Ngộ độc thực phẩm rình rập trẻ quanh năm

08-11-2018 13:25 | Đời sống
google news

SKĐS - Mỗi ngày, khoa Cấp cứu BV. Nhi Đồng 1 tiếp nhận từ một đến vài trường hợp ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, nhiều bé nhập viện trong tình trạng rất nặng.

Mới đây nhất vào ngày 28/10,  các bác sĩ khoa Cấp cứu BV. Nhi Đồng 1 đã phải huy động toàn bộ các bác sĩ trực trong ngày cuối tuần để tiếp nhận 11 ca ngộ độc từ 6 đến 12 tuổi đến từ BV. Quận Tân Phú. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhập viện tập thể là do thức ăn.

Kể lại cho các bác sĩ, các bệnh nhi nhà ở quận Tân Phú cho biết cảm thấy đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy chỉ vài giờ sau khi ăn bánh mì kẹp chà bông (ruốc), cùng thịt nguội và rau cải. Việc lấy mẫu kiểm tra đã được tiến hành, tuy vẫn chưa có kết quả chính thức, song căn cứ vào những triệu chứng lúc nhập viện, các bác sĩ khẳng định toàn bộ các bé đều bị tiêu chảy cấp và rối loạn tiêu hóa.

Nhận định về tình hình ngộ độc thức ăn, BS. Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, BV. Nhi Đồng 1 cho biết, tuy rất ít trường hợp ngộ độc tập thể, thế nhưng mỗi ngày khoa Cấp cứu đều tiếp nhận từ một đến vài trường hợp. Phần lớn bệnh nhi bị tiêu chảy cấp hoặc rối loạn tiêu hóa liên quan đến việc chế biến, bảo quản và sử dụng thức ăn không đảm bảo vệ sinh.

Ngộ độc thực phẩm rình rập trẻ quanh năm

Ngộ độc thực phẩm

Theo BS. Phương, nhiều phụ huynh đưa con đến bệnh viện cấp cứu nhưng vẫn không nghĩ con mình bị ngộ độc bởi không ăn thức ăn ôi thiu, thế nhưng trên thực tế, tất cả những loại thức ăn đều có nhiều nguy cơ bị nhiễm bẩn. Ngoài nhiễm vi khẩn, thức ăn còn có thể nhiễm  hóa chất, đặc biệt hóa chất bảo quản, phụ gia và chất bảo vệ thực vật đều là những nguyên nhân dẫn đến ngộ độc.

Nguy cơ ngộ độc thức ăn đặc biệt được quan tâm vào mùa nắng nóng bởi nhiệt độ cao từ 30 - 350C là điều kiện tốt để thức ăn bị vi khẩn tấn công. Tuy nhiên khả năng thực phẩm nhiễm bẩn vẫn có thể xảy ra quanh năm, thậm chí thức ăn bảo quản trong tủ lạnh vẫn chưa chắc an toàn, chính vì thế không nên chủ quan.

Về nhóm thực phẩm dễ gây ngộ độc, thực tế cho thấy thực phẩm được ủ hoặc lên men dễ bị nhiễm khuẩn hơn nhóm còn lại, tuy nhiên loại thức ăn nào cũng có thể bị nhiễm bẫn nếu không được chế biến và bảo quản an toàn. Chính vì thế nếu muốn giảm nguy cơ ngộ độc thì thức ăn phải được nấu chín và tốt nhất là phải dùng ngay.

Biểu hiện đầu tiên của ngộ độc thực phẩm là ói, nhức đầu, đau bụng, tiêu chảy, nặng hơn có thể trụy hô hấp, trụy tim mạch. Trước trường hợp như thế, điều đầu tiên là không để mất nước bằng cách bù nước, sau đó đưa đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí như rửa dạ dày, thải độc, dùng chất trung hòa, truyền dịch, xét nghiệm tìm nguyên nhân nhằm giảm khả năng tử vong.

Theo Bộ Y tế, trẻ em bị ngộ độc thức ăn, ngộ độc thực phẩm nhẹ thường có biểu hiện buồn nôn, đau bụng, nôn nhiều lần, tiêu chảy kèm theo sốt, khô môi, khát nước, thở nhanh, mệt lả… Ngộ độc thực phẩm rất dễ được phát hiện ra, vì biểu hiện của ngộ độc thường xảy ra sau khi ăn hay uống một thực phẩm bị nhiễm độc thường là một vài giờ hoặc vài ngày sau đó. Người bị ngộ độc thường có cảm giác buồn nôn và nôn ngay, có khi nôn cả ra máu, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần (phân, nước tiểu có thể có máu) có thể không sốt hay sốt cao trên 380C. Các triệu của ngộ độc thực phẩm thường rất nặng ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm nôn và đi ngoài nhiều lần sẽ bị mất nước, mất điện giải, trụy tim mạch rất dễ dẫn đến sốc nhiễm khuẩn nếu nguyên nhân do vi khuẩn gây nên. Vì thế phải rất lưu ý đến những dấu hiệu mất nước mà biểu hiện rõ nhất là nôn nhiều trên 5 lần, đi ngoài phân lỏng trên 5 lần, sốt cao, khô miệng, khô môi, mắt trũng, khát nước (cần lưu ý ở người già hay bị mất nước nặng lại không kêu khát nước do tuổi cao làm mất cảm giác khát); mạch nhanh, thở nhanh, mệt lả, có thể co giật, nước tiểu ít, sẫm màu.

