Ngộ độc thực phẩm do Salmonella: Coi chừng biến chứng nguy hiểm

30-05-2018 21:57 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Những ngày đầu tháng 5 vừa qua ở bản Nà Mện, xã Nậm Ty, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, sau khi ăn cỗ cưới, đã có tới hơn 300 người bị ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Salmonella (vi khuẩn thương hàn) gây ra.

Vì vậy, mùa nắng nóng đã đến cần hết sức cảnh giác với loại ngộ độc thực phẩm này bởi có thể làm cho nhiều người bị mắc bệnh và bệnh rất trầm trọng, nếu xử trí không kịp thời có thể gây tử vong.

Đặc điểm của vi khuẩn thương hàn

Vi khuẩn Salmonella gây bệnh cho những người chưa có miễn dịch hoặc miễn dịch. Sau khi vi khuẩn thương hàn vào trong cơ thể, một số vi khuẩn bị chết sẽ giải phóng ra nội độc tố. Nội độc tố rất độc hại làm tổn thương ruột (kích thích ruột gây đau bụng, làm chảy máu, hoặc có thể gây thủng ruột), đồng thời nội độc tố đi vào máu đến hệ thần kinh trung ương làm tổn thương thần kinh và nhiễm độc toàn thân. Bên cạnh đó, vi khuẩn thương hàn có thể đi vào máu gây nhiễm khuẩn huyết rất nặng.

Bệnh lây từ người này sang người khác theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống bị nhiễm vi khuẩn chưa được đun nấu chín.

Bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: T.LY

Bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: T.LY

Biểu hiện khi ngộ độc thực phẩm do nhiễm vi khuẩn thương hàn

Khoảng 12 - 72 giờ sau ăn, uống phải vi khuẩn thương hàn, người bệnh sẽ xuất hiện đột ngột sốt cao liên tục (39 hoặc 40oC), mệt mỏi, kèm theo đau bụng quằn quại hoặc âm ỉ, sôi bụng và trướng bụng là triệu chứng thường thấy. Đau bụng thường xuất hiện ở hố chậu phải, đi ngoài phân lỏng sền sệt, màu vàng nâu, rất khắm, khoảng 5-6 lần/ngày (hoặc một số người lớn có thể bị táo bón), các trường hợp này cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám và cấp cứu kịp thời.

Một số trường hợp sang tuần thứ hai có biểu hiện của nhiễm độc thần kinh (nhức đầu, mất ngủ, ác mộng, ù tai, nói ngọng), nặng hơn, bệnh nhân tay run bắt chuồn chuồn hoặc nằm bất động, vẻ mặt thờ ơ, đờ dẫn, li bì, mê sảng, hôn mê. Một số trường hợp xuất hiện phát ban nhỏ, bằng phẳng ở ngực, bụng, mạn sườn. Ban xuất hiện khoảng từ 7 - 12 ngày rồi biến mất.

Những trường hợp vi khuẩn thương hàn vào máu gây nhiễm khuẩn huyết với bệnh cảnh lâm sàng rất nặng nếu không nhập viện sớm, không xử trí kịp thời, tính mạng người bệnh rất dễ bị đe dọa.

Để chẩn đoán bệnh thương hàn, ngoài các dấu hiệu lâm sàng, cần xét nghiệm phân để tìm vi khuẩn (cấy phân vào tuần đầu và tuần thứ hai), cấy máu (tuần thứ hai).

Biến chứng nguy hiểm

Các biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh thương hàn là chảy máu đường ruột, hoặc thủng ruột hoặc nhiễm khuẩn huyết. Chảy máu đường ruột hoặc thủng ruột hoặc cả hai phải phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời nếu không có thể bị tử vong. Các biến chứng do mắc bệnh thương hàn thường xảy ra vào tuần thứ ba của bệnh, mặc dù tỷ lệ biến chứng nguy kịch không nhiều (khoảng 5%). Tuy vậy, nếu chảy máu với số lượng nhiều sẽ làm tụt huyết áp gây sốc, có thể tử vong nếu cấp cứu không kịp thời.

Khi bị thủng ruột sẽ gây viêm phúc mạc cấp tính, nếu không phát hiện sớm và phẫu thuật kịp thời có thể bị sốc nhiễm khuẩn, nhiễm độc, tính mạng người bệnh có thể bị đe dọa hoặc hậu quả để lại có thể rất xấu (gây dính ruột về sau).

Ngoài ra, còn có thể bị viêm cơ tim, viêm phổi, viêm tụy tạng và gây nhiễm khuẩn một số cơ quan khác (bàng quang, thận, màng não, tủy sống, viêm khớp, viêm xương...)

Bệnh thương hàn lây theo đường ăn uống qua thức ăn, nước uống, thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn thương hàn. Vì vậy, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm là hết sức cần thiết. Cần ăn chín, uống chín (không ăn các loại thực phẩm chưa nấu chín, không ăn rau sống, không uống nước chưa đun sôi). Cần quản lý chất thải, phân người bệnh thật tốt, không để vương vãi và nên cho chất sát khuẩn mạnh (vôi bột, cloraminB), nhất là các vùng nông thôn, miền núi.

Trung tâm y tế dự phòng cần tổ chức kiểm tra thật gắt gao vệ sinh an toàn thực phẩm (lưu ý khâu giết mổ, bán, chế biến thực phẩm) và định kỳ kiểm tra sức khỏe đội ngũ buôn bán, chế biến thực phẩm để tìm người lành mang vi khuẩn thương hàn và điều trị dứt điểm cho họ, tránh để Vi khuẩn Salmonella đào thải ra môi trường gây thành dịch.

Ngoài ra, cần tuyên truyền và tạo điều kiện tốt cho người dân sử dụng vắc-xin phòng bệnh để có miễn dịch lâu dài.


PGS. TS. Bùi Khắc Hậu
Ý kiến của bạn