Ngày 5/3, tại Hà Nội diễn ra buổi thuyết trình với chủ đề “Y tế toàn cầu & Phát triển” của GS. Keizo Takemi, Thượng nghị sĩ Quốc hội Nhật Bản. Nội dung của buổi thuyết trình tập trung chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong lộ trình thực hiện Bảo hiểm Y tế (BHYT) toàn dân cũng như đối phó với già hoá dân số.
Chiều ngày 5/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xã giao GS. Keizo Takemi tại Phủ Chủ tịch. Cùng tiếp có Bộ trưởng Y tế PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến.
Bộ trưởng Y tế PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp Cựu Bộ trưởng Ngoại giao, nguyên Thứ trưởng Y tế Nhật Bản GS. Keizo Takemi
Trước đó, ngày 3/3, tại trụ sở Bộ Y tế, Bộ trưởng Y tế Việt Nam PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp Gs. Keizo Takemi. Tại buổi tiếp, Bộ trưởng cho biết hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình cải cách y tế, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe ban đầu, do đó cần nhiều đầu tư, đặc biệt là cho khu vực nông thôn. Điều này đòi hỏi một mạng lưới chính sách y tế công. Do đó, Việt Nam mong muốn được học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản trong thực hiện BHYT cũng như chính sách BHXH.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp GS. Keizo Takemi
Ngày 4/3, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp GS. Keizo Takemi. Cùng ngày, ông cũng thuyết trình tại buổi tọa đàm trao đổi kinh nghiệm quốc tế về BHYT toàn dân và chia sẻ chính sách của quốc hội Nhật Bản.
Sáng 5/3, tham dự sự kiện “Y tế toàn cầu& Phát triển” có Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam PGS. TS. Phạm Lê Tuấn, Trưởng đại diện WHO Takesi Kasai cùng đại diện các tổ chức quốc tế, và sinh viên từ 3 trường ĐH Y Hà Nội, ĐH Y tế công cộng, và ĐH Dược Hà Nội.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, PGS. TS. Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh vai trò của y tế đang ngày càng được nhìn nhận tích cực hơn và có xu hướng trở thành nhân tố quan trọng trong các tiến trình hội nhập, liên kết khu vực và toàn cầu. Thay mặt Bộ Y tế, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của Nhật Bản trong lĩnh vực y tế và bày tỏ, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác và hỗ trợ tích cực từ Quốc hội và Chính phủ Nhật Bản trong thời gian tới, đặc biệt trong lĩnh vực ngoại giao y tế toàn cầu và phát triển bảo hiểm y tế toàn dân. Việt Nam cam kết sử dụng và phát huy hiệu quả ở mức cao nhất tất cả các nguồn hỗ trợ quốc tế.
Ông Takeshi Kasai, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam nhấn mạnh Đại hội đồng Liên hợp quốc đã xác định y tế là một trong những trọng tâm của phát triển và đóng vai trò quan trọng. Trong đó, bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân là một mục tiêu cần phải đạt được trong quá trình phát triển toàn cầu. Bao phủ sức khỏe toàn dân sẽ đạt được khi mọi người dân có được các dịch vụ y tế họ cần mà không ảnh hưởng bởi khó khăn về tài chính.
GS. Keizo Takemi, nhà ngoại giao y tế toàn cầu hàng đầu trên thế giới, thuyết trình về BHYT toàn dân tại Hà Nội, ngày 5/3.
Trong bài thuyết trình, GS. Keizo Takemi nêu bật bao phủ sức khỏe toàn dân không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành y tế, mà cần có chính sách kinh tế vĩ mô. Để đạt BHYT toàn dân cần cam kết của Chính phủ cũng như các nguồn lực và khuôn khổ pháp lý do Quốc hội phê chuẩn. Chính sách BHYT toàn dân đã đưa ra những lợi ích hữu hình và phổ biến đối với các cử tri chính trị quan trọng. BHYTTD không chỉ yêu cầu các nguồn lực tài chính mà còn năng lực quản lý tài chính để tránh lãng phí và đạt hiệu quả nhất. Ưu tiên cho y tế trong ngân sách nhà nước, cùng với sự phát triển của kinh tế vĩ mô, là yếu tố quan trọng để mở rộng bao phủ. Đầu tư vào nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe ban đầu mang lại lợi ích cho chỉ số sức khỏe.
