Tuy nhiên, trên thực tế, vụ việc này không phải là hy hữu bởi tại nhiều cơ sở y tế đã không ít lần tiếp nhận cấp cứu các trường hợp ngộ độc sau khi uống rượu ngâm củ ấu tàu, rễ, lá cây rừng...
Cấp cứu cho bệnh nhân bị ngộ độc rượu tại Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai.
Người mất mạng, người co giật sau uống chén rượu ngâm
BS. Trần Văn Thu, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Nam Trà My cho biết, các bệnh nhân gồm ông Nguyễn Văn Ái; Nguyễn Mạnh và Hồ Văn Hường (tất cả là giáo viên Trường PTDT BT THCS xã Trà Don, huyện Nam Trà My) nhập viên cấp cứu do bị ngộ độc sau khi uống rượu ngâm rễ, lá cây rừng với các triệu chứng nôn mửa, co giật kéo dài. Khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ xác định đây là những trường hợp có thể bị ngộ độc rượu ngâm nên đã tiến hành cho súc ruột, rửa dạ dày và truyền dịch lợi tiểu để đẩy chất độc ra ngoài.
Người thân của các bệnh nhân cho biết, 3 người này cùng 2 người khác ở cùng thôn 1, xã Trà Don tổ chức uống rượu ngâm với rễ, lá cây rừng. Sau khi uống xong, 3 người này có triệu chứng lạ, nôn mửa liên tục. Được biết, Trung tâm y tế huyện Nam Trà My đã tiến hành lấy các mẫu rượu, thức ăn để gửi đi xét nghiệm.
Cách đây không lâu, trên địa bàn huyện Nam Trà My cũng xảy ra một vụ ngộ độc rượu do ngâm rễ cây rừng khiến 2 cậu cháu ngộ độc và tử vong. Theo thông tin ban đầu, anh Vũ Quang Vinh (23 tuổi), cùng cậu ruột là ông Nguyễn Văn Meng (41 tuổi, cả hai cùng trú thôn 1, xã Trà Don, huyện Nam Trà My) đi vào rừng tìm rễ cây. Sau khi tìm được, cả hai cậu cháu đã mang một số rễ cây lạ đem về nhà, rửa sạch rồi cắt khúc và ngâm với rượu. Sau đó, 2 cậu cháu mang ra uống tại một lán trại cách nhà anh Vinh khoảng 20m.
Sau khi uống được hơn nửa bình rượu, 2 người về nhà nghỉ ngơi. Tuy nhiên khi vừa về tới nhà, ông Meng đột nhiên té ngửa, co giật dẫn đến tử vong. Còn anh Vinh về ngủ trên võng rồi cũng tử vong sau đó.
Theo công bố của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Quảng Nam, kết quả kiểm nghiệm rượu ngâm với rễ cây khiến 2 cậu cháu bị tử vong là rễ cây móng sóc. Trong rễ cây này có chứa chất độc nhóm alkaloid (koumine và gelsemine), đây là chất kịch độc, có thể gây chết người nhanh chóng. Ông Nguyễn Đây - Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Quảng Nam cho biết, loại độc tố này ngấm rất nhanh, chỉ mất 5-30 phút qua đường tiêu hóa, thời gian gây chết người trung bình trong vòng từ 1-7 tiếng. Các alkaloid chứa trong toàn bộ cây, độc tính giảm dần theo thứ tự rễ, lá, hoa, quả và thân cây.
Dịp sát Tết Nguyên đán Kỷ Hợi mới đây, BV Nhân dân 115 TP.Hồ Chí Minh cho biết, BV này ghi nhận một ca tử vong do ngộ độc rượu. Trước đó, anh DVM (37 tuổi, ở TP.Hồ Chí Minh) được đưa vào BV Nhân dân 115 trong tình trạng nồng nặc mùi rượu. Anh M. bị rơi vào tình trạng đau bụng, mệt, khó thở, lơ mơ, hôn mê sâu, đồng tử 2 bên giãn 4mm... Kết quả chụp CT Scanner cho thấy, anh M. không bị tổn thương não nên các bác sĩ nghi ngờ ngộ độc rượu methanol. Các bác sĩ còn ghi nhận nồng độ methanol trong máu anh M. sau 36 giờ uống là 54,1mg/dl. Trong khi nồng độ tử vong là 40mg/dl. Các bác sĩ nhanh chóng điều trị thuốc vận mạch, lọc máu liên tục nhưng không cải thiện.
Người nhà cho biết, anh M. mua rượu trôi nổi, sau đó ngâm rễ cây và uống liên tục trong vòng 3 tiếng đồng hồ.
Tuyệt đối không nên tự ý sưu tầm các loại rễ cây, hoa... để ngâm rượu
PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, dù đã được cảnh báo thường xuyên trên các phương tiện truyền thông nhưng hầu như năm nào Cục cũng nhận được báo cáo về các trường hợp bị ngộ độc do uống rượu ngâm rễ cây, lá cây rừng được quảng cáo là tốt cho sức khỏe, chữa được bách bệnh.
Đặc biệt, qua theo dõi cho thấy trong thời gian gần đây, việc người dân lạm dụng các loại rượu thuốc ngâm dược liệu không rõ nguồn gốc vẫn xảy ra. Nhiều người có thói quen đem nguyên con, nguyên cây (như rắn, bìm bịp, các loại cỏ, cây, lá, hoa thuốc phiện...) cho vào rượu ngâm để uống. Thậm chí có ca ngộ độc rượu ngâm dược liệu, kết quả kiểm nghiệm cho thấy có cả lá ngón lẫn trong đó.
“Người dân tuyệt đối không nên tự ý sưu tầm các loại rễ cây, hoa... để ngâm rượu nhằm tránh chọn nhầm loại cây có độc tính. Đồng thời không nên sử dụng rượu trôi nổi, không có nguồn gốc, xuất xứ”, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong khuyến cáo.
- Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.
- Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.
- Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.
- Không uống rượu khi: không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
- Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.