Ngó sen - Vị thuốc nam giúp cầm máu, trị ho kéo dài

21-05-2022 13:37 | Vị thuốc quanh ta

SKĐS - Ngó sen là củ của cây sen, tính mát lành, vị ngọt, không độc, không chỉ giúp chế biến món ăn bổ dưỡng mà còn là vị thuốc trị ho kéo dài và cầm máu...

1. Ngó sen trị ho kéo dài

Tôi còn nhớ năm 1958-1959, hai con gái nhỏ của tôi, một đứa lên 3 và một đứa hơn 4 tuổi. Chúng bị lên sởi mới khỏi, nhưng ít ngày sau lại bị ho. Chúng ho lai rai, ho từng cơn, có lúc so vai rụt cổ, sặc sụa, nước mắt nước mũi dàn giụa, thót ruột, thót gan, đôi khi còn nghe tiếng đờm rít...

Tôi cho rằng bệnh ho của các cháu là do "dư tà" của nọc sởi còn lưu lại ở phế, gây nên ho kéo dài. Tỳ phế âm hư, rất dễ ho ra máu và viêm phế quản.

Ngó sen – vị thuốc nam điều trị có hiệu quả bệnh ho kéo dài - Ảnh 2.

Ngó sen chữa ho kéo dài.

Ngày đó thuốc Đông y còn khan hiếm, nên tôi dùng độ vị "liên ngẫu" (ngó sen) để chữa ho.

Ngoài ra, các vị thuốc từ cây sen còn gồm: Hạt sen (liên nhục), tâm sen, râu sen (liên tu), gương sen (liên phòng), lá sen (hà diệp) và kết tinh, tinh hoa của cây sen chính là hoa sen (liên hoa, hà hoa).

Tóm lại toàn bộ cây sen đều là vị thuốc cam hàn, bổ âm, nhất là ngó sen, mà bao đời nay, nhiều người thường mua hoặc đi đào lấy về nấu canh ăn cho mát bổ, hoặc có người còn tần ngó sen với sinh địa, hoài sơn, xương sườn lợn hoặc móng giò ăn cho bổ mát.

Cách chế biến: Ngó sen tươi (2 củ), cắt bỏ hai đầu củ, nếu có rễ bám thì cắt bỏ đi, rửa sạch; thái ra làm mấy đoạn, cho vào cối đá giã nhuyễn, rồi cho vào một cái xoong nhỏ, đổ 3 bát nước, cho thêm một ít đường kính vừa đủ, quấy đều, đun sôi lên chừng vài phút, lấy ra để nguội.

Cách dùng: Mỗi lần uống chừng một chén trà nhỏ, ngày uống 3 lần, sáng, chiều, tối; sẽ làm giảm ho.

Ngó sen tuy không độc, uống sống thì cam hàn, đun sôi lên để uống thì cam ôn. Do đó, khi khỏi bệnh thì thôi, không lạm dụng.

Ngó sen – vị thuốc nam điều trị có hiệu quả bệnh ho kéo dài - Ảnh 4.

Nước cốt quả lê trong bài Ngũ trấp ẩm trị ho kéo dài.

2. Bài thuốc cầm máu từ ngó sen

Ngó sen có tác dụng chỉ huyết tán ứ, chữa ho ra máu, nôn hoặc khạc ra máu, đổ máu cam, tiểu tiện hoặc đại tiện ra máu, băng huyết, uống vào nhuận tràng phế, sinh tân dịch.

Nếu mắc một trong các chứng nói trên, người ta thường dùng bài "ngũ trấp ẩm" (Sách ôn bệnh điều biện, trong đó có ngó sen), như sau:

  • Lễ trấp (nước cốt quả lê)
  • Bột tề trấp (nước cốt củ mã thầy)
  • Tiên vĩ căn (nước cốt rễ cây lau sậy tươi)
  • Mạch đông trấp (nước cốt vị mạch môn đông)
  • Ngẫu trấp (nước cốt ngó sen, hoặc nước mía).
Ngó sen – vị thuốc nam điều trị có hiệu quả bệnh ho kéo dài - Ảnh 5.

Củ mã thầy trong bài thuốc Ngũ trấp ẩm.

5 loại nước cốt này cùng trộn đều với nhau, uống lạnh. Nếu không thích uống lạnh, đun sôi lên uống ấm. Mỗi lần uống một chén tống quả hồng, liều lượng vừa phải. Công năng cam hàn (ngọt lạnh), sinh tân (tân dịch) chỉ khát. Trị ôn bệnh nhiệt nhiều, tân dịch ở phế và vị bị tổn thương, miệng khô khát nước, ho đờm rãi trắng dính khó chịu.

Phương giải bài thuốc: Trong bài thuốc, nước quả lê cam hàn bổ âm, nước củ "mã thầy" thanh nhiệt hóa đàm lương huyết; nước rễ cây lau sậy, nước mạch môn đông đều thanh nhiệt dưỡng âm; nước ngó sen dưỡng âm lương huyết và chỉ huyết (cầm máu). Các vị thuốc cùng phối ngũ với nhau để đạt được công hiệu bổ tân (tân dịch) thanh nhiệt, lương huyết hóa đàm.

Lưu ý: Bài Ngũ trấp ẩm nói trên, trong đó có vị ngẫu trấp (nước ngó sen, đều là vị thuốc hàn lương). Nếu ho thuộc dạng phong hàn, hoặc tỳ vị hư nhược hay đầy bụng, lạnh bụng hay bị tiêu chảy thì đều không được uống.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Hậu COVID- Phục hồi chức năng cho người mắc COVID-19 nhẹ và không triệu chứng

TTND.Lương y Trần Văn Quảng
Phó Tổng biên tập Tạp chí Đông y Việt Nam
Ý kiến của bạn