Hà Nội

Ngoại khoa về cơ sở

29-11-2014 00:36 | Thời sự
google news

SKĐS - Bệnh viện Việt Ðức là bệnh viện ngoại khoa đầu ngành tuyến cuối ở khu vực phía Bắc. Bệnh viện được Bộ Y tế giao làm đầu mối chỉ đạo chuyên ngành ngoại khoa trong cả nước..

Bệnh viện Việt Ðức là bệnh viện ngoại khoa đầu ngành tuyến cuối ở khu vực phía Bắc. Bệnh viện được Bộ Y tế giao làm đầu mối chỉ đạo chuyên ngành ngoại khoa trong cả nước và trực tiếp chỉ đạo các bệnh viện khu vực phía Bắc và 3 tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh. Từ thực tế đó, Bệnh viện Việt Ðức đã chuyển giao nhiều kỹ thuật ngoại khoa tiên tiến cho tuyến dưới, đồng thời tham gia ứng cứu sự cố thảm họa khi có tai nạn xảy ra.

Bệnh nhân chuyển tuyến giảm rõ rệt

Tình trạng TNGT và tai nạn thương tích đang là gánh nặng cho xã hội nói chung và ngành y tế nói riêng. Theo thống kê sơ bộ, trong số các vụ TNGT, số người bị chấn thương sọ não, chấn thương bụng, chi chiếm tới 30,5% tổng số tai nạn. Tình hình trên đặt ra cho ngành y tế nhiệm vụ cấp bách là phải đảm bảo kịp thời việc cứu chữa, chăm sóc các nạn nhân nhanh nhất. Trong khi đó, hệ thống cấp cứu của các cơ sở ngoại khoa ở các bệnh viện tuyến tỉnh hầu hết chưa đủ điều kiện để đáp ứng cấp cứu, do đó dẫn đến tình trạng bệnh nhân chấn thương dồn về các trung tâm lớn gây nên tình trạng quá tải.

Sau khi tìm hiểu kỹ nhu cầu tuyến dưới, BV Việt Đức tiến hành ký kết chuyển giao kỹ thuật với sự chứng kiến của lãnh đạo tỉnh và ngành y tế địa phương.

Trước thực tế đó, được sự tin cậy và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức đã chỉ đạo các khoa, phòng và trực tiếp là Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến tiến hành khảo sát kỹ lưỡng nhu cầu cần chuyển giao ở tuyến dưới, từ đó xây dựng đề cương chuyển giao kỹ thuật, phê duyệt kỹ thuật được chuyển giao bởi các chuyên gia đầu ngành. Sau khi tìm hiểu kỹ nhu cầu, khả năng ứng dụng, bệnh viện ký hợp đồng chuyển giao kỹ thuật… Nhờ các bước làm được chuẩn bị công phu nên sau khi chuyển giao kỹ thuật, các bệnh viện tuyến dưới của bệnh viện đều tự đảm đương được các kỹ thuật vừa được chuyển giao. Các bệnh viện địa phương đều có số lượng được đào tạo huấn luyện trực tiếp bởi các chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực chuyên sâu. Nhiều kỹ thuật mổ mới, vượt tuyến trước đây chưa triển khai nay đã được thực hiện tốt tại các bệnh viện địa phương như: phẫu thuật thần kinh, phẫu thuật tiêu hoá ổ bụng, cấp cứu chấn thương, phẫu thuật mạch máu…

Ghi nhận của hầu hết lãnh đạo các bệnh viện địa phương là năng lực chuyên môn, khả năng cấp cứu và điều trị bệnh nhân tại bệnh viện, cụ thể số lượng bệnh nhân được giữ lại điều trị tăng lên về số lượng, các bệnh nhân được phẫu thuật thuộc các chuyên ngành chuyển giao đã tăng nhiều lần cả về số lượng và chất lượng, giảm rõ rệt số bệnh nhân phải chuyển tuyến.

Một trong những nét mới và được thực hiện thường xuyên, liên tục của Bệnh viện Việt Đức là thực hiện tư vấn phẫu thuật từ xa cho các bệnh viện vệ tinh thông qua hệ thống truyền hình trực tuyến. Năm 2014, bệnh viện đã thực hiện kết nối cho 5 bệnh viện, nâng tổng số bệnh viện tham gia truyền hình trực tuyến của Bệnh viện Việt Đức lên con số 10 với 71 buổi truyền hình trực tuyến. Có nhiều ca bệnh khó được truyền hình trực tuyến giúp các bệnh viện có thêm kinh nghiệm xử lý tình huống và nhiều bài học bổ ích.

Ðào tạo gắn với thực hành

Bắt đầu từ năm 2012, Bệnh viện Việt Đức được chính thức công nhận đủ điều kiện đào tạo liên tục ngành y tế trong các chuyên ngành: ngoại khoa, gây mê hồi sức và chẩn đoán hình ảnh. Cũng chính từ đây, bệnh viện được giao đào tạo bác sĩ nội trú, BSCKI, BSCKII. Đào tạo liên tục nguồn nhân lực trong và ngoài bệnh viện, đào tạo gắn với hệ thống bệnh viện vệ tinh theo các hình thức tập trung, kèm cặp bao gồm các khoá đào tạo ngắn hạn để cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ thuật; đào tạo nâng cao chuyên môn đã gắn kết hài hoà giữa thực hành với đào tạo, nhờ đó, tay nghề của các bác sĩ ở tuyến dưới được cử đi học và học tại chỗ nâng cao rõ rệt.

Đơn cử như BVĐK tỉnh Thanh Hoá, do được thường xuyên hỗ trợ và cử bác sĩ đi học tại Bệnh viện Việt Đức cũng như được các bác sĩ tuyến trên về chuyển giao kỹ thuật nên số bệnh nhân nhập viện điều trị ngoại khoa năm 2014 tăng 4,21% so với năm 2013. Nhiều kỹ thuật cao như phẫu thuật thay khớp háng, nội soi khớp, phẫu thuật tạo hình khuyết hổng xương sọ… được thực hiện tại bệnh viện tỉnh, góp phần giảm chi phí ngoài y tế cho bệnh nhân. Đồng thời, những bệnh nhân có vết thương tim và các chấn thương phức tạp khác được cấp cứu điều trị có hiệu quả ngay tại chỗ góp phần giảm tải tuyến trên và giảm nguy cơ tử vong.

Như vậy, có thể thấy với sự chỉ đạo của Bộ Y tế cùng sự vào cuộc của Bệnh viện Việt Đức và nỗ lực từ các bệnh viện tuyến dưới đã cho thấy việc đào tạo, chuyển giao mạnh mẽ kỹ thuật từ tuyến trên về tuyến dưới đã tạo niềm tin nơi nhân dân ở các địa phương, giảm gánh nặng quá tải cho bệnh viện trung ương. Vấn đề là bên cạnh nỗ lực từ người học và sự tạo điều kiện thuận lợi nhất để đầu tư nguồn lực cho bệnh viện địa phương, cũng cần phải có giáo dục – truyền thông để người bệnh tiếp cận với dịch vụ y tế ở gần nhà với chi phí tiết kiệm nhưng vẫn đạt hiệu quả cao.

Thanh Huyền

 

 


Ý kiến của bạn