Ngộ độc thức ăn ở trẻ và cách xử trí đúng

03-02-2019 11:20 | Đời sống
google news

SKĐS - Những ngày Tết là lúc trẻ nhỏ được nghỉ học, vui chơi, ăn uống nhiều hơn ngày thường. Ngoài các bữa ăn chính trẻ còn ăn rất nhiều các loại bánh kẹo, nước ngọt. …Thời tiết ẩm lạnh, cộng thêm việc trẻ chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh khiến trẻ dễ bị ngộ độc thực phẩm.

Vào ngày Tết, nhà nào cũng dự trữ rất nhiều thực phẩm, những món ăn được chế biến sẵn như giò chả, thịt cá, bánh mứt, đồ muối chua…. Đây đều là những thực phẩm nếu không có cách bảo quản đúng, hợp lý sẽ là điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, nảy nở dễ dẫn đến những trường hợp ngộ độc đáng tiếc xảy ra.

Dấu hiệu nhận biết ngộ độc thức ăn ở trẻ

Những ngày nghỉ Tết kéo dài, trẻ thường được bố mẹ cho ăn ngủ thoải mái hơn bình thường, đây là lý do ra Tết nhiều trẻ thường bị tăng cân. Ăn uống không đúng giờ lại không giữ vệ sinh, khiến trẻ dễ bị đau bụng do ngộ độc thực phẩm.

Trẻ nhỏ dễ bị ngộ độc thức ăn nếu ăn uống không đảm bảo vệ sinh

Theo BSCKI Trần Quốc Long, ngộ độc thức ăn ở trẻ nhỏ thường xảy ra sau khi trẻ ăn hoặc uống một thứ gì đó, có thể trong vài phút, vài giờ, thậm chí có thể sau một ngày. Trẻ có những biểu hiện như: đau bụng đột ngột, buồn nôn hay nôn, có thể nôn ra thức ăn hay toàn nước, đi  ngoài  nhiều lần, phân lỏng, có thể lẫn máu.

Ngoài các dấu hiệu ở đường tiêu hóa, khi bị ngộ độc thức ăn,  trẻ nhỏ có thể có sốt cao, trẻ lớn hơn thường không sốt hoặc sốt nhẹ hơn. Theo BS Long, nếu trẻ nôn và đi cầu nhiều lần, trẻ sẽ bị mất nước và điện giải, nặng có thể dẫn đến trụy tim mạch.

Nên cha mẹ và người nuôi dưỡng trẻ cần chú ý dấu  hiệu mất nước, thường là trẻ khát nước, khô miệng, khô môi, mắt trũng, mạch nhanh có thể bé bị co giật, nước tiểu ít và sẫm màu. Trong trường hợp ngộ độc nặng, nếu xử trí không kịp thời có thể dẫn đến tử vong  ở trẻ.

Cách xử trí ngộ độc thực phẩm


Khi xác định trẻ bị ngộ độc thức ăn, người lớn cần nhanh chóng làm cho chất độc lẫn trong thức ăn đào thải ra ngoài càng nhiều càng tốt. Theo BS Long, người lớn có thể dùng ngón tay ngoáy vào vòm họng ở gốc lưỡi, kích thích để bé nôn ra thức ăn. Nếu trẻ đang nằm thì cho bé nghiêng đầu qua một bên để tránh hít sặc lúc bé nôn, tránh nước và thức ăn bị sặc vào phổi.

Khi bị ngộ độc thực phẩm không  nên cho bé uống thuốc cầm tiêu chảy.  Nên cho bé uống oresol bù nước và chất điện giải đã mất vì nôn hoặc đi ngoài. Cần pha oresol đúng cách cho trẻ uống. Nếu trẻ uống oresol không đúng oresol có thể nguy hiểm tới sức khỏe của bé.

Trong thời gian này, cha mẹ không nên sốt ruột ép bé ăn, mà cho bé ăn từng chút một thức ăn lỏng như nước cháo, súp. Trẻ lớn hơn có thể  cho ăn cháo, súp hay cơm nhão để giúp mau hồi phục các men tiêu hóa.

BS Long cho rằng,  trẻ còn bú mẹ, các bà mẹ nên cho bú một bên là đủ, sau 6-8 giờ, nếu trẻ không nôn thì cho bú lại bình thường. Nếu đã chăm sóc bé như những hướng dẫn kể trên mà tình trạng không cải thiện, bé bị nôn nhiều, không thể uống được hoặc bỏ bú, mệt nhiều, chất nôn có máu hoặc ngả màu xanh; trẻ bị sốt cao, đi cầu phân có máu, khát nước, đau bụng, hoặc bệnh kéo dài trên 2 ngày thì cần cho bé nhập viện để điều trị.

Phòng ngộ độc thức ăn
Dù vui Tết, nhưng người lớn cần chú ý chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ đặc biệt trong vấn đề ăn uống, giữ gìn vệ sinh thực phẩm. Cha mẹ cần:
-Lựa chọn các địa chỉ mua thực phẩm rõ ràng, có chứng nhận vệ sinh.
-Trong bảo quản thực phẩm cần chú ý hạn sử dụng của thực phẩm
- Không để lẫn thực phẩm sống và thực phẩm chín.
- Khi chế biến thực phẩm, đối với rau củ quả cần rửa và ngâm nước muối.
-Không cho trẻ ăn thức ăn lạ, thức ăn đường phố, thực phẩm tái, đồ muối chua, chế biến sẵn.
- Giữ vệ sinh trong ăn uống bằng cách ăn chín, uống sôi.
-Không dùng thức ăn đã để từ ngày trước.
- Thực phẩm khi nấu chín cần được đậy kỹ, tránh ruồi, gián, chuột.
- Tạo thói quen rửa tay cho trẻ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh để phòng bệnh.

Hải Yến
Ý kiến của bạn