Ngộ độc nấm rừng: Thấy chết vẫn không sợ

03-08-2015 10:10 | Thời sự

SKĐS - Từ đầu năm đến liên tiếp có các vụ ngộ độc nấm rừng xảy ra tại nhiều địa phương, khiến nhiều người suýt mất mạng chỉ vì bữa cơm có món nấm...

 

BVĐK huyện Triệu Sơn-Tỉnh Thanh Hoá ngày 1/8 đã tiếp nhận điều trị hai trường hợp bị ngộ độc nấm lạ suýt mất mạng. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp hy hữu bị ngộ độc nấm mà từ đầu năm đến nay hầu như cứ vài tuần lại ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm do nấm...

Suýt mất mạng vì bữa cơm có... nấm

Ngày 1/8, BS Phạm Thành Nam, BVĐK huyện Triệu Sơn cho biết, bệnh viện vừa cứu sống hai bệnh nhân Hà Thị Luyến (44 tuổi) và Nguyễn Thị Lệ (20 tuổi, con gái chị Luyến), trú tại xã Thọ Bình, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa).

Bệnh nhân Lệ cho hay sáng 31/7 chị ra khu vườn gần nhà hái rau, tình cờ nhìn thấy một số cây nấm nên hái về. Đây là loại nấm cao khoảng 15 cm, thân to như chiếc đũa, mũ nấm có đường kính khoảng 10 cm. Nấm sau khi hái về được chị Lệ rửa sạch rồi xào lên, hai mẹ con dùng trong bữa cơm trưa. Sau khi ăn nấm được khoảng một giờ, hai mẹ con chị Luyến cùng có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, lên cơn đau thắt vùng bụng, ngực. Người thân lập tức đưa hai mẹ con chị Luyến đến BVĐK huyện Triệu Sơn cấp cứu.

Các bác sĩ xác định mẹ con chị Luyến đã ăn phải một loại nấm có độc tố mạnh. Lúc vào viện, cả hai bệnh nhân đã chuyển sang giai đoạn mạch và huyết áp tụt, khó thở nguy hiểm đến tính mạng. “Nếu cấp cứu chậm, có thể bệnh nhân sẽ biến chứng suy thận, suy hô hấp dẫn đến hôn mê rồi tử vong”, BS Nam cho hay

Một ca ngộ độc nấm đang được điều trị
Một ca ngộ độc nấm đang được điều trị

Hiện tại, cả hai bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, không còn nôn hay khó thở nhưng vẫn đau bụng nhẹ và có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Trước đó, BVĐK tỉnh Quảng Trị tiếp nhận một gia đình dân tộc Vân Kiều gồm 6 người ở thôn Up Ly 1, xã Thuận, huyện Hướng Hóa được BVĐK huyện Hướng Hóa chuyển tới với chẩn đoán ngộ độc nấm sau khi ăn nấm tai trắng, thân đỏ kho với muối.

Hay mới đây, tại BVĐK tỉnh Kon Tum, các bác sĩ cũng đã tiếp nhận hai bệnh nhân là bà và cháu dân tộc Sê Đăng bị ngộ độc nấm trắng trong tình trạng sức khỏe rất nguy kịch, huyết áp thấp và có biểu hiện suy đa tạng nặng

3 cách để nói không với ngộ độc nấm

Theo TS Lâm Quốc Hùng- Trưởng phòng giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục an toàn thực phẩ (Bộ Y tê), Việt Nam là nước nhiệt đới khí hậu nóng ẩm nên thuận tiện cho các loài nấm phát triển, đặc biệt vào mùa xuân, hè. Việt Nam có khoảng 50 - 100 loài nấm độc khác nhau, trong đó có những loài có độc tố gây chết người như nấm độc tán trắng, nấm ô tán trắng phiến xanh, nấm độc trắng hình nón. Độc tố nằm trong toàn bộ cây nấm (mũ, phiến, vòng, cuống, bao gốc nấm). Độc tố có thể thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng của nấm, trong môi trường đất đai, khí hậu và thường gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe, rất phức tạp và khó tiên lượng.

Tính từ đầu năm 2015 đến cuối tháng 6/2015, toàn quốc đã ghi nhận 12 vụ ngộ độc do nấm độc làm 56 người mắc, 52 người đi viện và 4 người tử vong; so với cùng kỳ năm 2014, số vụ tăng 1 vụ, số mắc tăng 10 người, số đi viện tăng 7 người, số tử vong giảm 9 người.

 

Để không là nạn nhân của ngộ độc nấm người dân cần tuân thủ khuyến cáo của ngành y tế
Để không là nạn nhân của ngộ độc nấm người dân cần tuân thủ khuyến cáo của ngành y tế

Để phòng chống ngộ độc do nấm độc, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo:

1. Người dân “tuyệt đối không thu hái, không chế biến và không ăn nấm mọc hoang dại, nấm lạ, không rõ nguồn gốc, nấm nghi ngờ không bảo đảm an toàn dù chỉ một lần”.

2. Khi phát hiện sớm các triệu chứng ngộ độc liên quan đến việc ăn nấm (buồn nôn, nôn, đau bụng, ỉa chảy, đau đầu…) cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.

3. Khuyến cáo nhận dạng nấm độc:

- Nấm có đủ: mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc thường là nấm độc.

- Bên trong thân cây nấm mầu hồng nhạt, mũ nấm mầu đỏ có vẩy trắng, sợi nấm phát sáng trong đêm là nấm độc

Nguyễn Hoàng

 

 

 


Ý kiến của bạn