Hà Nội

Ngoại trưởng John F. Kerry: Từ Xuồng Cao tốc đến Sông Mekong Bền vững

03-02-2015 17:42 | Quốc tế
google news

SKĐS - Cách đây hơn bốn thập kỷ khi còn là một trung úy hải quân trẻ trong “Hải quân vùng sông nước”, tôi và các thủy thủ đã đi dọc sông Mekong trên tàu chiến Hoa Kỳ.

Cách đây hơn bốn thập kỷ khi còn là một trung úy hải quân trẻ trong “Hải quân vùng sông nước”, tôi và các thủy thủ đã đi dọc sông Mekong trên tàu chiến Hoa Kỳ. Ngay cả khi chiến tranh đang diễn ra xung quanh chúng tôi, thì trong những khoảnh khắc yên tĩnh chúng tôi vẫn bị hút hồn bởi vẻ đẹp và sức mạnh của dòng sông – trâu, hải sản mà chúng tôi trao đổi với ngư dân địa phương, rừng đước dọc hai bờ sông và dọc những nhánh sông nhỏ.

Từ lâu những đường thủy phục vụ cho chiến tranh này đã trở thành vùng nước của hòa bình và thương mại – Hoa Kỳ và Việt Nam đã thiết lập một mối quan hệ mạnh mẽ và năng động 20 năm qua. Nhưng ngày nay, dòng sông Mekong đang phải đối mặt với một nguy cơ rất mới và khác – một nguy cơ đe dọa sinh kế của hàng chục triệu người và mối nguy cơ đó tượng trưng cho sự rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra cho cả hành tinh này. Tăng trưởng và phát triển thiếu bền vững cùng với việc khai thác tối đa dòng sông đang gây nguy hiểm cho sức khỏe và sự thịnh vượng của khu vực về dài hạn.

Ông J.Kerry trên dòng Mekong

Ông J.Kerry trên dòng Mekong

Từ trên xuồng cao tốc trong những năm 1968 và 1969, chúng tôi có thể thấy rằng dòng sông màu mỡ này rất cần thiết cho lối sống và đời sống của những cộng đồng dọc hai bờ sông. Trong rất nhiều chuyến đi của tôi đến khu vực kể thời điểm đó, với tư cách là Thượng Nghị sĩ và Ngoại trưởng, tôi đã chứng kiến Hoa Kỳ cùng các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á hợp tác chặc chẽ với nhau nhằm theo đuổi sự phát triển theo cách có thể giúp các nền kinh tế trong khu vực phát triển đồng thời bảo vệ môi trường.

Mặc dù đã có những nỗ lực này nhưng dòng sông Mekong vẫn đang bị đe dọa. Dọc theo dòng sông dài 4.344km, các nhu cầu ngày càng gia tăng về năng lượng, thực phẩm và nước đang tàn phá hệ hệ sinh thái và hủy hoại sinh kế của 240 triệu người. Phát triển thiếu bền vững và tốc độ phát triển nhanh chóng của các công trình thủy điện đang đe dọa nhu cầu về thực phẩm và nước của hàng triệu người đang sống phụ thuộc vào dòng sông này.

Điều gì đang bị đe dọa? Tại Campuchia, sông Mekong cung cấp sự đa dạng sinh học phong phú cho một lưu vực sông vốn cung cấp hơn 60% chất đạm cho đất nước này. Tại Việt Nam, dòng sông giúp tưới tiêu cho “vựa lúa” của đất nước vốn đang hỗ trợ cho nền kinh tế đang phát triển nhanh này. Trên khắp khu vực, dòng sông này là huyết mạch quan trọng về giao thông, nông nghiệp và phát điện.

Sông Mekong ganh đua với sông Amazon về sự đa dạng sinh học. Cá tra khổng lồ của sông Mekong và cá heo Irrawady chỉ có ở sông Mekong và các nhà khoa học liên tục phát hiện ra những loài động vật mới, cá và thực vật trên khắp vùng đồng bằng này. Một số loài mới được phát hiện gần đây có thể một ngày nào đó hứa hẹn sẽ trở thành các loại thuốc mới giúp chữa trị những căn bệnh hiểm nghèo.