Ngoài ra, ông cũng chia sẻ các phương thức chi trả BHYT được áp dụng tại Nhật. Trong đó, người dân vùng nông thôn sẽ mua BHYT với giá thấp hơn ở thành thị nhưng chất lượng dịch vụ thì như nhau. Như vậy chính sách BHYT sẽ tác động đến thu nhập, mang lại an sinh xã hội.
Đối với già hóa dân số, không chỉ là nâng cao tuổi thọ mà còn là năm sống khỏe mạnh và đóng góp cho xã hội của người già. Điều này cần được thực hiện thông qua chính sách BHYT & BHXH cho người già để họ vẫn tiếp tục lao động và đóng góp cho xã hội.
Ở Nhật, thực hiện BHYT bắt buộc. Trước đây, hệ thống BHYT toàn dân của Nhật không chi trả cho kiểm tra sức khỏe ban đầu, nhưng hiện nay đã bắt đầu thay đổi và sử dụng nguồn tài chính BHYT cho khám sức khỏe. Sự phát triển của khối y tế tư nhân góp phần giảm gánh nặng cho tầng lớp trung lưu, trong đó thẻ BHYT sẽ được chi trả tại các cơ sở y tế tư nhân này.
Đó là mô hình hay mà Việt Nam có thể áp dụng trong 10-15 năm tới nhằm giảm quá tải bệnh viện, giảm chi phí đầu tư công. Đến tháng 5/2014, Quốc hội Việt Nam sẽ ra luật BHYT và luật BHXH nhằm bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Công tác Ngoại giao Y tế Toàn cầu của Việt Nam
Nhiều hội nghị thượng đỉnh về sức khỏe của Liên Hợp Quốc đã được tổ chức, như Hội nghị cấp cao Đại hội đồng LHQ về phòng chống các bệnh không lây nhiễm (9/2011, New York-Hoa Kỳ), Hội nghị cấp cao của LHQ về phát triển bền vững (6/2012, Rio de Janeiro-Brazil) trong đó xác định sức khỏe là then chốt cho phát triển bền vững. Ở cấp khu vực, hướng tới việc thành lập Cộng đồng ASEAN, 10 quốc gia thành viên ASEAN đã đặt mục tiêu xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội, trong đó nhấn mạnh tới các nội dung liên quan tới y tế là chăm sóc con người, phúc lợi và bảo hiểm xã hội.
Thứ trưởng Bộ Y tế PGS. TS. Phạm Lê Tuấn phát biểu tại buổi thuyết trình "Y tế toàn cầu và Phát triển"
Trong tiến trình hội nhập và liên kết đó, chính sách ngoại giao và chính sách y tế có mối quan hệ ngày càng chặt chẽ. Theo đó, ngoại giao y tế toàn cầu trở thành một trong những nội dung được các quốc gia ngày càng quan tâm và phát triển. Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, chủ động hội nhập quốc tế với phương châm “Việt Nam sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”, Ngành Y tế Việt Nam đã từng bước hội nhập và phát triển.
Với chính sách hội nhập và phát triển, Ngành Y tế Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực trong công tác ngoại giao y tế như: tổ chức thành công nhiều sự kiện y tế quốc tế quan trọng, nổi bật là Hội nghị WHO Khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 63 lần đầu tiên do Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội từ 24-28/9/2012. Việt Nam sẽ là nước chủ nhà của Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 12 vào năm 2014. Thêm vào đó, Bộ Y tế Việt Nam cũng đã tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế song phương và đa phương như: các Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN, Đại hội đồng Y tế Thế giới, Hội nghị Khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới, Hội nghị thưởng định APEC, CCM….
