Ngộ độc thức ăn do Salmonela: Nhận biết và xử trí?

09-08-2014 08:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Con trai tôi 10 tuổi, vừa rồi lúc gần sáng cháu kêu đau bụng, nôn, tiêu chảy rồi sốt cao 39 độ.

Con trai tôi 10 tuổi, vừa rồi lúc gần sáng cháu kêu đau bụng, nôn, tiêu chảy rồi sốt cao 39 độ. Lúc đầu tôi nghĩ cháu bị cảm lạnh nên xoa dầu và đánh gió, nhưng khi vào bệnh viện tôi mới biết cháu bị ngộ độc thực phẩm do Salmonela. Tôi thắc mắc là cháu không ăn uống gì ở ngoài, chỉ bữa tối hôm đó ăn canh sườn nấu từ lúc trưa, vậy mà cháu cũng bị ngộ độc? Xin quý báo giải thích giúp: Khi bị ngộ độc thức ăn thì cần phải dùng thuốc như thế nào?

Trần Thanh Hải (Hà Nội)

Ở nhiệt độ bình thường trong phòng ở, cứ 20 phút thì số lượng vi khuẩn trong thức ăn lại nhân lên gấp đôi. Do vậy, nếu thức ăn, cho dù trong gia đình nấu sạch sẽ thì qua thời gian thức ăn vẫn có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là trong mùa hè nắng nóng. Ngộ độc do Salmonela là nguyên nhân hay gặp nhất trong các nguyên nhân gây ra ngộ độc thức ăn, bệnh gặp khắp nơi trên thế giới. Salmonela là loại trực khuẩn gram âm, thường có trong thịt, sữa, trứng. Trong các thực phẩm này chúng nhân lên mà không làm thay đổi màu sắc, mùi vị. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh. Khi nhiễm vi khuẩn, sau 12 - 36 giờ sẽ xuất hiện các biểu hiện đau bụng dữ dội vùng thượng vị và quanh rốn, đôi khi đau lan tỏa khắp bụng; buồn nôn và nôn nhiều lần, tiêu chảy nhiều lần trong ngày, phân thối, nhiều nước, không mót rặn, trong phân có thể có lẫn thức ăn chưa tiêu; kèm theo có sốt cao 38 - 400C, rét run, nhức đầu mệt mỏi, khát nước, môi khô, mắt trũng... không điều trị kịp thời có thể dẫn đến thiểu niệu, vô niệu và tử vong do rối loạn nước và điện giải.

Vì ngộ độc thức ăn nên cơ thể sẽ bị mất nước do nôn và tiêu chảy, vì thế, biện pháp điều trị đầu tiên là phải bù nước và điện giải. Đặc biệt ở trẻ em, nếu không được bù nước và điện giải kịp thời rất dễ gây rối loạn nước và điện giải, sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Ngay tại nhà, cần bù nước cho người bệnh bằng dung dịch oresol hoặc viên hydrite. Cần chú ý pha dung dịch bù nước phải theo đúng hướng dẫn sử dụng, không được chia nhỏ gói oresol hoặc viên hydrit để pha làm nhiều lần. Dung dịch bù nước đã pha nếu quá 12 giờ không uống hết phải bỏ đi. Ngoài ra, tùy thuộc vào nguyên nhân gây tiêu chảy mà có thể sử dụng kháng sinh, thuốc làm chậm nhu động ruột hoặc men tiêu hóa. Tuy nhiên chỉ có bác sĩ mới có quyền chỉ định cho trẻ dùng thuốc gì, bạn không nên tự ý sử dụng thuốc cho bé tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Để dự phòng, cần bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo quản tốt thức ăn, nước uống trước, trong và sau khi chế biến. Giữ gìn vệ sinh và không ăn thức ăn sau khi chế biến sau 2 giờ mà không được đun nấu lại.           

  ThS. Nguyễn Vân Anh


Ý kiến của bạn