Thách thức thật rõ ràng: Toàn bộ khu vực Mekong cần xây dựng một chiến lược bề rộng đảm bảo rằng sự tăng trưởng trong tương lai không phải đánh đổi với không khí sạch, nước sạch và một hệ sinh thái lành mạnh. Làm được nhiệm vụ quan trọng này sẽ nêu ra một ví dụ trước thế giới về những gì có thể làm được.

Sông Mekong

Sông Mekong

Số phận của khu vực sông Mekong cũng sẽ có ảnh hưởng đến những người sống cách con sông rất xa. Ví dụ, thương mại của Hoa Kỳ với khu vực Mekong tăng 40% từ năm 2008 đến năm 2014. Xu hướng này cũng đồng nghĩa với việc có nhiều công ăn việc làm cho người Mỹ và tăng trưởng kinh tế liên tục cho các nước Đông Nam Á.

Xử lý thách thức này đòi hỏi chúng tôi phải làm việc với các nước đó để giải quyết những nhu cầu phát triển rất hiện hữu cùng lúc chúng ta gìn giữ môi trường. Điều này đòi hỏi phải có dữ liệu tốt để phân tích và lập kế hoạch thích hợp, đầu tư thông minh, các nhà lãnh đạo mạnh mẽ và định chế hiệu quả để quản lý các tài nguyên của sông Mekong vì lợi ích của tất cả mọi người trong khu vực.

Nhằm đến mục tiêu đó, chúng tôi đã cùng với Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam khởi động Sáng kiến Hạ vùng sông Mekong. Mục đích là tạo ra một tầm nhìn chung về tăng trưởng và cơ hội, theo đó công nhận vai trò của con sông như một động lực kinh tế và tôn trọng vị trí của nó trong môi trường.

Đó là lý do tại sao tuần này (ngày 2 và 3 tháng 2) Hoa Kỳ và Chính phủ Lào đồng tổ chức một cuộc họp quan trọng gồm các quan chức cấp cao của 5 nước hạ vùng sông Mekong, Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu tại Pakse, Lào, nơi có hợp lưu của sông Mekong và sông Don. Cùng tham gia với họ sẽ là các đại diện của khu vực tư nhân và các nhà tài trợ như Ngân hàng Phát triển châu Á, họ sẽ làm việc cùng nhau về một kế hoạch chi tiết vì một tương lai bền vững.

Tại cuộc họp, chúng tôi sẽ khởi động Sáng kiến Năng lượng Bền vững Sông Mekong, là một kế hoạch nhằm khuyến khích các nước trong khu vực phát triển các chương trình theo đó sẽ điều chỉnh hướng đầu tư trong khu vực nhằm vào các sáng tạo, đổi mới trong các nguồn năng lượng tái tạo không gây hại cho môi trường.

Đây không phải là vấn đề áp đặt một con đường phát triển ở các quốc gia này. Mà là Hoa Kỳ cùng các nước khác làm việc với các quốc gia đối tác của chúng tôi để thiết lập một tập hợp các nguyên tắc đầu tư và phát triển nhất quán để đảm bảo sức khỏe cũng như nhịp sống kinh tế về dài hạn dọc theo dòng chảy của con sông.

Quan hệ đối tác này là một phần thiết yếu trong nỗ lực to lớn hơn của Tổng thống Obama và toàn bộ chính quyền của ông nhằm ủng hộ nhân dân khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, cũng như là một tín hiệu nữa thể hiện cam kết của chúng tôi đối với việc giúp đỡ các nền kinh tế sôi động và các nền dân chủ mới nổi này.

Đối với người Mỹ và Đông Nam Á cùng thế hệ với tôi, sông Mekong đã từng là một biểu tượng về xung đột. Nhưng ngày nay nó có thể là một biểu tượng về phát triển bền vững và quản lý tốt.

(Theo ForeignPolicy.com)

 


Ý kiến của bạn