Thông qua hợp tác quốc tế, Ngành Y tế Việt Nam đã tiếp cận được nhiều nguồn tài chính và hỗ trợ kỹ thuật quý báu. Vốn ODA cho Ngành Y tế trong giai đoạn 1993-2012 đạt 2,5 tỷ USD, tập trung vào các dự án tăng cường cơ sở vật chất và kỹ thuật cho công tác khám và chữa bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, xây dựng cơ sở sản xuất kháng sinh, trung tâm truyền máu quốc gia, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, phòng chống HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm. Việt Nam cũng đã tiếp cận được nhiều công nghệ kỹ thuật cao về phát hiện, điều trị và dự phòng bệnh tật, cũng như các kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và phát triển hệ thống y tế. Bên cạnh đó, hàng trăm ngàn lượt cán bộ y tế Việt Nam trong những năm qua đã được ra nước ngoài tu nghiệp, tham dự các khóa đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo chuyên đề quốc tế. Rất nhiều chuyên gia quốc tế được tạo điều kiện thuận lợi đến Việt Nam làm việc và chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn. Công tác phòng chống dịch xuyên biên giới cũng được phát huy hiệu quả thông qua hợp tác quốc tế, góp phần vào bảo đảm an ninh y tế toàn cầu.
Lĩnh vực Bao phủ Y tế Toàn dân (Universal Health Coverage), đặc biệt là Bảo hiểm Y tế (BHYT) cũng nhận được sự hỗ trợ ngày càng tăng của các nhà tài trợ và các đối tác quốc tế, bên cạnh sự đầu tư của Chính phủ Việt Nam. Sau một số năm triển khai thực hiện đổi mới cơ chế tài chính, toàn bộ người nghèo đã được Chính phủ hỗ trợ mua thẻ BHYT và tăng mức hỗ trợ cho đối tượng cận nghèo là 70% mệnh giá bảo hiểm y tế, thay vì 50% như trước đây. Tính đến năm 2012 đã có 66,8% dân số tham gia BHYT (trên 59,31 triệu người). Hầu hết người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi cũng đã được cấp thẻ BHYT. Người tham gia BHYT được tiếp cận dịch vụ y tế ở tất cả các tuyến. BHYT toàn dân là một bước đổi mới quan trọng trong cải cách tài chính nhằm xóa bỏ bao cấp, huy động các nguồn lực của xã hội hướng tới nguồn tài chính bền vững và đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân Việt Nam. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức trong tiến trình thực hiện lộ trình BHYT toàn dân. Việt Nam mong muốn hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực này, đặc biệt là học tập kinh nghiệm của Nhật Bản về kiểm soát Quỹ BHYT.
Thế giới hiện nay đang biến đổi nhanh chóng, đặt ra nhiều thách thức về sức khỏe, đe dọa an ninh y tế toàn cầu. Những tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 và sự suy giảm nền kinh tế thế giới trong một số năm gần đây đã đẩy lùi thành quả phát triển y tế tại nhiều quốc gia, nhất là các nước đang phát triển. Do đó, việc tăng cường các nỗ lực của các quốc gia và quốc tế nhằm bảo đảm an ninh y tế toàn cầu, trong đó có việc quan tâm phát triển công tác ngoại giao y tế toàn cầu là hết sức quan trọng. Các mối quan hệ đối tác toàn cầu về phát triển cần được tăng cường, đặc biệt là duy trì nguồn ODA cho các nước đang phát triển, đi đôi với tăng cường các hoạt động hỗ trợ về tri thức, công nghệ chăm sóc sức khỏe từ phía các nước phát triển và các tổ chức quốc tế.
Trong thời gian qua, Nhật Bản là một trong những quốc gia đi đầu trong việc cung cấp các nguồn hỗ trợ tài chính cho các quốc gia và quốc tế. Hiện nay, Nhật Bản là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho Ngành Y tế Việt Nam. Các dự án hợp tác, sử dụng viện trợ không hoàn lại và hỗ trợ kỹ thuật của Chính phủ Nhật Bản rất toàn diện, hiệu quả, bền vững và đóng góp tích cực vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân Việt Nam như: tăng cường cơ sở hạ tầng bệnh viện, nâng cao chất lượng quản lý bệnh viện, năng lực chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân, mở rộng tiêm chủng, phòng chống bệnh truyền nhiễm, phát triển nguồn nhân lực y tế…
Là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản và cựu Thứ trưởng Y tế, Lao động, và Phúc lợi Xã hội Nhật Bản, trong nhiều năm qua, GS. Keizo Takemi đã đóng vai trò thực hiện nhiều cuộc cải cách y tế quan trọng, trong đó có thực hiện lộ trình BHYT toàn dân. Là một giáo sư về chính sách y tế quốc tế tại Đại học Havard, ông đã trở thành một nhà ngoại giao y tế toàn cầu và trình bày đề xuất của Nhật Bản về sức khỏe toàn cầu tại Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nước phát triển G8 tại Tokyo và đã để lại ảnh hưởng dài lâu về chính sách y tế toàn cầu, đẩy mạnh tăng cường hệ thống y tế. Ông cũng đã chia sẻ kinh nghiệm 50 năm BHYT toàn dân trên tạp chí Lancet.
