Ngoại tâm thu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

11-11-2024 10:32 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Ngoại tâm thu là một trong những dạng rối loạn nhịp tim thường gặp, đặc trưng bởi sự xuất hiện các nhịp đập đến sớm hơn so với nhịp tim bình thường. Ngoại tâm thu có thể xuất hiện đơn độc, hoặc báo hiệu một chuỗi nhịp nhanh sau đó.

1. Nguyên nhân gây ngoại tâm thu

Ngoại tâm thu có thể do các yếu tố liên quan đến bệnh lý tim mạch gây nên, ví dụ như bệnh mạch vành, suy tim, viêm cơ tim, bệnh van tim…

Thiếu ngủ, mệt mỏi kéo dài, căng thẳng thần kinh, sử dụng các loại đồ uống có cồn, rượu bia, cà phê, hút thuốc lá… được cho là những yếu tố nguy cơ dẫn đến ngoại tâm thu.

Ngoài ra, sử dụng các loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc chống loạn nhịp, digitalis trong điều trị các bệnh lý tim mạch; thuốc kháng sinh, thuốc chống trầm cảm,… cũng có thể gây ra ngoại tâm thu.

Một số trường hợp hiếm gặp hơn, ngoại tâm thu có thể do thiếu máu, cường giáp, suy giáp, thoát vị hoặc bệnh trào ngược dạ dày thực quản…

Trong một vài trường hợp, ngoại tâm thu có thể xuất hiện ở những người khỏe mạnh mà không rõ nguyên nhân.

Ngoại tâm thu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.

Ngoại tâm thu có thể do các yếu tố liên quan đến bệnh lý tim mạch gây nên.

2. Các loại ngoại tâm thu thường gặp

Trên thực tế lâm sàng, ngoại tâm thu thường bao gồm hai nhóm chính ngoại tâm thu thất và ngoại tâm thu nhĩ.

2.1. Ngoại tâm thu thất

Ngoại tâm thu thất có nguồn gốc từ sự phát xung bất thường từ tâm thất, khiến tâm thất co bóp sớm hơn và không đảm bảo được lưu lượng bơm máu bình thường.

Ngoại tâm thu thất có thể xuất hiện ở người khỏe mạnh vài lần trong ngày và thường không gây nguy hiểm, nhưng khi ngoại tâm thu thất xuất hiện trên người bệnh tim mạch có thể là tình trạng nguy hiểm, đe dọa tính mạng.

2.2. Ngoại tâm thu nhĩ

Ngoại tâm thu nhĩ xuất hiện khi xuất hiện một xung động sớm hơn bình thường xuất phát từ cấu trúc ở tâm nhĩ nhưng không phải từ nút xoang... Sau mỗi nhịp ngoại tâm thu nhĩ, thời gian nghỉ bù cho nhịp tiếp theo dài hơn cộng với việc tâm thất có thời gian đổ đầy máu lâu hơn, khiến nhịp đập tiếp theo mạnh hơn bình thườn, điều này gây ra cảm giác giống như tim bị bỏ qua một nhịp.

Ngoại tâm thu nhĩ tương đối phổ biến, có thể xảy ra ở cả những người khỏe mạnh, hiếm khi có triệu chứng và đa phần là vô hại.

3. Triệu chứng của ngoại tâm thu

Ở một số bệnh nhân sẽ không có triệu chứng, nhưng đa số người bệnh sẽ có cảm giác hồi hộp, chóng mặt, đánh trống ngực, cảm giác hẫng hụt trong ngực.

Đau và khó chịu ở ngực là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân bị ngoại tâm thu. Đôi khi, người bệnh có thể cảm nhận cơn đau tức ngực lan rộng đến vùng cổ hoặc cảm giác đập thình thịch trong lồng ngực.

Khó thở là triệu chứng thường đi kèm với tình trạng nhịp tim nhanh kéo dài và trở nên nghiêm trọng hơn khi người bệnh lo lắng, hồi hộp. Người bệnh cảm thấy bị hụt hơi, khó thở, đau tức ở ngực.

Một số trường hợp bệnh nhân bị ngoại tâm thu có thể cảm thấy buồn nôn, khó chịu. Nguyên nhân có thể là do trào ngược dạ dày thực quản gây ra ngoại tâm thu, hoặc ngược lại ngoại tâm thu gây kích thần kinh phế vị hoặc thần kinh tự chủ khiến người bệnh cảm thấy buồn nôn hoặc nôn.

Nếu ngoại thu kéo dài, người bệnh có thể đau đầu nghiêm trọng.

Ngoại tâm thu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 3.

Nhịp đập, nhịp bỏ là dấu hiệu điển hình của ngoại tâm thu.

4. Điều trị ngoại tâm thu

Ngoại tâm thu là bệnh lý tương đối đơn giản nhưng với những người mắc bệnh tim thì bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, việc phát hiện sớm để điều trị kịp thời ở những bệnh nhân này có vai trò quan trọng đối với sự sống người bệnh.

