Hà Nội

Ngỡ ngàng trước một “bảo tàng nhà quê”

17-03-2012 14:13 | Xã hội
google news

Bước qua khoảng sân khá lớn của hiệu ảnh Vinh Hoa tọa lạc tại 68 Quang Trung, TP. Bắc Giang, tôi vẫn không hình dung nổi có một “bảo tàng nhà quê” - theo cách gọi của nhiều người - với hàng nghìn mẫu vật đang được lưu giữ, trưng bày ở đây.

Bước qua khoảng sân khá lớn của hiệu ảnh Vinh Hoa tọa lạc tại 68 Quang Trung, TP. Bắc Giang, tôi vẫn không hình dung nổi có một “bảo tàng nhà quê” - theo cách gọi của nhiều người - với hàng nghìn mẫu vật đang được lưu giữ, trưng bày ở đây. Có “săm soi” thật kỹ cái “bảo tàng” đặc biệt này và được ngồi đàm đạo với ông Nguyễn Quang Mạnh, chủ nhân của các bộ sưu tập có một không hai, mới thấy những vật dụng tuy nhỏ bé - từ những chiếc bình vôi nhỏ, những gốc tre mộc mạc... cho đến những chiếc cối đá, những cái nơm - nhưng lại chứa đựng tâm hồn của làng quê Việt.

 Một góc trưng bày các hiện vật là đồ dùng được chế tạo bằng đá của người nông dân Bắc Bộ.

Cực hiếm…

Trong không gian sang trọng ở tầng một ngôi nhà 4 tầng rộng lớn, ngoài diện tích dành cho hàng chục nhân viên của hiệu ảnh Vinh Hoa làm việc, phần còn lại là vô số kệ, bàn, tủ kính dùng làm nơi trưng bày đủ các loại cổ vật. Ấn tượng ban đầu của tôi về gian trưng bày này chỉ gói gọn vào hai từ “choáng ngợp”. Có lẽ phải mất cả ngày xem, nghiên cứu, tìm hiểu mới có thể khám phá được phần nào lai lịch, nội dung, giá trị lịch sử từng hiện vật gồm đồ gốm sứ, đồ đồng và đặc biệt nhất là sưu tập các loại đèn. Ông Nguyễn Quang Mạnh - người được giới chơi đồ cổ xứ Bắc đặt cho biệt danh là “người gàn dở” vì lối ăn mặc, sinh hoạt cũng như “gu” sưu tầm khác người - bảo: “Tôi đã phải dành mấy chục năm lặn lội vất vả mới có được các bộ sưu tập hiện vật này. Nhưng nếu chỉ sưu tầm để đấy thì cũng chẳng có ý nghĩa gì vì một lẽ giản đơn: Ai cũng biết cần bảo vệ vốn cổ nhưng phải hiểu cái gì đáng giữ và có hiểu đúng, hiểu sâu ý nghĩa, giá trị từng món thì mới yêu, trân trọng và bảo vệ chúng được…”.

Vừa dẫn chúng tôi tham quan các cổ vật, ông Mạnh vừa giảng giải về lịch sử, nguồn gốc các loại đồ gốm Việt, có cả đồ cổ của Trung Quốc, Thái, Nhật nhưng nhiều nhất là vật dụng sinh hoạt của dân thường, quan, vua (đồ ngự dụng), trong đó có cả những món có từ cách đây nhiều thế kỷ. “Tôi có những thứ cực hiếm và quý. Có thứ quý vì hiếm nhưng có thứ quý nhưng không hiếm…” - ông Mạnh tỏ vẻ tự hào. Rồi ông “khoe” ba món đồ vừa “cực hiếm”, vừa “cực quý” gồm một cái mác, một thanh kiếm cổ và một khẩu súng kíp đã ngả màu đen…
 
 Khu trưng bày dụng cụ làm nông.
Theo ông, đó là ba bảo vật tương truyền gắn với cụ Đề Thám và nghĩa quân mà ông “lùng” được trong một chuyến săn ảnh ở vùng Yên Thế. “Với tôi, các hiện vật có trong tay không phải là các cổ vật theo nghĩa thông thường, cho dù cũng như nhiều người sưu tầm đồ cổ khác, tôi không bao giờ “tách rời” ý nghĩa văn hóa - lịch sử ra khỏi hình hài của chúng. Trong tâm khảm của tôi, các cổ vật thiên thu đó vẫn sống, nói theo nghĩa đen. Chẳng hạn, trong môi trường khí hậu tự nhiên, các món đồ sứ Tàu có từ đời Đường vẫn sống động, lung linh vốn dĩ vẫn thế. Còn các loại đồ sứ Việt dường như vẫn “lên huyết” ở những vết rạn của men sứ… Đặc biệt, với những vũ khí của nghĩa quân Đề Thám kia, cứ mỗi lần quan chiêm chúng, tôi như “nghe” thấy không khí hào hùng của tiếng trống giục, quân reo…”.
 
