Các văn bản pháp quy của Nhà nước đã quy định rõ đối tượng trao giải thưởng Nhà nước (GTNN) và Giải thưởng Hồ Chí Minh (GTHCM) trong văn học nghệ thuật (VHNT) là tác giả của một hoặc nhiều công trình, tác phẩm có giá trị thuộc các ngành nghệ thuật khác nhau, nhưng những lúng túng và bất cập trong quan niệm về đối tượng trao giải đa khiến việc trao giải trong các lĩnh vực có nhiều mâu thuẫn, bất công và tùy tiện. Cho đến hôm nay, các ý kiến trên công luận và các văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý vẫn còn thể hiện sự mâu thuẫn và ngộ nhận về đối tượng trao giải, dẫn đến các vụ lùm xùm không đáng có quanh giải thưởng lớn này.
Mặc dù đã có hàng trăm nghệ sĩ điện ảnh hy sinh trong hai cuộc kháng chiến vừa qua và có nhiều bộ phim đoạt giải thưởng cao trong các LHP quốc tế nhưng các tác phẩm điện ảnh của 50 năm qua gần như bị gạt khỏi GTNN và GTHCM. Qua ba đợt xét tặng đầu tiên từ năm 1996 đến năm 2001, đã có tổng số 263 tác phẩm thuộc các loại hình VHNT được trao GTNN và GTHCM, trong đó Văn học có 74 GT; Mỹ thuật có 50 GT; Âm nhạc có 54 GT; Sân khấu có 22 GT; Múa có 31 GT… nhưng Điện ảnh chỉ được duy nhất 1 GTHCM mà không có GTNN.
Nguyên nhân sâu xa là các tiêu chí trao giải trong các văn bản pháp quy đã không được quy chế hóa, cụ thể hóa một cách rõ ràng, khoa học và nhất quán. Những người có trách nhiệm trao giải nói riêng và xã hội nói chung đã có những ngộ nhận và tùy tiện trong cách hiểu, cách vận dụng tiêu chí xét giải và trao giải.
Ngộ nhận 1- Đối tượng trao GTNN và GTHCM là tác phẩm chứ không phải tác giả
Thực ra, theo quy định của Nhà nước thì đối tượng trao giải vừa là tác phẩm vừa là tác giả. Pháp lệnh về Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước do Hội đồng nNhà nước ban hành ngày 4/6/1985 ghi rõ: “Giải thưởng được tặng cho một hoặc toàn bộ tác phẩm, công trình của một cá nhân hoặc của một tập thể… Người được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc Giải thưởng Nhà nước được cấp bằng chứng nhận, huy hiệu và một số tiền hoặc vật”. Nghĩa là đối tượng trao giải của GTHCM và GTNN thực chất là tác giả của một hoặc nhiều tác phẩm được Hội đồng giải thưởng đánh giá là xuất sắc đúng với tiêu chí mà Pháp lệnh đã nêu.
Ngộ nhận 2- Phim là của… biên kịch. Không có kịch bản, đố đạo diễn làm phim
Thông lệ, thế giới coi đạo diễn là tác giả của bộ phim, giữ bản quyền sáng tạo bộ phim đã đạo diễn. Biên kịch có bản quyền với kịch bản văn học của mình. Có nghĩa là nếu kịch bản ấy được mua để cho 10 đạo diễn làm lại thành 10 phim khác thì nhà biên kịch hưởng bản quyền kịch bản cả 10 lần. Song không thể coi nhà biên kịch là tác giả chính của 10 bộ phim khác nhau kia, các đạo diễn chỉ là tác giả ăn theo thôi.
