Ngộ độc thực phẩm- Làm sao tránh

11-12-2019 08:01 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Ngộ độc thực phẩm hay còn gọi là ngộ độc thức ăn là các biểu hiện bệnh lý xuất hiện sau khi ăn, uống phải những loại thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây ngộ độc hoặc thức ăn bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, phụ gia...

Nhận biết các dấu hiệu ngộ độc

Ngộ độc thức ăn do vi khuẩn Salmonella

Khi bị nhiễm salmonella, mùi vị thức ăn không hề thay đổi nên rất khó phát hiện. Những thức ăn dễ nhiễm khuẩn salmonella như thịt gia súc, gia cầm, trứng, sữa, cá, thịt băm nhuyễn, trứng gà, gan gà…

Khi ăn phải thức ăn nhiễm salmonella khoảng vài giờ đến 1 ngày sau người bệnh sẽ có các triệu chứng: Đau bụng, nôn, tiêu chảy, sốt, suy nhược cơ thể. Nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Đây là tình trạng hay gặp trong các vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể như ở các trường học bán trú, các công ty các buổi liên hoan, hiếu, hỉ…

Ngộ độc thức ăn do vi khuẩn E. coli

Vi khuẩn E.coli thường nhiễm vào đất, nước… từ phân của động vật. Khi nhiễm vi khuẩn này thông qua đường thức ăn, người bị ngộ độc sẽ có các triệu chứng: Đau bụng dữ dội, đi phân lỏng nhiều lần trong ngày, ít khi nôn mửa, thân nhiệt có thể hơi sốt. Trường hợp nặng bệnh nhân có thể sốt cao, người mỏi mệt, chân tay co quắp đổ mồ hôi.

Ngộ độc thực phẩmThực phẩm chưa nấu chín hoặc ôi thiu dễ gây ngộ độc cho người ăn.

Ngộ độc do thức ăn bị biến chất, ôi thiu

Thông thường khi con người ăn những loại thức ăn có nguồn gốc từ động vật, thức ăn chưa được nấu chín kỹ, các món gỏi, rau sống chưa được rửa sạch, các thức ăn biến chất, ôi thiu, ươn, bị bốc mùi… sẽ rất dễ có nguy cơ bị ngộ độc.

Các thức ăn như thịt, cá biển tươi hoặc đóng hộp, tôm, tép, sò huyết, nghêu… bị biến chất khi chưa nấu chín hoặc bị ôi thiu sau khi chế biến sẽ sinh ra histamin, gây ngộ độc cho người ăn.

Người bị ngộ độc có dấu hiệu choáng váng, đau bụng, tiêu chảy, nóng bừng mặt, ngứa ngáy ở cổ và mặt, chảy nước mắt ngay sau khi ăn vài giờ đồng hồ. Người bệnh phải được cấp cứu và giải độc kịp thời tại các đơn vị y tế.

Phòng tránh thế nào?

Việc phòng tránh ngộ độc thực phẩm là cả một quá trình từ việc chọn thực phẩm đảm bảo, bảo quản thực phẩm chưa chế biến (đông lạnh, ướp muối...) hoặc đã chế biến (đậy, hâm, ướp lạnh...) đến quá trình giữ vệ sinh trong khâu chế biến, khi ăn uống cho đến các biện pháp phòng ngừa khi ăn ở ngoài. Cụ thể:

Chọn thực phẩm tươi, sạch; thực hiện ăn chín, uống sôi; không để thức ăn sống lẫn với thức ăn chín; thức ăn đã nấu chín nên ăn ngay (trong 2 giờ đầu), phải được bảo quản đúng cách, đun kỹ trước khi sử dụng lại; không sử dụng thức ăn quá hạn, bị ôi thiu; rửa sạch tay trước khi chế biến, giữ vệ sinh trong quá trình chế biến; khám sức khỏe định kỳ…

Khi đi ăn ở ngoài (ăn quán, cơm bụi, hàng rong, quà vặt, ăn chè, sinh tố... ở các quán cóc ven đường) cần chú ý không ăn ở những quán quá ẩm thấp, bụi bẩn, bàn ghế, bát đũa không sạch sẽ. Khi vào quán nên quan sát khu bếp, khu chế biến và nơi bảo quản thực phẩm có đảm bảo vệ sinh, an toàn. Nếu muốn thử một món lạ, nên hỏi rõ thành phần của món ăn, tránh những thứ có thể gây ngộ độc, chọn các món còn nóng. Không nên gọi món sống hoặc tái, các món rau trộn khi đi ăn ở bên ngoài. Dùng đồ uống của các nhà sản xuất có uy tín, nhớ xem kỹ hạn sử dụng trước khi dùng. Nên cảnh giác với các loại rượu dân tộc, rượu ngâm, đồ uống tự chế vì nếu các loại đồ uống này không đảm bảo vệ sinh rất dễ gây hại cho sức khỏe.


BS. Ngọc Bích
Ý kiến của bạn