Cũng theo ông Mạnh, có một điều đáng nói là nhiều đồ đồng, đá, gốm, sứ Việt Nam được thợ Việt làm cho sinh hoạt người Việt (ché, tượng, cồng, chiêng, trống, cột đình, cuốn thư...) mà ông sưu tập được nhìn cũng rất khéo léo, có món tinh xảo hơn cổ vật của Tàu. “Đào bới đến tận cùng lai lịch, công dụng, đặc điểm từng món hiện vật”, tôi như hình dung được những tiếng nói, tiếng cười, những cuộc đời, số phận mà nếu không hiểu lịch sử, hiểu xã hội, văn hoá thì những chum, ché, bình, tượng kia cũng vẫn chỉ là gỗ đá cũ kỹ vô tri nằm lay lắt trên nghĩa trang, vệ đường, hè nhà, gậm giường” - ông Mạnh nói một cách văn hoa.
 Ông Nguyễn Quang Mạnh “trình diễn” công năng của cối xay bột thủ công.

… Và “cực dân dã”

Đưa chúng tôi lên tham quan nơi trưng bày hiện vật ở các tầng còn lại ở “bảo tàng nhà quê” của mình, ông chủ Nguyễn Quang Mạnh nhấn mạnh: “Giá trị của cổ vật không chỉ căn cứ vào tuổi tác, mà còn xuất phát từ ý nghĩa đời sống của nó và ở kiến thức, tri thức cảm nhận mà người đời nay hiểu về nó. Chính vì thế, không chỉ sưu tầm những thứ đồ có “tuổi thọ” cao, tôi còn đặc biệt chú ý đến việc lưu giữ các hiện vật có tính lưu giữ văn hóa…”. Rồi ông Mạnh diễn giải quan điểm của mình: Từ lâu, ông đã đặc biệt lưu tâm đến các vật dụng sinh hoạt của tầng lớp cư dân nông thôn vùng Bắc Bộ, từ các loại thúng, mủng, dần sàng, cối đá, cuốc, thuổng,  mai đào đất… cho đến cái điếu bát hút thuốc lào hay bộ sập gụ tủ chè.
 
Chẳng hạn như bộ sưu tập cối đá giã gạo chày đạp xưa, dù có nguồn gốc “không cổ lắm” nhưng tất cả đều đã mòn nhẵn qua thời gian và quá trình sử dụng. Hay như những cái nôi, cái chõng được làm từ tre, cái chạn bát mộc mạc được làm từ gỗ tạp vườn nhà, trông có vẻ xấu xí nhưng ẩn chứa trong lòng nó là cả một giá trị văn hóa mà có tiền cũng không mua được. “Chính những thứ này là hồn cốt, gắn bó với cuộc sống sinh hoạt của làng quê. Trong bối cảnh nếp sống, sản xuất, sinh hoạt ngày càng đổi khác, chắc chắn những đồ vật giản dị này sẽ bị mai một. Lưu giữ lại là việc nên làm” - ông Mạnh chia sẻ.
 
 Rất nhiều sinh viên, học sinh đến tham quan “bảo tàng nhà quê” (ảnh tư liệu gia đình do tác giả chụp lại).
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Mạnh cho biết, dù đã có trong tay một lượng hiện vật khá phong phú và đồ sộ nhưng ông vẫn không ngừng tìm kiếm, làm giàu thêm kho tàng của mình. “Dù nhiều người cho tôi là “gàn dở” hoặc “chơi trội”, nhưng tôi không ngán vì đã là người Việt Nam, ai mà chẳng sinh ra từ một miền quê nào đó, làm sao có thể dửng dưng trước những đồ vật đã một thuở gắn bó với ông bà, cha mẹ mình, gắn bó với tuổi thơ của chính mình?” - ông Mạnh khẳng định sau khi nói với chúng tôi kế hoạch phát triển “bảo tàng nhà quê” của mình. Theo đó, trong thời gian sắp tới, “bảo tàng nhà quê” sẽ được ông đổi mới trong việc sắp xếp thành từng nhóm, theo thời gian, theo từng vùng miền và công năng của chúng để người tham quan dễ phân tích, đối chiếu.
 
Cùng với đó, việc xây dựng lại hệ thống tư liệu cho từng món, từng loại, trước hết là các tập tài liệu, rồi đến phim, đĩa CD cũng sẽ được tính đến để khách đến xem sẽ tiếp cận ngay với tài liệu nghiên cứu và có thể luận bàn, hỏi han người giới thiệu hiện vật. Hệ thống tài liệu này sẽ rất hấp dẫn, bổ ích vì mỗi con chữ, mỗi hình ảnh trên giấy hoặc màn ảnh có thể hiện rõ ngay trước mắt qua hiện vật. “Mấy chục năm miệt mài để tập hợp chừng ấy “vật chứng” của lịch sử, của thời gian, bây giờ, dù có phải bỏ ra mười mấy năm nữa để tra cứu, truy tìm cho đầy đủ những gì phải hiểu về các hiện vật, tôi cũng sẽ phải gắng gỏi. Mấy chục năm cho hàng trăm năm, đáng để bỏ công quá đi chứ - để cống hiến cho lớp trẻ hôm nay, họ chỉ cần mấy ngày để xem, để hiểu và làm chủ phần nào tri thức của mấy chục năm, mấy trăm, thậm chí là hàng nghìn năm” - “người gàn dở” Nguyễn Quang Mạnh nói với chúng tôi trước khi chia tay. 

 Bài, ảnh: Hùng Bình


Ý kiến của bạn