Là con trai của một bác sỹ và nhà khoa học nổi tiếng Taro Takemi, người đứng đầu Hiệp hội Y khoa Nhật Bản trong vòng 25 năm, nhưng ông Keizo đã tham gia vào ngoại giao nhiều hơn là y khoa. Ông quan tâm tới cải cách hệ thống y tế, và đưa vào hệ thống bảo hiểm chăm sóc người cao tuổi vào năm 2000.
Chiến lược Ngoại giao Y tế toàn cầu của Nhật Bản
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Hokkaido Toyako G8 vào năm 2008, Nhật Bản đề xuất một hướng tiếp cận sức khỏe toàn diện, bao gồm củng cố hệ thống y tế. Chúng ta cần phải theo đuổi bao phủ y tế toàn dân (hay BHYT toàn dân) nhằm giải quyết các thách thức y tế toàn cầu nhằm cải thiện sức khỏe toàn dân, đặc biệt là phụ nữ và những đối tượng dễ bị tổn thương, thu hẹp khoảng cách tiếp cận dịch vụ y tế giữa người giàu và người nghèo. Thứ hai là đảm bảo dịch y tế cho tất cả mọi người, dịch chuyển từ tập trung vào bệnh sang lấy con người làm trung tâm. BHYT toàn dân do đó có thể đáp ứng nhu cầu sức khỏe sâu rộng của mọi người. Mục tiêu thứ 3 là cho phép các nước xem xét thách thức và thực hiện các chính sách y tế để đáp ứng các nhu cầu đa dạng với nguồn ngân sách hạn chế. BHYTTD là một cách hữu hiệu để đặt ra các ưu tiên về tài chính.
Con đường y tế toàn cầu mới này ở giai đoạn đầu và cần sự lãnh đạo chính trị mạnh mẽ. Chiến lược Ngoại giao Y tế toàn cầu đã được đưa ra vào tháng 5/2013. Sáng kiến chính sách ngoại giao và y tế toàn cầu, do Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Aba và Tổng thống Pháp Francois Hollande dẫn đầu dẫn tới một nghị quyết về BHYTTD được phê chuẩn tại Đại hội đồng LHQ lần thứ 67.
Nhật Bản dẫn đầu các cuộc thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh Kyushu Okinawa năm 2000 và hỗ trợ thành lập Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét.
Tại Hội nghị phát triển quốc tế châu Phi (TICAD) 6/2013, các đối tác quốc tế đã cam kết 500 triệu USD hỗ trợ tài chính cho y tế, trong đó có xây dựng nguồn nhân lực.
Tại châu Á, ASEAN là một cơ hội để các nhà đầu tư y tế làm việc cùng nhau, đặc biệt trong thúc đẩy BHYT toàn dân. Thành công của Nhật trong đạt được BHYTTD đã cải thiện bình đẳng trong hệ thống sức khỏe và kiểm soát chi phí y tế. BHYTTD góp phần nâng cao tuổi thọ, và mang lại sức khỏe tốt, giúp ổn định xã hội và giúp nhiều gia đình nghèo không khánh kiệt vì tiền chữa bệnh.
Tháng 4/2013, Quỹ Công nghệ Sáng kiến Y tế, một hình thức viện trợ nghiên cứu và phát triển y tế toàn cầu mới được thiết lập tại Tokyo. Công nghệ nên mang lại lợi ích sức khỏe cho mọi người. Nhật Bản sẵn sàng làm việc với khu vực tư nhân trong chiến lược hợp tác công tư và góp phần giúp các nước giải quyết các thách thức y tế toàn cầu.
Bích Vân (bài, ảnh, video)