Hà Nội

Ngộ độc thuốc nhỏ mũi naphazolin - Cảnh báo từ chuyên gia

14-09-2020 20:32 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Mới đây các bác sĩ Khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận 2 bé 3 tháng tuổi trong tình trạng lơ mơ, da tái, tay chân lạnh, nhịp thở không đều, nhịp tim chậm... được chẩn đoán ngộ độc cấp do sử dụng thuốc nhỏ mũi naphazolin. Vậy naphazolin là thuốc gì, tại sao lại nguy hiểm với trẻ nhỏ?

Thuốc nhỏ mũi là một thuốc khá thông dụng, bán không cần kê đơn trên thị trường, vì vậy nhiều người tự truyền tai nhau về các tên thuốc mà mình được nghe... rồi tự đi mua về dùng.

Các biến cố có thể gặp khi sử dụng thuốc nhỏ mũi

Các biến cố bất lợi có thể xảy ra như:

Ngộ độc: Naphazolin là thuốc có tác dụng làm co mạch tại chỗ nhanh và kéo dài, giảm sưng và sung huyết khi nhỏ hoặc xịt thuốc vào niêm mạc mũi. Nếu sử dụng quá liều (khi dùng tại chỗ liều cao hoặc uống nhầm) có thể gây ức chế hệ thần kinh trung ương biểu hiện bằng hội chứng xanh tím: hạ nhiệt, tim đập chậm, ra mồ hôi, buồn ngủ, co giật, hôn mê, đặc biệt ở trẻ em.

Naphazolin là một dẫn chất imidazolin có tác dụng giống thần kinh giao cảm, khi nhỏ thuốc vào niêm mạc mũi, thuốc kích thích trực tiếp lên thụ thể alpha adrenergic ở các tiểu động mạch nên có thể gây co các mạch máu não, trong đó có mạch não giữa. Đây chính là nguyên nhân gây tử vong khi nhỏ naphazoline ở trẻ dưới 3 tuổi.

Viêm mũi do thuốc: Một số trường hợp nặng gây bệnh lý tại mũi do thuốc dẫn đến khó điều trị. Trong một số trường hợp còn phải thực hiện phẫu thuật cắt cuốn mũi vì khi sử dụng lâu dài, thuốc sẽ gây trơ hệ thần kinh giao cảm trên bề mặt của niêm mạc mũi dẫn tới không còn có tác dụng co mạch chống ngạt nữa.

Trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp bị ngộ độc do dùng thuốc này không đúng. Đa số các trường hợp biểu hiện ngộ độc thoáng qua rồi tự khỏi, một số trường hợp nặng hơn phải cấp cứu tại bệnh viện, và cũng đã có trường hợp trẻ dưới 3 tuổi tử vong do sử dụng thuốc co mạch nhỏ mũi này.

Bệnh cảnh lâm sàng thường gặp như: Sau khi cho trẻ nhỏ mũi (thường là naphazolin), trẻ có những triệu chứng xuất hiện sớm trong vòng 2 giờ: lừ đừ, ngủ gà, hôn mê (do ức chế hệ thần kinh trung ương); triệu chứng tim mạch do kích thích alpha giao cảm: tay chân lạnh, da xanh tái, tăng huyết áp, nhịp tim chậm (do kích thích hệ đối giao cảm); triệu chứng hô hấp: thở chậm, thở không đều, cơn ngừng thở (mất khi kích thích đau, khóc); trường hợp nặng có hạ thân nhiệt.

Cha mẹ cần hết sức cảnh giác khi dùng thuốc nhỏ mũi cho trẻ.

Cha mẹ cần hết sức cảnh giác khi dùng thuốc nhỏ mũi cho trẻ.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để ngăn ngừa các biến cố bất lợi do thuốc nhỏ mũi naphazolin, người bệnh nên tuân thủ việc dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc chuyên khoa, tuyệt đối không được tự ý dùng, nhất là đối với trẻ nhỏ.

Không nên tự dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh, nếu cần thiết phải dùng cần thận trọng theo đúng chỉ dẫn và theo dõi của bác sĩ.

Chỉ được dùng dung dịch naphazolin 0,05% cho trẻ em dưới 12 tuổi khi có chỉ dẫn và giám sát của thầy thuốc.

Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Dùng dung dịch 0,05%, nhỏ 1 - 2 giọt hoặc xịt vào mỗi lỗ mũi, 3 - 6 giờ một lần nếu cần.

Trẻ em 6 - 12 tuổi: Dùng dung dịch 0,025 hoặc 0,05% (dưới sự theo dõi của thầy thuốc). Nhỏ 1 - 2 giọt hoặc xịt vào mỗi lỗ mũi, 6 giờ một lần nếu cần.

Để chống ngạt mũi: Thời gian dùng thuốc naphazolin không nên quá 3 - 5 ngày.

Không dùng thuốc cho người mẫn cảm với naphazolin hoặc với bất cứ thành phần nào của thuốc, không sử dụng cho người bị bệnh glôcôm, glôcôm góc đóng.

Không nên dùng nhiều lần và liên tục để tránh hiện tượng quen thuốc. Khi dùng thuốc nhỏ mũi naphazolin liên tục 3 ngày không thấy đỡ, người bệnh cần ngừng thuốc và đi khám bác sĩ hoặc khi có biểu hiện hấp thu toàn thân như nhức đầu, buồn nôn, hạ thân nhiệt trong quá trình dùng thuốc nhỏ mũi naphazolin thì cần ngừng thuốc ngay và đi khám bác sĩ.

Thận trọng khi dùng cho những người bị cường giáp, bệnh tim, bệnh động mạch vành, chứng xơ vữa động mạch não, bệnh hen phế quản, tăng huyết áp hoặc đái tháo đường, người đang dùng các chất ức chế monoamin oxidase.


PGS.TS.BS. Phạm thị Bích Đào
Ý kiến của bạn