Hà Nội

Ngỡ ngàng tranh cát

12-07-2012 11:43 | Văn hóa – Giải trí
google news

Xuất hiện ở Việt Nam khá muộn, từ giữa thập niên 90, tranh cát nhanh chóng trở thành một loại hình nghệ thuật được ưa chuộng, một vật phẩm quý dùng làm quà tặng trong giao tiếp.

(SKDS) -  Xuất hiện ở Việt Nam khá muộn, từ giữa thập niên 90, tranh cát nhanh chóng trở thành một loại hình nghệ thuật được ưa chuộng, một vật phẩm quý dùng làm quà tặng trong giao tiếp. Cao hơn nữa, tranh cát đã trở thành nét đặc sắc, giá trị thuần Việt được tôn vinh của “Đất nước bên bờ sóng”. Sự kiện nghệ thuật tranh cát độc đáo của Việt Nam được giới thiệu tại thành phố Birmingham, Anh vào ngày 7/7 trong chương trình Pure Art càng khẳng định giá trị phong phú của sản vật nghệ thuật công phu này.

Cát vẽ nên vẻ đẹp thuần Việt

Bắt nguồn từ một nghệ nhân người Huế, tranh cát phát triển và được thương mại hóa. Nếu với người bình thường, cát thường được sử dụng làm vật liệu xây dựng thì đối với nghệ sĩ vẽ tranh cát, đấy là loại màu vẽ tuyệt vời nhất. Tận dụng màu sắc tự nhiên phong phú như trắng, đỏ sậm, xám, vàng cộng với sự khéo léo, họ đã cho ra đời những bức tranh chân thực về phong cảnh, chân dung, con người trong lao động... Điều này đòi hỏi lao động nghệ thuật nghiêm túc, sáng tạo, kỳ công. Âm thầm sau những tác phẩm nghệ thuật, các nghệ nhân giấu mặt của tranh cát luôn gây bất ngờ, sửng sốt cho người thưởng lãm.

 Tranh cát “Thiếu nữ” được giới thiệu tại trang web tranh cát Ý Lan.

Một điều dễ nhận thấy trong các triển lãm tranh cát ở Việt Nam là những tác phẩm được giới thiệu phần lớn mang vẻ đẹp và cách thể hiện rất thuần Việt. Đó là tranh cát ba miền, tranh cát về lãnh tụ của Ý Lan, những bức tranh cát tiện dụng làm quà tặng của thương hiệu tranh cát Phi Long, Vạn Thiên Sa, Hồng Châu Sa, Kim Sa, Phương Vy... Tranh cát Việt Nam cũng trở thành loại hình trình diễn nghệ thuật được quan tâm tại các hoạt động văn hóa, nghệ thuật như cuộc thi Hoa hậu thế giới, tặng phẩm cho các nguyên thủ tham gia hội nghị Apec 2006...

Từ phản ánh hình ảnh thuần Việt, tranh cát cũng vươn ra họa lại những tác phẩm hội họa nổi tiếng thế giới, đơn cử là bức chân dung Nữ hoàng Anh được nghệ nhân Thúy Vân thực hiện đang được giới thiệu tại chương trình Pure Art. Kích thước lên tới 1,25m x 0,9m và có trọng lượng 160kg, bức tranh được sao chép lại từ tác phẩm tranh sơn dầu Elizabeth II của họa sĩ lừng danh nước Anh Leonard Boden, những người tham gia sự kiện đều rất thích thú trước bức tranh có chất liệu tự nhiên này.

Những biến tấu của cát

Cũng nằm trong khuôn khổ chương trình Pure Art, nghệ nhân vẽ tranh cát nổi tiếng Trí Đức cũng tham dự chương trình bằng một màn trình diễn vô cùng ấn tượng, kể về cuộc đời 60 năm trị vì của Nữ hoàng Anh kéo dài trong 30 phút. Kết hợp với âm nhạc, trình diễn tranh cát đặc sắc đã hớp hồn những người tham dự. Năm ngoái, trong đêm bế mạc Festival biển Nha Trang 2011, khán giả cũng cực kỳ “đã mắt” với phông nền khổng lồ trình chiếu những bức tranh cát vẽ đại dương, phố biển, những sinh vật biển, con sóng, rặng dừa dưới đôi tay tài hoa của nghệ nhân Trí Đức.

Ngày Phụ nữ Việt Nam vừa qua, những khán giả yêu nhạc cũng được đã mắt với phần minh họa video clip Nhật ký của mẹ gây sốt đến tận bây giờ. Đó là những bức tranh cát tái hiện lại quá trình sinh ra và lớn lên của một con người. Đặc biệt, qua phần thể hiện của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung với sự hỗ trợ của nghệ nhân Trí Đức, những đường nét hài hòa, sống động, biến hóa của tranh cát đã hỗ trợ đắc lực cho phần nhìn của video clip, khiến giọng hát của ca sĩ Hiền Thục càng được thăng hoa.

Trên thế giới, tranh cát được sử dụng vào nhiều mục đích. Bộ tộc Navajo ở Nam Mỹ coi tranh cát là vật phẩm rất linh thiêng được sử dụng trong các nghi lễ nghiêm ngặt. Tranh cát càng được thế giới biết đến và trân trọng sau khi video clip nữ nghệ sĩ Kseniya Simonova trình diễn bức tranh cát về những mất mát hy sinh sau cuộc chiến tranh vệ quốc của quê hương cô. Kết hợp với chuyện kể, màn trình diễn đã gây xúc động và sự hưởng ứng lớn từ phía công chúng.

Dù đã có nhiều thành tựu, tranh cát chưa gần gũi với đại bộ phận người bình dân Việt. Đưa loại hình nghệ thuật này hòa nhập vào đời sống người dân, các hoạt động gìn giữ, phát triển, truyền nghề sẽ giúp tranh cát ngày càng phát triển, khẳng định được giá trị của một loại hình nghệ thuật tinh hoa, độc đáo.          

Sa Huy


Ý kiến của bạn