Nhưng khi thông báo kết quả, bệnh nhân lại rất bất ngờ, không tin mình bị bệnh xã hội, vẫn nghĩ các đối tác của mình là “rau sạch” và mình chỉ bị viêm bao quy đầu thông thường.
Thanh niên này cũng không biết chính xác mình bị lây bệnh từ cô người yêu nào nữa.
Bạn biết gì về bệnh giang mai?
Tác nhân gây bệnh là xoắn khuẩn giang mai (Treponema pallidum) do Schaudinn và Hauffman tìm ra vào năm 1905. Xoắn khuẩn này có hình lò xo, bao gồm 6-14 vòng xoắn.
Sức đề kháng của xoắn khuẩn này rất yếu, ra khỏi cơ thể nó sống được không quá vài giờ. Bệnh lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, ngoài ra có thể lây qua đường máu, từ mẹ sang con khi sinh.
Để chẩn đoán giang mai, có thể soi tươi dịch tổn thương (khả năng âm tính giả cao) hoặc xét nghiệm máu tìm kháng thể giang mai đặc hiệu (độ nhạy và độ đặc hiệu cao).
Bệnh giang mai dễ dàng chữa khỏi ở giai đoạn đầu, bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng với nhiều biến chứng nguy hiểm khi phát triển nặng.
Giang mai nếu không điều trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như đau đầu, đột quỵ, viêm màng não, mất thính lực; sa sút trí tuệ, mù lòa, hỏng van tim, nguy cơ nhiễm HIV cao gấp hai đến năm lần, tăng đáng kể nguy cơ sảy thai, thai chết lưu hoặc tử vong trẻ sơ sinh trong vòng một vài ngày sau khi sinh.
Do vậy các tổn thương nghi ngờ giang mai cần được chẩn đoán, điều trị thật sớm và bài bản, tránh những biến chứng nguy hiểm sau này.
Để phòng bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có giang mai, bác sĩ khuyến cáo cần thực hiện quan hệ tình dục an toàn; sử dụng bao cao su trong mỗi lần quan hệ tình dục; chung thủy một vợ - một chồng và thường xuyên kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm vấn đề bất thường.