Ngoại tình “bí mật” có bị xử lý hay không?

20-07-2016 11:15 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Vào thời điểm Điều luật 182 Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, quy định nếu người nào vi phạm chế độ một vợ một chồng dẫn đến ly hôn có thể bị phạt tù đến 1 năm, phóng viên báo sức khỏe có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Vĩnh Long.

Điều luật 182 Bộ luật hình sự 2015 quy định người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Nhiều bạn đọc cho rằng luật đã đáp ứng và đi sát nhu cầu thực tiễn của xã hội, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề còn phải tranh cãi khi áp dụng vào thực tiễn. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Vĩnh Long, Công ty luật TQA để làm rõ những vấn đề này.

Phóng viên: Từ ngày 1/7, quy định vi phạm chế độ 1 vợ 1 chồng dẫn đến ly hôn có thể bị phạt tù đến 1 năm, có rất nhiều ý kiến quan ngại quy định này vẫn còn hình thức, bởi luật vẫn còn nhiều ngoại lệ. Ví dụ như trường hợp không ở với nhau nhưng vẫn có con thì xử có áp dụng điều luật này để xử lý hay không?

Luật sư Nguyễn Vĩnh Long: Cần lưu ý đây là quy định nhằm bảo vệ chế độ hôn nhân tiến bộ một vợ, một chồng được quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Vì đây là một Điều luật trong Bộ luật hình sự Việt Nam nên để áp dụng xử lý trên thực tế thì hành vi phạm tội cần thỏa mãn được toàn bộ các cấu thành tội phạm của Điều luật:

-          Chủ thể: Là người đang có vợ có chồng hoặc chưa có vợ có chồng, nhưng phải thỏa mãn điều kiện về kết hôn quy định tại Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014.

-          Khách thể: Là quan hệ hôn nhân tiến bộ một vợ một chồng, do vậy cần lưu ý hành vi chung sống như vợ chồng với người đang có vợ có chồng phải là hành vi có lỗi cố ý. Có nghĩa là người phạm tội biết rõ hành vi của mình xâm phạm đến quan hệ hôn nhân nhưng vẫn cố tình vi phạm.

-          Hậu quả: Vì Điều luật này có cấu thành tội phạm vật chất nên cần chứng minh được hành vi phạm tội là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả là các bên trong quan hệ hôn nhân gia đình ly hôn. Do vậy khi xử lý hành vi phạm tội này cần xem xét đến những yếu tố nào dẫn đến việc các bên phải ly hôn.

Với những quy định chặt chẽ như trên thì không thể có ngoại lệ trong hành vi phạm tội này. Vì để áp dụng Điều luật để xử lý thì các cơ quan chức năng cần chứng minh được đầy đủ các yếu tố cấu thành nên tội phạm, như hành vi phải là chung sống như vợ chồng, có nghĩa là hành vi này cần phải thể hiện được một mức độ nghiêm trọng nhất định mang tính chất thường xuyên, lâu dài, chứ không thể áp dụng cho những hành vi mang tính nhất thời không có ý định chủ quan thật sự.

Chung sống như vợ chồng được hiểu như thế nào? Điểm 3.1 khoản 3 Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn như sau:

Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...

Đối với các hành vi vi phạm chưa đến mức nghiêm trọng có thể áp dụng biện pháp xử phạt hành chính để xử lý. Điểm b khoản 1 điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định: “Xử phạt từ 1 đến 3 triệu đồng đối với hành vi đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác”.

Phóng viên: Có người cho rằng với các trường hợp ngoại tình như “bí mật” hoặc không công khai và cũng không sống chung như vợ chồng, (trường hợp này có rất nhiều trong xã hội ) thì xử lý thế nào?

Luật sư Nguyễn Vĩnh Long: Chế tài xử phạt hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng được quy định trong  một Điều luật của Bộ luật hình sự. Do vậy, không có khái niệm “ngoại tình” trong Điều luật này. Các trường hợp ngoại tình hiện là những hiện tượng tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến quan hệ hôn nhân gia đình, nhưng chưa đến mức phải áp dụng các chế tài để xử lý. Các bên trong quan hệ hôn nhân gia đình bị vi phạm có thể áp dụng các biện pháp khác thích hợp để xử lý các mâu thuẫn, ví dụ như áp dụng các biện pháp hòa giải.

Phóng viên: Hiện nay một bộ phận giới trẻ sống thử trước hôn nhân, vậy cái này có được cho là vi phạm luật hôn nhân, chế độ 1 vợ 1 chồng hay không?

Luật sư Nguyễn Vĩnh Long: Luật hôn nhân gia đình không có quy định về việc sống thử trước hôn nhân. Vì vậy các bên trong quan hệ sống thử trước hôn nhân không phải là các bên trong quạn hệ hôn nhân gia đình. Có thể hiểu các bên trong quan hệ sống thử chưa xác lập hoặc chưa có ý định xác lập quan hệ hôn nhân gia đình. Do vậy các bên trong quan hệ sống thử trước hôn nhân không vi phạm Điều luật này vì các bên không xâm phạm quan hệ hôn nhân gia đình.

Phóng viên: Xin cảm ơn luật sư.


Hải Yến
Ý kiến của bạn