4.1. Điều trị ngoại tâm thu bằng cách điều chỉnh lối sống

Đối với những ngoại tâm thu ở những người không có bệnh tim mạch, thường không cần điều trị vì những trường hợp này là lành tính và tiên lượng tốt.

Người bệnh nên điều chỉnh lối sống bằng cách thực hiện chế độ ăn uống khoa học, luyện tập thường xuyên, duy trì cân nặng bình thường, loại bỏ những sản phẩm có chứa chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá..

4.2. Điều trị bằng thuốc

Khi áp dụng phương pháp thay đổi lối sống không hiệu quả có thể chuyển sang điều trị bằng thuốc. Những bệnh nhân có triệu chứng do lo lắng quá mức có thể được chỉ định dùng thuốc làm chậm nhịp tim như thuốc chẹn beta giao cảm với liều lượng thấp hoặc thuốc trị rối loạn lo âu, thuốc chống trầm cảm. Lưu ý rằng, các thuốc chống trầm cảm có thể tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim do vậy việc điều trị bằng thuốc nhất định phải theo hướng dẫn của bác sĩ.

Trường hợp ngoại tâm thu là thứ phát sau các bệnh không phải bệnh tim như: cường giáp, thiếu máu hoặc rối loạn tiêu hóa thì trước tiên cần điều trị những bệnh lý cơ bản này.

Khi có bệnh tim tiềm ẩn, ngoại tâm thu có thể gây rối loạn nhịp tim nghiêm trọng hơn. Do đó, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc chống loạn nhịp, thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh canxi hoặc amiodarone.

4.3. Can thiệp xâm lấn

Nếu sử dụng thuốc không giúp cải thiện tình trạng ngoại tâm thu hoặc trong trường hợp cần điều trị bệnh tim tiềm ẩn, bác sĩ chuyên khoa tim mạch sẽ xem xét lựa chọn các phương pháp can thiệp như: đặt máy để điều hòa nhịp tim, can thiệp mạch vành, thay van, cắt đốt ổ loạn nhịp,

5. Cách phòng ngoại tâm thu hiệu quả

Ngoại tâm thu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 4.

Chế độ ăn uống lành mạnh tốt cho tim mạch.

Để phòng tránh ngoại tâm thu cũng như hạn chế bệnh tiến triển nặng, người bệnh có thể thực hiện các biện pháp sau:

  • Tuân thủ chế độ sống lành mạnh.
  • Có chế độ ăn uống tốt cho tim mạch: Bổ sung nhiều rau xanh và hoa quả trong khẩu phần ăn; Ưu tiên các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá trích; Sử dụng ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc, thịt da cầm đã bỏ da. Đồng thời, hạn chế những thực phẩm được chế biến sẵn, món ăn được chiên rán nhiều dầu mỡ…
  • Ngừng hoặc hạn chế sử dụng thuốc lá và các loại thức uống chứa cồn như rượu, bia; các chất kích thích như cà phê…
  • Rèn luyện thói quen tập thể dục đều đặn thường xuyên để nâng cao thể lực, giảm căng thẳng và tăng cường sức khỏe tim mạch.
  • Tránh học tập và làm việc quá sức. Giảm thiểu các căng thẳng trong công việc và cuộc sống. Tránh các tình huống xúc cảm mạnh.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn tinh thần. Giữ trạng thái tích cực và thoải mái.
  • Tập thói quen đi ngủ và thức dậy trong cùng một khung giờ, duy trì nhiệt độ phòng ngủ luôn mát mẻ, tắt các thiết bị phát sáng… để có giấc ngủ ngon.
  • Kiểm soát tốt các bệnh nền hiện có, đặc biệt các bệnh tim mạch bằng cách tuân thủ điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
  • Thăm khám sức khỏe tim mạch theo định kỳ.

Tóm lại: Ngoại tâm thu thường không nguy hiểm trong phần lớn các trường hợp, đặc biệt ở những người khỏe mạnh và không có bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên ngoại tâm thu trở nên nguy hiểm và cần điều trị nếu xảy ra thường xuyên hoặc ở người có bệnh lý tim mạch hoặc ngoại tâm thu kèm triệu chứng nặng như chóng mặt, ngất, đau ngực, hoặc khó thở, người bệnh cần được thăm khám và điều trị sớm, tránh biến chứng.

Đồng mắc bệnh tim mạch, thận và rối loạn chuyển hóa làm giảm nghiêm trọng tuổi thọ bệnh nhânĐồng mắc bệnh tim mạch, thận và rối loạn chuyển hóa làm giảm nghiêm trọng tuổi thọ bệnh nhân

SKĐS - Bệnh tim mạch, thận và rối loạn chuyển hóa đang trở thành thách thức lớn trong y tế hiện đại. Những bệnh lý này không chỉ làm gia tăng gánh nặng bệnh tật lên hệ thống y tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh...


BS. Nguyễn Minh Ngọc
Ý kiến của bạn