Ngộ độc nấm ngày càng nhiều

26-07-2013 10:16 | Thời sự
google news

Thời gian qua, nhiều vụ ngộ độc nấm đã xảy ra ở một số địa phương tại vùng rừng núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên. Nạn nhân chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số chưa được truyền thông giáo dục sức khỏe cụ thể để cảnh giác phòng ngừa.

Thời gian qua, nhiều vụ ngộ độc nấm đã xảy ra ở một số địa phương tại vùng rừng núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên. Nạn nhân chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số chưa được truyền thông giáo dục sức khỏe cụ thể để cảnh giác phòng ngừa. 

Đặc điểm của các loại nấm độc

Nấm được xem là một loại thực phẩm thân mềm mọc tự nhiên ở khắp nơi nhưng tập trung nhiều ở vùng rừng núi và những nơi có cây cối rậm rạp, ẩm thấp, ít có ánh sáng mặt trời. Trong thiên nhiên, nấm khá phong phú về chủng loại, các nhà khoa học xác định chỉ có một số ít các loại nấm có thể sử dụng để làm thực phẩm bảo đảm an toàn cho con người như nấm rơm, nấm sò, nấm hương... Ngoài ra, có khoảng trên 100 loại nấm dại khác nhau nhưng loại có thể có khả năng ăn được chỉ chừng 30 - 40 loại. Sau những cơn mưa ở vùng rừng núi, nấm thường mọc lên rất nhiều với các chủng loại đa dạng tại những khu rừng, dọc đường mòn đi lại và bờ suối... nên dân gian thường nói câu “mọc như nấm sau cơn mưa”. Từ đây, có những loại nấm độc rất giống với các loại nấm thường mọc lẫn lộn với nấm ăn được làm cho người đi hái lượm nấm rừng dễ bị nhầm lẫn mặc dù đó là dân bản địa đồng bào dân tộc thiểu số đã sống khá quen thuộc với khu vực này.

Ngộ độc nấm ngày càng nhiều 1Nấm độc thường có màu sắc sặc sỡ

Thông thường, các loại nấm độc bao giờ cũng có nhiều màu sắc sặc sỡ, khác hẳn với các loại nấm thường. Nhìn kỹ sẽ thấy có các đốm nổi lên, trên mũ nấm có những hạt nổi hay những vằn xếp màu đỏ hoặc màu hỗn hợp, có rãnh, vết nứt và có vòng quanh thân... Khi hái lượm nấm, người thu hoạch sẽ thấy chất nhựa từ nấm chảy ra có cảm giác nhờn ở tay. Nếu dùng mũi để ngửi thì nấm độc thường có mùi cay, mùi hắc hoặc mùi đắng xộc lên mũi. Đối với một số loại nấm có thể có khả năng ăn được thường có mùi thơm hoặc không có mùi. Tuy vậy, trên thực tế có một số loại nấm thuộc loại nấm không độc nhưng được mọc lên ở những môi trường bị ô nhiễm hoặc ở dưới các tầng đất có những chất độc hại như phosphore, thủy ngân, thạch tín... khi ăn vào có thể gây ngộ độc. Ngoài ra, khi chế biến thức ăn từ nấm không bảo đảm an toàn vệ sinh như không đun nấu kỹ, dụng cụ dùng để đun nấu hoặc đựng thức ăn chín có dính chất tiết ra từ nấm sống... cũng có thể bị nhiễm độc khi ăn.

Biểu hiện ngộ độc nấm, chữa trị và phòng ngộ độc

Sau khi ăn phải nấm độc khoảng chừng 20 - 30 phút, người bị nhiễm nấm độc có cảm giác nôn nao, bứt rứt, khó chịu trong người; có khi bị đau bụng dữ dội, cấp tính và có thể nôn ra máu; một số trường hợp bị tiêu chảy nhiều lần, phân có mùi hôi tanh; cơ thể mệt nhừ, thấy lạnh run, có khi nổi mẩn đỏ. Trong các trường hợp nặng, người ăn phải nấm độc  có thể bị co giật và hôn mê. Thực tế cho thấy các biểu hiện bệnh lý lâm sàng ngộ độc nấm xuất hiện càng chậm thì trình trạng nhiễm độc càng nặng và nguy cơ bị tử vong là điều không thể tránh khỏi.

