Ngô - vị thuốc dân dã phòng trị nhiều bệnh

SKĐS - Ngô là lương thực quen thuộc, bổ dưỡng trong cuộc sống hàng ngày của người Việt. Ngô rất giàu dinh dưỡng với nguồn vitamin và khoáng chất dồi dào, từ lâu đã được Ðông y sử dụng để chế biến thành những món ăn thuốc chữa bệnh rất tốt.

Không chỉ hạt ngô mà nhiều bộ phận khác của cây ngô cũng được sử dụng làm thuốc phòng chữa bệnh.

Theo Đông y, ngô có vị ngọt tính bình, vào tỳ, vị. Trong Ẩm thực chính yếu viết: Ngô chủ yếu là bổ trung ích khí. Tỳ vị rất quan trọng đối với sinh mệnh (tỳ vị luận). Tỳ vị khỏe thì cơ thể khỏe... Sau đây là một số món ăn thuốc từ ngô.

Chữa đái tháo đường: râu ngô 100g, tụy lợn một cái nấu canh ăn. (Sách Y phương tâm kính).

Phòng trị bệnh tim mạch

Râu ngô nấu lấy 1 bát to nước (bỏ bã râu) nấu canh với tim lợn. Ăn một thời gian tim đỡ mệt hơn, dễ thở và ngủ ngon giấc hơn.

Chữa tăng huyết áp: Uống nước luộc từ râu, lõi, thân, cùi bắp của ngô đều lợi tiểu.

Chữa tiểu tiện buốt khó khăn, đỏ sẻn, sỏi thận, phù nề: Râu ngô, hoặc cùi ngô nấu nước uống.

Nước râu ngô trị chứng ợ chua, đầy bụng không tiêu, sa dạ dày.  Tuy nhiên, không dùng cho người bị loét dạ dày.

Nước râu ngô trị chứng ợ chua, đầy bụng không tiêu, sa dạ dày.  Tuy nhiên, không dùng cho người bị loét dạ dày.

Bổ thận tráng dương

Nước ngô rang: Hạt ngô nguyên vỏ (không xay xát) rang cho thật vàng rồi nấu lấy nước uống thay trà hàng ngày. Hoặc lấy nước đó nấu với thịt chim bồ câu, bồ dục, ngẩu pín, sò... tác dụng càng mạnh.

Hạt ngô nấu xương lợn: Xương lợn 1kg với 2 nắm ngô hạt, hầm nhừ, ăn. Tác dụng chữa yếu sinh lý. Nếu muốn hiệu quả cao hơn thì ăn kèm rượu thuốc, gồm: nhục thung dung 150g, câu kỷ tử 200g, đương quy 200g, nhân sâm 200g, dâm dương hoắc 100g, đại táo 20 quả.

Ngoài tác dụng bổ thận tráng dương, món này còn có tác dụng đại bổ nguyên khí, ăn ngon, ngủ tốt, lao động không mệt, da dẻ hồng hào, trẻ lâu.

Sản phụ ăn hạt ngô nấu với nước cơm rượu sẽ có sữa dồi dào nuôi con và ngực vẫn săn chắc. Nếu cho thêm đậu tương, đậu phộng (lạc) dùng chữa đau lưng.

Bệnh tiêu hóa

Bệnh gan mật, vàng da, có sỏi: Râu ngô, nhân trần mỗi thứ 30g, hãm hoặc sắc nước uống thay trà hàng ngày làm tăng tiết mật. Có thể dùng ruột cây ngô thay râu ngô.

Bệnh dạ dày: Ăn cháo ngô hạt, uống nước râu ngô. Trị chứng ợ chua, đầy bụng không tiêu, sa dạ dày. Lưu ý không dùng cho người bị loét dạ dày.

Nha chu viêm: Ăn dầu ngô ép (đã được sản xuất thành biệt dược).

Bệnh trẻ em

Mùa hè trẻ hay nóng sốt, háo khát, quấy khóc: Trẻ ho gà, ho trong và sau khi bị sởi: Dùng râu ngô nấu nước cho trẻ uống.

Trẻ tiểu ít đỏ sẻn: Lấy cùi ngô nấu nước uống. Có thể nấu cùng hạt bo bo (ý dĩ).

Trẻ biếng ăn, tiêu chảy phân sống: Ăn cháo ngô non nấu với cà rốt, hoặc cháo ngô đậu trắng (bạch biển đậu).

Trường xuân bất lão: Trên thế giới và ở Việt Nam, nhiều người thường xuyên ăn ngô để nguyên  hạt, đã thọ trên 100, tóc vẫn đen, răng vẫn chắc, mắt tinh, tai tỏ, da không nhăn, đi đứng vững vàng, không có các bệnh tim mạch, huyết áp...

Thân cây ngô, chặt đoạn, đập dập nấu nước uống giúp sức khỏe sung mãn, tóc lâu bạc, da hồng hào. Kết hợp dùng nước này tắm rửa thì da trắng hồng, không có nếp nhăn.

Trị bướu cổ đơn thuần và sốt rét ở các tỉnh miền núi: Ăn ngô cung cấp vitamin điều hòa tuyến giáp thay thế sắn sẽ có lợi do tránh được acid cyanhydric HCN có trong sắn và măng làm giảm hấp thu iot. Nấu canh ngô với cải xoong càng làm phong phú iot. Ăn ngô còn có tác dụng phòng chữa sốt rét (trừ đàm).

Hỗ trợ điều trị ung thư (K)

K dạ dày, tụy: Hạt ngô nghiền nhỏ 100g ninh nhừ thành cháo ăn. Tác dụng giảm đau.

K gan, đái tháo đường, tăng huyết áp: Râu ngô 60g, giảo cổ lam 60g, sắc nước uống thay trà hàng ngày.

Lưu ý: Khi dùng hỗ trợ điều trị ung thư (K), không tán ngô thành bột mịn vì sẽ làm mất phần có tác dụng kháng K và tác dụng chống độc của thuốc chữa K.

Bắp ngô non nên luộc không nướng và cũng không nên phết mỡ để nướng thêm tác hại của mỡ cháy.

Ngô mốc không ăn vì có thể gây K.


BS. Phó Đức Thuần
Ý kiến của bạn