Ngoại Khoa Việt Nam không chỉ toả sáng trong nước mà chuyển giao cho quốc tế nhiều kỹ thuật

18-08-2020 20:01 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Những năm qua ngành ngoại khoa Việt Nam đã từng bước làm chủ các kỹ thuật tiên tiến. Hiện nay, Việt Nam đã có 16 cơ sở ghép thận độc lập, 5 cơ sở ghép gan, 3 cơ sở ghép tim, đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyên sâu hơn để thực hiện các kỹ thuật khó.

Ngày 18/8, Đại hội lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025 của Hội Ngoại Khoa Việt Nam và Đại hội lần IV, nhiệm kỳ 2020-2025 Hội Phẫu thuật Nội soi và Nội soi Việt Nam đã diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Theo đó, Đại hội kết nối các điểm cầu Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với điểm cầu Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, điểm cầu Bệnh viện Trung ương Huế và  7 điểm cầu Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức gồm: BVĐK tỉnh Phú Thọ, BVĐK tỉnh Lào Cai, BVĐK tỉnh Thái Bình, BVĐK tỉnh Ninh Bình, BVĐK tỉnh Quảng Ninh, BVĐK tỉnh Thanh Hoá và Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An

Đại hội Hội Ngoại Khoa Việt Nam lần thứ XIV Đại hội lần thứ IV Hội Phẫu thuật Nội soi và Nội soi Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 được tổ chức theo hình thức trực tuyến

GS.TS Trần Bình Giang- Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam, Hội Phẫu thuật Nội soi và Nội soi Việt Nam nhấn mạnh những năm qua ngành ngoại khoa Việt Nam đã từng bước làm chủ các kỹ thuật tiên tiến. Hiện nay, Việt Nam đã có 16 cơ sở ghép thận độc lập, 5 cơ sở ghép gan, 3 cơ sở ghép tim, đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyên sâu hơn để thực hiện các kỹ thuật khó.

Đến nay, các phẫu thuật viên Việt Nam đã tiến hành ghép được hơn 5.000 ca ghép thận, 200 ca ghép gan và 42 ca ghép tim.

Cuối năm 2018, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã triển khai thành công ca ghép phổi đầu tiên. Tháng 8/2019, lần đầu tiên Việt Nam đã thức hiện cùng lúc lấy 6 tạng trên một người cho mất não (2 phổi, 1 tim, 1 gan, 2 thận) và ghép thành công cho 5 bệnh nhân. Đó là những thành tựu đáng ghi nhận của ngành ngoại khoa nói riêng và ngành y tế nói chung.

Hội nghị khoa học toàn quốc thường niên được tổ chức nhằm cung cấp cho các hội viên những báo cáo mang tính cập nhật và tổng quan về các chuyên đề lớn, toàn diện trong các chuyên ngành y học trong và ngoài nước.

Tại Đại hội cũng đã bàn việc hợp nhất 2 Hội Phẫu thuật Nội soi và Nội soi Việt Nam và Hội Ngoại Khoa Việt Nam, thông qua Đại hội trù bị để tiến tới Đại hội chính thức diễn ra vào tháng 9 tới

Theo GS.TS Trần Bình Giang, việc hợp nhất 2 Hội là sự kiện quan trọng, tuân theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy quản lý, tập trung nguồn lực phát triển, thống nhất trong công tác tham mưu, chỉ đạo và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội.

GS.TS Trần Bình Giang- Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam phẫu thuật cho bệnh nhân

Việc sáp nhập này được căn cứ vào Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về việc tiến hành rà soát nghiên cứu sáp nhập, hợp nhất các hội quần chúng có chức năng tương đương; căn cứ Thông báo số 158-TB/TW ngày 2/1/2020 của Ban Bí thư về “Tiếp tục thực hiện Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về hội quần chúng trong tình hình mới”; căn cứ biên bản họp ngày 27/7/2020 giữa Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Phẫu thuật nội soi và Nội soi Việt Nam và Hội Ngoại khoa Việt Nam…

Hội Ngoại khoa Việt Nam được thành lập năm 1962 theo Quyết định số 51-NV. Trong nhiệm kỳ vừa qua (2015-2020), Hội đã phối hợp với các Hội chuyên khoa sâu như Hội Phẫu thuật nội soi và Nội soi Việt Nam, Hội Phẫu thuật thần kinh, Hội Phẫu thuật nhi, Hội Phẫu thuật tiết niệu… tổ chức đào tạo liên tục theo chuyên ngành cho các phẫu thuật viên trong nước, chuyển giao kỹ thuật cho các địa phương theo Đề án 1816 của Bộ Y tế, mở rộng chuyển giao nhiều kỹ thuật cho các nước bạn, đặc biệt là khu vực châu Á Thái Bình Dương: Lào, Philippines, Indonesia. Malaysia, Ấn Độ…

Tại nước ta, đến nay, toàn bộ các bệnh viện tuyến tỉnh đã chia khoa Ngoại thành các khoa chuyên ngành để phát triển có chiều sâu và bước đầu ứng dụng các kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị, đáp ứng nhu cầu của người bệnh, góp phần giảm tải cho tuyến Trung ương. Nhiều bệnh viện tuyến tỉnh đã làm chủ được các kỹ thuật phức tạp thuộc chuyên ngành ngoại sâu như cắt khối tá tuỵ, cắt thực quản, cắt thận nội soi, tán sỏi kỹ thuật cao, mổ  tim phổi máy, mổ u não…

Hội Phẫu thuật nội soi và Nội soi Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 72/2005/QĐ-BNV ngày 20/7/2005 của Bộ Nội vụ. Nhiệm kỳ vừa qua (2015-2020), ba trung tâm phẫu thuật nội soi lớn nhất cả nước (miền Bắc, miền Trung và miền Nam) đã tổ chức thành công 237 khóa đào tạo phẫu thuật nội soi cơ bản và nâng cao với tổng số lượt học viên được đào tạo gần 3500 người.

PGS.TS. Trần Ngọc Lương - Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương hướng dẫn, đào tạo các bác sĩ bước ngoài phẫu thuật nội soi tuyến giáp

Cho đến nay, phẫu thuật nội soi đã được thực hiện thường quy tại tất cả 64 tỉnh thành trên cả nước. Phẫu thuật nội soi không chỉ phát triển ở các bệnh viện tỉnh hay khu vực mà đã lan rộng phủ sóng tới các bệnh viện huyện và Trung tâm y tế và cả những vùng xa xôi hẻo lánh nhất như Xốp Cộp, Ximacai ở miền Bắc hay Trung tâm y tế Trà Cú, Ayun Pa, Krông Bak ở miền Nam ...

Không chỉ đào tạo cho các phẫu thuật viên trong nước mà Hội còn mở rộng chuyển giao nhiều kỹ thuật cho các nước bạn, đặc biệt là khu vực châu Á Thái Bình Dương như Lào, Philippines, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ. Chỉ tính riêng về phẫu thuật cắt u tuyến giáp qua nội soi trong những năm qua, Hội đã đào tạo được hơn 300 học viên cho các nước trong khu vực cũng như trên thế giới như Philippines, Indonesia, Malaysia, Lào, Ấn Độ, Banglades , Bồ Đào Nha...


Thái Bình
Ý kiến của bạn