Hà Nội

Ngộ độc thực phẩm - cẩn thận khi hè sang

16-05-2021 11:41 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Ngộ độc thực phẩm hay còn được quen gọi với cái tên ngộ độc thức ăn, trúng thực.

Đây là tình trạng gặp phải do ăn, uống thức ăn, nước uống nhiễm độc, nhiễm khuẩn, hay các loại thực phẩm đã bị ôi thiu, biến chất, có chất phụ gia, chất bảo quản...

Ngộ độc làm nguy hại đến sức khỏe con người, thậm chí có thể gây tử vong. Ở mức độ nhẹ, ngộ độc thực phẩm thường biểu hiện buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, sốt... Người bệnh có thể thấy khát nước, khô miệng, chóng mặt, nước tiểu ít, vàng sẫm... Khi bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân có thể có các triệu chứng như sốt trên 38,50C không giảm, nôn, đi tiểu ra máu, tiêu chảy trên 6 lần/ngày...

Nên làm gì khi bị ngộ độc thực phẩm?

Thực tế, ngộ độc thực phẩm vẫn luôn có nguy cơ xảy ra ở bất cứ đối tượng nào. Đặc biệt ở các đối tượng có nhiều nguy cơ như: trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ do hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện; người cao tuổi, sự lão hóa của tuổi già khiến hệ miễn dịch suy giảm, không chống lại được sự xâm nhập của những vi khuẩn gây hại; phụ nữ mang thai, quá trình mang thai khiến hệ tuần hoàn và chuyển hóa thay đổi; người mắc bệnh đái tháo đường, bệnh gan, bệnh HIV/AIDS...

Mùa hè, vi khuẩn dễ sinh sôi phát triển trong thực phẩm gây ngộ độc.

Mùa hè, vi khuẩn dễ sinh sôi phát triển trong thực phẩm gây ngộ độc.

Khi thấy chính mình hoặc người thân, những người xung quanh đang có triệu chứng ngộ độc thực phẩm, bạn cần phải bình tĩnh và thực hiện các biện pháp sau:

Gây nôn: Nôn được xem là cơ chế bảo vệ của cơ thể nhằm tống các dị vật, những tác nhân gây độc cho cơ thể ra ngoài. Vì vậy, khi ngộ độc, hãy cố gắng để nôn ra. Điều này giúp hạn chế độc tố từ thức ăn ngấm vào cơ thể. Khi gây nôn, có thể rửa sạch tay rồi đặt vào lưỡi để kích thích nôn. Tư thế người bệnh nên nằm nghiêng, đầu kê cao hơn người để chất thải khi nôn ra không sặc và trào ngược vào phổi. Nếu người bệnh ngộ độc đã hôn mê thì không nên kích thích gây nôn bởi có thể gây sặc, ngạt thở.

Uống nhiều nước: Nước làm loãng lượng độc tố có trong cơ thể, đồng thời bù lại lượng nước đã mất đi khi tiêu chảy, nôn do ngộ độc thực phẩm. Người bệnh cần uống thật nhiều nước, có thể dùng nước lọc hoặc dung dịch oresol, nước gạo.

Đưa đi cấp cứu: Ngộ độc thực phẩm là vấn đề nguy hiểm, không nên chủ quan điều trị tại nhà. Hãy gọi ngay cấp cứu hoặc di chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để được giúp đỡ và theo dõi từ nhân viên y tế.

Tìm nguyên nhân ngộ độc: Ngoài ra, bạn cũng nên giữ lại loại thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc, thậm chí là mẫu bệnh phẩm nôn ra từ người bệnh. Điều này sẽ giúp các bác sĩ xác định nguyên nhân gây ngộ độc và có phương án điều trị tốt nhất.

Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

Để đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe cả gia đình trong mùa hè, người tiêu dùng cần chủ động tìm hiểu các kiến thức về ngộ độc thực phẩm và lên kế hoạch chọn mua, sử dụng, bảo quản thực phẩm tốt nhất:

Chọn mua những thực phẩm tươi, có nhãn mác, thời hạn sử dụng lâu dài.

Thời tiết mùa hè nắng nóng, thực phẩm rất dễ hỏng. Vì vậy chỉ nên mua và sử dụng các thực phẩm trong ngày. Không nên dự trữ quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh.

Không để lẫn, chế biến lẫn các thực phẩm sống với thực phẩm chín.

Ăn chín uống sôi. Hạn chế tối đa việc sử dụng thực phẩm sống, tái. Không sử dụng các thực phẩm đã hết hạn sử dụng, ôi thiu hay có mùi vị, màu sắc lạ.

Nên sử dụng ngay sau khi chế biến. Hoặc bảo quản kỹ bằng cách che, đậy bằng hộp đựng, lồng bàn, tủ lạnh... Tránh ruồi, muỗi, nhặng...

Hâm nóng thực phẩm sau khi lấy ra khỏi tủ lạnh. Rã đông thực phẩm hoàn toàn trước khi nấu.

Luôn vệ sinh sạch sẽ không gian nhà cửa, khu vực bếp của gia đình bạn.

Luôn rửa tay sạch trước khi cầm nắm, chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh.


Hương Trà
Ý kiến của bạn