Theo kế hoạch, ông Pompeo sẽ khởi hành từ ngày mai (8/1) để tới 8 thủ đô gồm Amman (Jordani), Cairo (Ai Cập), Manama (Bahrain), Abu Dhabi (Các Tiều vương quốc Arab thống nhấ), Doha (Qatar), Riyadh (Saudi Arabia), Muscat (Oman), và cuối cùng là Kuwait City (Kuwait). Ngoài ra, hồi tuần trước Nhà Trắng không loại trừ khả năng Ngoại trưởng Pompeo sẽ dừng chân tại thủ đô Baghdad của Iraq, tuy nhiên thông tin này chưa được Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận.
Kế hoạch công du của Ngoại trưởng Pompeo được công bố 2 tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố rút toàn bộ binh lính Mỹ tại Syria về nước, động thái được cho là khiến các đồng minh ngạc nhiên và lo ngại chỗ trống mà Mỹ để lại sẽ giúp Iran gia tăng ảnh hưởng tại Syria. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Pompeo sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Cairo, điểm dừng chân thứ hai trong hành trình, với thông điệp chính nhấn mạnh "Mỹ sẽ không rời Trung Đông". Cùng với đó, Washington mong muốn các đồng minh Trung Đông sẽ cùng chia sẻ trách nhiệm đảm bảo an ninh và ổn định tại khu vực trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về khả năng các tổ chức khủng bố cực đoan như Al-Qaeda hay "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng (IS) xuất hiện trở lại khi Mỹ rút quân.
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo ngày mai (8/1) sẽ sẽ lên đường đi 8 nước Trung Đông.
Ngoại trưởng Pompeo cũng sẽ gánh vác trọng trách xoa dịu các đồng minh quan trọng của Mỹ tại Trung Đông sau khi Tổng thống Trump ngày 19/12 tuyên bố Mỹ sẽ ngay lập tức rút quân khỏi Syria, dù trước đó ông luôn đề cập khả năng rút dần binh lính về nước. Các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Israel, lo ngại động thái này sẽ tạo điều kiện cho Iran mở rộng hiện diện tại Syria và giúp Tổng thống Syria Bashar al-Assad, một đồng minh của Tehran, củng cố quyền lực. Trước chuyến thăm của ông Pompeo, Cố vấn An ninh Nhà Trắng John Bolton đã được cử tới Israel và Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về kế hoạch hành động tiếp theo.
Phân tích của các chuyên gia cho rằng tình hình Trung Đông trong năm 2019 có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, thậm chí là phức tạp hơn với những mâu thuẫn mới nảy sinh. Lâu nay, Mỹ được cho vẫn luôn thực hiện mục tiêu duy trì vị thế lãnh đạo, ngăn chặn bất kỳ quốc gia hay liên minh nào trong khu vực trỗi dậy tranh giành vai trò, vị thế lãnh đạo này và chống Hồi giáo cực đoan. Sau khi tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng bị đánh bại, việc Iran gia tăng ảnh hưởng trong khu vực luôn là "cái gai trong mắt" của Mỹ. Do đó, nhằm kiềm chế vai trò của Iran, một liên minh khu vực do Mỹ đứng đầu, với sự tham gia của Saudi Arabia và Israel đã được định hình, và dự báo sẽ tiếp tục được củng cố trong năm 2019. Thế đối đầu giữa Iran và các đối thủ, với các cuộc leo thang quân sự mới, có thể trở thành "một thùng thuốc súng", báo hiệu các cuộc chiến ủy nhiệm trong khu vực, nhất là tại Syria, Yemen và Iraq, tiếp tục diễn ra một cách quyết liệt.
Ông Pompeo được cho là sẽ củng cố quan hệ đồng minh với nhóm 6 quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng vịnh (GCC). Hội đồng này bị suy yếu từ năm 2017 liên quan tới căng thẳng tại vùng Vịnh, trong đó một thành viên của GCC là Qatar bị nhóm các quốc gia trong khu vực do Saudi Arabia dẫn đầu cô lập. Để củng cố lại nhóm này, Mỹ hy vọng tổ chức Hội nghị GCC sớm trong quý I/2019. Một vấn đề quan trọng khác là thảo luận với các quốc gia vùng Vịnh về cuộc chiến kéo dài 4 năm qua tại Yemen, trong đó liên minh Arab do Saudi Arabia dẫn đầu và Mỹ hậu thuẫn ủng hộ chính phủ được quốc tế công nhận tại Yemen chống lại phiến quân Houthi.
Một trong những điểm dừng chân quan trọng trong chuyến công du của ông Pompeo là Riyadh, trong bối cảnh quan hệ Mỹ và Saudi Arabia trong thời gian qua ít nhiều bị ảnh hưởng bởi vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị giết hại tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Nhà báo này sinh sống tại Mỹ và đang làm việc cho báo Washington Post (Mỹ) khi bị sát hại. Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ luôn coi Riyadh là một đồng minh quan trọng nhưng Washington mong muốn đồng minh này xử lý cuộc điều tra cái chết của nhà báo Khashoggi một cách "có trách nhiệm và đáng tin cậy" hơn.
Không chỉ vậy, "bài toán" khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh giữa khối Arab, do Saudi Arabia đứng đầu, và Qatar cũng khó có thể tìm được "lời giải" trong năm 2019. Việc Qatar tuyên bố rút khỏi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong năm 2018 cho thấy nước này quyết tâm và có thể vượt qua các biện pháp bao vây, trừng phạt và sẽ không nhượng bộ các điều kiện do khối Arab đưa ra. Trong khi Saudi Arabia càng tìm cách củng cố vai trò lãnh đạo khu vực, Qatar sẽ càng tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng, chi phối của Saudi Arabia, theo đó, nước này có thể tìm đến Mỹ để đối trọng với Saudi Arabia. Vì thế, để duy trì vai trò lãnh đạo và “cầm trịch” của mình ở Trung Đông, Ngoại trưởng Mỹ không thể không đi Trung Đông.