Không, 10 bộ phim khác nhau kia là phim của 10 đạo diễn khác nhau. Dù đều lấy cùng một kịch bản làm chất liệu văn học, nhưng mỗi bộ phim là một thế giới riêng mang nhịp đập trái tim người đạo diễn với những ý tưởng riêng, những cảm xúc riêng, những thông điệp riêng và cá tính thẩm mỹ riêng của mỗi người. Cũng như cùng lấy một gốc sắn làm chất liệu tạc tượng, nhưng có người hình dung ra con ngựa, có người lại hình dung ra một vũ nữ ba lê trên sàn diễn vũ kịch Hồ thiên nga… Kẻ hình dung ra con ngựa thì sẽ bổ sung cái bờm hay cái đuôi mà theo mình còn thiếu, trong khi đó, người tưởng tượng ra vũ nữ lại có thể bổ sung thêm đôi cánh thiên nga tung bay, thậm chí lắp thêm cả một chiếc chân quan trọng của thiên nga - những thứ mà gốc sắn không có - để làm nên một thứ trụ cột của hình tượng mà mình mong sáng tạo. Ngay cả những người có chung ý tưởng sáng tạo ngựa hay sáng tạo thiên nga từ cùng một gốc sắn cũng có thể tạo ra những hình tượng khác nhau do họ có những xử lý riêng về tạo dáng, về màu sắc hay điểm nhấn. Chẳng lẽ bác nông dân bán gốc sắn lại là tác giả của cả ngựa xanh, ngựa đỏ, thiên nga tím, thiên nga đen và đống củi khổng lồ mà nghệ sĩ đã đẽo gọt vứt đi? Không, bác chỉ nên là người trồng sắn và người bán gốc sắn thôi! Nếu gốc sắn của bác trồng có tay nghề cao, luôn được các nghệ sĩ yêu thích vì tạo dáng phong phú, sinh động, gợi hứng nhiều ý tưởng sáng tạo, liên tục tạo ra các bức tượng lừng danh thì hiển nhiên bác cũng có thể được ghi trong sách Guiness với tư cách là người có kỷ lục sáng tạo chất liệu cho nhiều kiệt tác về điêu khắc. Thậm chí với thương hiệu của người cung cấp vật liệu, bác trồng sắn có thể tạo dựng một sự nghiệp khác lẫy lừng hơn, như cách nhà máy gạch Đồng Tâm đã làm. Nhà máy gạch Đồng Tâm không phải là chủ của tất cả các biệt thự chung cư xây bằng gạch Đồng Tâm nhưng họ là ông chủ xịn của đội bóng Đồng Tâm đấy nhé!
![]() Nhiều nghệ sĩ thất vọng về đề cử giải thưởng Nhà nước (Từ trái sang phải: NS Đoàn Bổng, Đinh Quang Hợp, nhà soạn nhạc Tạ Tường và NS Thế Song). |
Ngộ nhận 3 - Đạo diễn và diễn
viên có danh hiệu NSƯT và NSND rồi, GTNN và GTHCM là dành cho biên kịch
Đây là một quan niệm tùy tiện, sai tinh thần Pháp lệnh đã dẫn trên đây. Pháp lệnh quy định rõ đối tượng xét giải là tất cả “Các tác phẩm văn học, nghệ thuật, các công trình nghiên cứu lý luận phê bình đã được sáng tác và sử dụng dưới các hình thức xuất bản, kiến trúc, triển lãm, sân khấu, màn ảnh, phát thanh, truyền hình, giảng dạy, đĩa hát hoặc các hình thức khác”. Đạo diễn kịch đích thị là một đối tượng trao giải vì họ đã sáng tác và sử dụng tác phẩm dưới hình thức sân khấu, nhưng cách xét giải theo lối chia phần đã khiến họ bị gạt ra. Không thể cho rằng các nghệ sĩ đã có danh hiệu NSƯT, NSND thì không thể được GTNN và GTHCM nữa. Phong tặng danh hiệu và trao tặng giải thưởng là hai hệ thống vinh danh hoàn toàn khác nhau và độc lập với nhau, giống như sự khác nhau giữa học hàm và học vị trong khoa học, quân hàm và cấp bậc trong lực lượng vũ trang. Không thể phân phối học hàm học vị, quân hàm và cấp bậc theo lối bình quân rằng anh này có học vị tiến sĩ rồi để học hàm giáo sư cho anh kia thì mới công bằng. Có những người nói rằng: “Nếu vừa phong danh hiệu cho nghệ sĩ vừa trao Giải thưởng quốc gia cho anh ta thì anh ta sẽ được tôn vinh những hai lần cho cùng một sự nghiệp”. Những người nói thế chẳng khác gì một anh lính trong truyện cười khi anh ta nói với bác sĩ rằng: “Tôi bị thương hai lần, một lần ở đùi, một lần ở Tây Nguyên”.