Chữa trị ngộ độc nấm bằng cách gây phản xạ nôn càng sớm càng tốt cho người bị nhiễm độc. Dùng ngón tay sạch hoặc chiếc lông gà rửa sạch ngoáy ở họng để kích thích gây buồn nôn, tạo ra phản xạ nôn; cho người bị nhiễm độc nôn càng nhiều càng tốt nhằm loại bỏ chất độc của nấm, nôn cho đến khi ra toàn nước trong mới thôi. Nếu người bị nhiễm độc không nôn được thì phải chuyển ngay đến cơ sở y tế để thực hiện thủ thuật súc rửa dạ dày. Sau đó hút chất độc trong đường tiêu hóa bằng phương pháp uống 20g than hoạt tính, có thể trộn một ít đường để dễ uống; uống kèm với một ly nước sôi để nguội. Than hoạt tính có tác dụng hấp thụ chất độc của nấm, bất hoạt hóa và được chuyển qua phân để bài tiết ra ngoài. Trong trường hợp không có sẵn than hoạt tính, có thể dùng thuốc viên Carbogast hoặc Carbophos viên 400 mg để uống. Nếu người nhiễm độc nấm bị co giật, bất tỉnh và hôn mê; cần đưa đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được xử trí cấp cứu ngay, mọi sự chậm trễ có thể nguy hiểm tính mạng. Sau khi xử trí sơ cấp cứu ban đầu, mặc dù phần lớn chất độc đã được tống xuất ra khỏi cơ thể do kích thích gây phản xạ nôn hoặc súc rửa dạ dày và uống than hoạt tính hay các loại thuốc hấp thụ chất độc nhưng một phần chất độc của nấm vẫn có khả năng tồn tại trong đường tiêu hóa có thể làm ảnh hưởng và nguy hại đến sức khỏe. Vì vậy, người bị nhiễm độc nấm cần được thực hiện tiếp tục phương pháp giải độc bằng cách sử dụng các bài thuốc Đông y hoặc tây y theo chỉ định của bác sĩ điều trị.  

Phòng ngộ độc nấm hiệu quả nhất là chính quyền, mạng lưới y tế cơ sở, y tế thôn bản, tình nguyện viên, các đoàn thể quần chúng... cần tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe về nguyên nhân, tác hại, cách phòng ngừa nhiễm nấm độc để nâng cao nhận thức, sự hiểu biết khi sử dụng nấm để làm thực phẩm đối với cộng đồng người dân; đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số sống ở vùng rừng núi, nơi có rất nhiều loại nấm độc mọc hoang dại mà họ không phân biệt được. Thường nấm độc có các đặc điểm dễ nhận biết như có màu sắc sặc sỡ nhưng không phải người nào cũng có thể phân biệt được nấm độc và nấm lành như loại nấm linh chi dùng để chữa bệnh khi còn tươi cũng có màu sắc sặc sỡ như nấm độc.  Lưu ý rằng khi ăn nấm tươi hoặc nấm khô tự hái lượm trong thiên nhiên hoặc mua ở chợ đều có thể ăn nhầm phải nấm độc. Vì vậy, không nên thu mua, hái lượm và ăn các loại nấm mà mình không biết chắc chắn đó là nấm lành. Các nhà khoa học cũng khuyến cáo không nên ăn nhiều loại nấm lẫn lộn chung với nhau mà chỉ nên ăn một loại nấm duy nhất trong cùng một bữa ăn. Nếu ăn phải một loại nấm độc thì nguy cơ gây nhiễm độc có thể xảy ra. Nếu ăn nhiều loại nấm cùng một lúc, có thể có phản ứng hóa học tạo ra làm cho nấm không độc trở thành độc. Một vấn đề cũng cần lưu ý là trước khi xào nấu nấm để ăn, dù nấm lành hay nấm độc; người chế biến phải luộc kỹ nấm trước bằng nước sôi vì sẽ có tác dụng giảm bớt độc tính của nấm. Nên ăn những loại nấm mình đã từng ăn, không nên ăn các loại nấm lạ mà mình không biết chắc bảo đảm an toàn. Điều tối kỵ là không nên uống rượu khi ăn nấm vì có một số nấm dại không độc nhưng có chứa các thành phần gây ra phản ứng hóa học với rượu, do đó sẽ tạo nên ngộ độc.

TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH

Cách thử đơn giản để nhận biết nấm độc

Các nhà khoa học đã khuyến cáo người hái lượm nấm rừng hoang dại, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số cần phải biết phương pháp thử nghiệm đơn giản để nhận biết nấm độc nhằm cảnh giác không hái lượm, thu hoạch nấm làm thực phẩm ăn.

Phương pháp thứ nhất là thử nghiệm xem sự biến đổi màu bằng cách dùng phần trắng của hành lá chà xát lên trên mũ nấm, nếu thân cây hành biến thành màu xanh nâu chứng tỏ có độc; ngược lại nếu hành không chuyển màu chứng tỏ không có độc. Ngoài ra, sau khi nấm được nấu chín, có thể dùng đũa hoặc thìa bằng bạc để thử trước khi ăn.

Phương pháp thứ hai là thử nghiệm bằng sữa bò bằng cách cho một lượng nhỏ sữa bò tươi lên bên trên mũ nấm, nếu thấy hiện tượng sữa bị vón cục, có khả năng nấm này bị độc.



Ý kiến của bạn