Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Bộ Y tế mới đây cho biết, tại địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy ra vụ ngộ độc do ăn nấm ô tán trắng phiến xanh làm 7 người trong cùng một gia đình phải nhập viện.
Cụ thể, ngày 13/6/2014, trên địa bàn phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, 7 người trong cùng một gia đìnhbị ngộ độc do ăn nấm ô tán trắng phiến xanh (Chlorophyllum molybdites). Chỉ sau 45 - 60 phút tính từ khi ăn nấm tươi hái trên sườn đồi sau nhà, 7 người này đã phải nhập viện. Trong đó, có cả bệnh nhân ít tuổi nhất mới 27 tháng. Các bệnh nhân có các triệu trứng: đau bụng, buồn nôn, nôn mửa và ỉa chảy.
Bệnh nhân trong vụ ngộ độc đã được Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên kịp thời triển khai các biện pháp sơ cấp cứu ban đầu như uống than hoạt tính, truyền dịch, rửa dạ dày và đã được chuyển về Trung tâm Phòng chống độc, Bệnh viện Bạch Mai để tiếp theo dõi, điều trị. Đến 19 giờ ngày 15/6/2014, các bệnh nhân đều đã ở trong tình trạng sức khỏe ổn định (kể cả cháu 27 tháng tuổi) và dự kiến tất cả sẽ được xuất viện trong ngày 16/6/2014.
(TS. Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm thăm hỏi bệnh nhân bị ngộ độc do ăn nấm độc tự nhiên tại Trung tâm Phòng chống độc, Bệnh viện Bạch Mai)
Ngay sau khi nhận được tin, TS. Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã đến Trung tâm chống độc, bệnh viện Bạch Mai để nắm tình hình vụ ngộ độc, thăm hỏi các bệnh nhân đang điều trị và chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Điện Biên phối hợp với cơ quan chức năng liên quan trên địa bàn tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông để nâng cao nhận thức, phòng chống hiệu quả ngộ độc do nấm độc tự nhiên trên địa bàn.
Đặc điểm nhận biết nấm độc ô tán trắng phiến xanh:
(Nấm ô tán trắng phiến xanh trong tự nhiên)
Nấm thường mọc thành từng cụm hoặc đơn chiếc ở ven chuồng trâu, chuồng bò, trên bãi cỏ, ruộng ngô và một số nơi đất mùn, xốp trong tự nhiên.
Mũ nấm lúc còn non hình bán cầu dài, màu vàng nhạt, có các vảy nhỏ màu nâu nhạt hoặc xám nhạt, khi trưởng thành mũ nấm hình ô hoặc trải phẳng, màu trắng, đường kính mũ 5 - 15cm. Trên bề mặt mũ nấm có các vẩy mỏng màu nâu bẩn, vảy dày dần về đỉnh mũ.
Phiến nấm (mặt dưới mũ nấm) lúc non có màu trắng, lúc già có ánh màu xanh nhạt hoặc xanh xám, nấm càng già màu xanh càng rõ. Cuống nấm co màu từ trắng đến nâu hoặc xám, có vòng ở đoạn trên gần sát với mũ.
Chân cuống không phình dạng củ và không có bao gốc; dài 10 – 30 cm. Thịt nấm có màu trắng. Loại nấm này có độc tố gây rối loạn tiêu hóa (đau bụng, nôn, tiêu chảy nhiều), có thể gây tử vong do mất nước, điện giải và kết hợp với các bệnh lý mạn tính khác.
Để phòng chống ngộ độc do ăn phải nấm độc, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo:
Tuyệt đối không thu hái, sử dụng nấm lạ, nấm không rõ nguồn gốc, nấm nghi ngờ không an toàn để chế biến thức ăn dù chỉ là một lần.
Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc liên quan đến việc ăn nấm cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu, cấp cứu và điều trị kịp thời.
Nhận biết ngộ độc nấm
Nhóm nấm độc có triệu chứng ngộ độc xuất hiện sớm trước 6 giờ sau khi ăn, thậm chí sau 30 phút đến 1 giờ có biểu hiện: Tăng tiết nước bọt, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, đồng tử co (loại nấm có độc tố muscarin).
Triệu chứng ngộ độc xuất hiện chỉ sau ăn 30 phút với nôn, đỏ mắt, đau đầu, lẫn lộn, mệt, co giật (giống ngộ độc disulfiram), triệu chứng có thể kéo dài vài ngày, độc tố nấm là coprine. Độc tố nấm là psilocybin thường gây ra ảo giác, giãn đồng tử, kích thích dạ dày, ruột, đau bụng, sốt, co giật. Các loại nấm này ít khi gây tử vong, nếu được điều trị.
Nhóm nấm độc có triệu chứng ngộ độc xuất hiện muộn (sau 6 giờ ăn) loại này rất độc và tỷ lệ tử vong cao. Loại nấm có độc tố là amatocxin, monomethylhydrazine các triệu chứng xuất hiện muộn sau ăn từ 6-12 giờ, bao gồm: nôn, buồn nôn, đau thắt bụng từng cơn, tiêu chảy, yếu cơ, co giật, viêm gan, tan huyết... tỷ lệ tử vong cao 20-50%.
Loại nấm có độc tố là allenic norleucine (Amanita smithiana) và độc tố là orellanine (nấm cortinarius rellanus...) triệu chứng xuất hiện muộn sau một ngày tới sáu ngày sau khi ăn nấm, bao gồm: đái ít, vô niệu, suy ống thận cấp.
Thanh Loan