Cách xử lý khi trẻ bị ngộ độc thức ăn, ngộ độc thực phẩm

Khi trẻ có những dấu hiệu bị ngộ độc thức ăn, phải ngừng ngay không ăn món đó nữa. Hết sức chú ý những lúc trẻ bị nôn và cả lúc đang ngủ. Bởi ở nhiều em bé đang ngủ thiếp đi vì quá mệt cũng bị nôn vọt, và nôn trong tư thế nằm như vậy rất nguy hiểm, có thể bị sặc lên mũi, xuống phổi. Khi nôn bị sặc lên mũi, người lớn phải nhanh chóng dùng miệng hút mũi trẻ nếu không trẻ sẽ bị sặc, khó thở và có thể dẫn đến tử vong.

Bổ sung oresol cho trẻ là cần thiết nhưng phải đúng cách. Khi nôn, đi ngoài trẻ mất nước, rối loạn điện giải. Nếu không được bù nước, điện giải bằng oresol trẻ sẽ dần mệt lả, mất nước trầm trọng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng cần nhớ nguyên tắc, pha oresol theo đúng hướng dẫn, uống từ từ, ít một, không uống quá nhiều cùng một lúc.

Nhiều trường hợp thấy con đi ngoài quá nhiều, lo sợ con mất nước, bố mẹ pha cốc oresol 200ml bắt con uống bằng hết khiến bé lại nôn vọt ra ngoài, không thể bù đắp nổi tình trạng thiếu nước. Cũng có những trẻ kiên quyết mím chặt miệng không chịu uống oresol mà “yêu sách” bằng các loại nước khác như nước ngọt có gas… cha mẹ tuyệt đối không được thỏa hiệp với trẻ. Bởi uống những loại nước này vào ,tình trạng đi ngoài sẽ càng trầm trọng hơn. Ngay cả nước lọc cũng không phải là lựa chọn tốt bởi chỉ giúp trẻ cảm thấy đỡ khát nhưng không có tác dụng bù điện giải. Cũng cần nhớ, nếu uống oresol theo nguyên tắc ít một nhưng mỗi lần uống bé vẫn bị nôn, rồi tình trạng đi ngoài quá nhiều hãy nhanh chóng đưa con tới viện để được bù nước, điện giải bằng truyền dịch.

Ăn cháo loãng thịt nạc nấu với cà rốt (hoặc khoai tây, bí đỏ và một ít chuối xanh). Đây là những loại rau củ giúp tạo khuôn cho phân, giúp em bé đi ngoài phân đặc hơn, tình trạng mất nước đỡ trầm trọng hơn. Tuy nhiên, nếu bé quá mệt, không muốn ăn cha mẹ cũng không cần quá lo lắng. Thậm chí cả ngày không ăn nhưng được bù đủ nước, bù điện giải, bé cũng không quá mệt. Nói như vậy để nhấn mạnh, khi trẻ bị đi ngoài vì ngộ độc thực phẩm, việc bù nước, bù điện giải là quan trọng nhất còn ăn uống chỉ là thứ yếu.

Lời khuyên của thầy thuốc
Không dùng thuốc cầm tiêu chảy: Cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ dùng thuốc cầm tiêu chảy. Tiêu chảy do nguyên nhân ngộ độc thức ăn, không quen thức ăn hoặc ăn cùng một lúc những món kỵ nhau… không cần vội uống thuốc ngay, chỉ cần nguồn thức ăn này được tống hết ra ngoài là bệnh sẽ khỏi. Trong nhiều trường hợp, uống thuốc cầm đi ngoài càng khiến vi khuẩn, độc tố gây ngộ độc thực phẩm lưu lại trong hệ tiêu hóa lâu hơn, khiến người bệnh đầy hơi, chướng bụng, đau bụng vô cùng khó chịu.
Đặc biệt lưu ý việc tự ý cho uống thuốc bởi mọi thuốc cầm tiêu chảy phải có chỉ định bác sĩ, nếu không có thể làm cho bệnh nặng thêm.


THIÊN CHƯƠNG
Ý kiến của bạn