhận nhiều chỉ trích, thậm chí có người còn đặt dấu hỏi liệu đây là chuyến đi ngoại giao hay là chuyến đi để “vận động thêm phiếu bầu” cho Tổng thống Mỹ? Giám đốc Hội đồng dân chủ Do Thái Mỹ Halie Soifer đã thẳng thắn cho rằng: “Tổng thống Trump một lần nữa lại dùng Israel để ghi điểm chính trị.”

Chính quyền của Tổng thống D.Trump bị bủa vây bởi nhiều khó khăn và thách thức, đó là nỗi lo dịch bệnh, kinh tế suy giảm… nhưng chiến lược của Mỹ ở khu vực Trung Đông không thay đổi. Nếu Mỹ thành công trong việc kết nối các quốc gia Arab với Israel sẽ khiến trục đồng minh của Mỹ ở khu vực Trung Đông mạnh lên, từ đó chứng minh với thế giới rằng Mỹ là quốc gia đi đầu trong việc thiết lập lại trật tự ở khu vực vốn tiềm ẩn nhiều bất ổn này, mặt khác lại kiềm chế được ảnh hưởng của Iran. Đây sẽ là bệ phóng để Mỹ khẳng định mục tiêu “nước Mỹ trên hết” mà Tổng thống Trump vẫn hằng theo đuổi.

Một mũi tên trúng nhiều đích, nhưng liệu tham vọng của Mỹ ở khu vực Trung Đông có phải là điều dễ dàng đạt được? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước...


Trần Hải
Ý kiến của bạn