Không chỉ một lần, Yến còn phát hiện chồng mình chát với nhiều cô gái khác nhau như một thú vui vì quả thực, anh vẫn chu đáo với trách nhiệm làm chồng, làm cha, anh cũng chẳng làm gì khác tổn hại đến cuộc sống gia đình nên cô cũng không muốn nghĩ đến giải pháp mạnh hơn, xem như đó là một tật xấu của chồng.
"Thói xấu" đó bớt... xấu dần kể từ khi Yến cũng tập tành lên mạng, trước là để xem cái trò chát chít qua mạng ấy có gì hấp dẫn. Dần dần, cô bắt đầu thấy vui khi nhờ mạng, Yến liên lạc lại được với những người bạn cũ và có thêm những người bạn mới, nhất là khi có một anh chàng cứ khen cô từ cách nói chuyện thông minh, sâu sắc đến khen những tấm ảnh đại diện của cô khiến cô có lúc như bồng bềnh trên mây vì... sướng!
Có lúc Yến chợt giật mình vì thời gian lên mạng của mình ngày càng tăng, hôm nào không chát với người ấy lại thấy thiếu vắng điều gì đó, có lúc cô đắm chìm trên không gian ảo mà quên bẵng những gì đang diễn ra ngoài đời thật. Dạo này chồng Yến hay đi làm về trễ, sổ liên lạc của con xuất hiện những lời than phiền, nhắc nhở của cô giáo vì bé thường quên làm bài ở nhà. Bù lại, những giây phút đi hoang trên mạng khiến Yến quên mất những chuyện không vui với chồng, cô không còn ghen tuông, xét nét chồng như trước, cảm giác thăng bằng dường như trở lại sau một thời gian lao đao khi biết chồng có người khác mà "thật" hay "ảo" chắc chỉ anh mới biết được.
Thy - cô bạn thời đại học của tôi thì ghen tuông đến trầm uất với những tin nhắn mùi mẫn bất kể giờ giấc trên điện thoại của chồng từ một cô đồng nghiệp của anh. Hỏi thì anh bảo cô ấy trêu cho vui chứ đồng nghiệp mà, ai dám có tình ý gì, anh cũng cấm cô làm lớn chuyện cho mất mặt anh bởi dù gì anh cũng là sếp ở công ty. Vậy mà khi cô gọi lại số máy đó thì cô kia cứ ỡm ờ, không thừa nhận cũng chẳng ra từ chối. Bảo anh "ba mặt một lời" thì anh không muốn vì "đã không có gì thì gặp gỡ đối chất làm chi?" Quá uất ức, Thy lên mạng "xả stress". Sau vài dòng tâm trạng để chế độ công khai, có nhiều người an ủi, chia sẻ lẫn đề nghị kết bạn.
Trong số đó, có một người tự xưng là đồng cảnh ngộ vì cũng bị vợ "cắm sừng". Từ thái độ đồng cảm đến những lời chia sẻ, động viên nhau, sau một thời gian, cả hai không còn ngần ngại gửi cho nhau những lời lẽ ngọt ngào cùng những biểu tượng tình cảm vốn chỉ dành cho những cặp tình nhân. Cũng như Yến, Thy cho rằng chẳng có gì phải áy náy bởi mình làm vậy chẳng qua vì... tức ông chồng. Hơn nữa, ngoài cái tên giả và những cuộc trò chuyện vớ vẩn trên mạng, hai bên không biết gì về nhau, cũng không cần hẹn hò gặp gỡ bên ngoài thì có thể xem như họ... vô tội vì họ vẫn làm tròn bổn phận của mình trong gia đình.
Không như đàn ông vốn sống thiên về bản năng nên chỉ thấy hứng thú qua những mối quan hệ "thật", phụ nữ vẫn có thể hạnh phúc một cách đơn giản với những niềm vui tinh thần từ những cuộc trò chuyện qua mạng ảo cùng những mối quan hệ "chay". Không được tự do trong các mối quan hệ như đàn ông, khi bị phản bội, phụ nữ không thể "trả đũa" bằng cách "ăn nem" do xã hội luôn lên án phụ nữ ngoại tình nhưng với đặc tính tiện lợi, không lo bị ràng buộc, đỡ mất thời gian gặp gỡ bên ngoài, lại an toàn vì nhiều người chỉ cần xài nick giả là không lo bị người quen phát hiện, việc "ngoại tình ảo" ngày càng phổ biến và được xem là giải pháp tình thế giúp phụ nữ cân bằng khi hôn nhân gặp "sự cố".
Nhưng liệu người ta có thể giữ khoảng cách được bao lâu khi một bên cứ nhất định "chay tịnh" trong khi đối phương nhất định đòi gặp mặt và khoảng cách từ ngoại tình "ảo" đến ngoại tình "thật" có khi chỉ cách nhau cái... bàn phím? Ngoại tình "ảo" có thật sự vô hại hay tiềm ẩn những rủi ro khó lường khi dòng chảy của cảm xúc đôi khi không chỉ dừng lại ở những biểu tượng trên facebook hay Yahoo Messenger?