Ngoài tiền trợ cấp, người lao động được hưởng lợi gì khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp?

10-04-2023 11:30 | Xã hội
google news

SKĐS - Tham gia bảo hiểm thất nghiệp, người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp được thụ hưởng nhiều quyền lợi như được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi mất việc; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm…

Bảo hiểm thất nghiệp là chính sách có ý nghĩa quan trọng đối với người lao động. Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2009, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã khẳng định vai trò trụ cột trong đảm bảo an sinh xã hội, trợ giúp người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Nhất là trong giai đoạn đại dịch COVID-19 vừa qua, bảo hiểm thất nghiệp được xem là phao cứu sinh giải quyết không ít khó khăn cho người lao động.

Ngoài tiền trợ cấp NLĐ được hưởng lợi gì khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp? - Ảnh 1.

Người lao động được hưởng nhiều chế độ khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp. (Ảnh minh họa)

Tham gia bảo hiểm thất nghiệp, người lao động được thụ hưởng nhiều quyền lợi. Một trong số này là được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Điều kiện và mức hưởng trợ cấp thất nghiệp mới nhất năm 2023 người lao động có thể xem TẠI ĐÂY.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 42, Điều 47, Điều 54, Điều 56 Luật Việc làm 2013, khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì ngoài trợ cấp thất nghiệp, người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc còn được hưởng các chế độ sau đây:

- Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm:

Người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà có nhu cầu tìm kiếm việc làm được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.

- Hỗ trợ học nghề:

Người lao động khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 55 Luật Việc làm 2013 thì được hỗ trợ học nghề với thời gian theo thời gian học nghề thực tế nhưng không quá 6 tháng.

Mức hỗ trợ học nghề được quy định tại Khoản 1 Điều 3 Quyết định 17/2021/QĐ-TTg như sau:

+ Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo.

+ Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng.

Lưu ý: Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: Từ 14 ngày trở xuống tính là 1//2 tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 1 tháng.

- Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp. Điều kiện, thời gian và mức hỗ trợ xem tại Điều 3 và Điều 4 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP).


Như Hoa (t/h)
Ý kiến của bạn