Ngộ nhận 4 - Biên kịch điện ảnh không thể được phong tặng danh hiệu NSƯT hay NSND
Trên thực tế, các nhà biên kịch điện ảnh bị thiệt thòi đủ kiểu. Cũng mang danh là dân điện ảnh, tên để ngay đầu phim mà hầu như chẳng bao giờ theo phim đi dự các LHP quốc tế, bị gạt hoàn toàn ra khỏi hệ thống danh hiệu NSƯT, NSND. Nhà biên kịch sắc sảo Trịnh Thanh Nhã có lần tâm sự với báo chí đại ý là: “Trong điều kiện hiện nay, sáng tác kịch bản điện ảnh cũng còn nhiều bất cập, đạo diễn phá đi, thêm bớt, làm hay lên hoặc làm hỏng đi rất nhiều, nên phần GTNN và GTHCM có thể chỉ nên dành cho đạo diễn, nhưng nên phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND cho biên kịch”. Đúng vậy. Nếu như các nghệ sĩ hóa trang, phục trang và lồng tiếng động hiện nay đã có thể được phong NSƯT và NSND thì sao biên kịch và các thành phần chính khác như quay phim, họa sĩ, nhạc sĩ của phim lại không thể làm hồ sơ độc lập đề nghị phong tặng các danh hiệu trên?
Ngộ nhận 5 – Nhìn sáng tạo của đạo diễn để trao giải cho biên kịch
Không thể tước đi của biên kịch điện ảnh quyền tham dự các GTNN và GTHCM mà họ có. Điều 38 Luật Sở hữu trí tuệ cho phép các đồng tác giả sáng tạo ra tác phẩm quyền nhân thân và quyền tài sản đối với phần sáng tạo riêng biệt của mình trong một tác phẩm sáng tạo tập thể nếu phần này có thể tách ra sử dụng độc lập mà không làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác. Biên kịch hoặc quay phim, họa sĩ của những phim đoạt giải thưởng cao trong nước và quốc tế lại được các giải cá nhân cho phần sáng tạo của mình có thể làm hồ sơ đề nghị xét GTNN hoặc GTHCM cho cụm tác phẩm đã đoạt giải của mình.
Tuy nhiên, việc bóc tách phần sáng tạo của biên kịch ra khỏi bộ phim để thẩm định giá trị là rất khó. Lâu nay, các BGK thường chỉ trao giải cho biên kịch căn cứ vào phim. Nhưng trên thực tế, những sáng tạo đó (câu chuyện phim, tình tiết, chi tiết, nhân vật, hành động và lời thoại) nhiều khi là của đạo diễn. Có phim đạo diễn chỉ sử dụng khoảng 20% kịch bản được duyệt, thậm chí chỉ sử dụng kịch bản như cái đinh để treo cái áo của mình vào. Nhiều biên kịch sau khi xem phim phải rút tên. Do đó, cách xét giải kiểu này khiến cho nhiều khi biên kịch được nhận giải từ những sáng tạo của đạo diễn và các thành viên khác. Vì thế, trong đợt này, việc Hội Điện ảnh VN phối hợp với Hội Nhà văn VN cùng xem xét hồ sơ đề nghị xét GTNN của hai nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát và Lê Ngọc Minh để xem xét cả phim và cả kịch bản gốc là cách làm khoa học và hợp lý.
ĐỖ MINH TUẤN