Hà Nội

Ngộ độc khí "trứng thối" khi thau rửa bể nước dễ gây tử vong ngay lập tức

27-10-2019 06:47 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Mới đây, một người dân ở Hà Nội trong khi thau rửa bể nước đã bị tử vong nghi do ngạt khí. Theo các chuyên gia chống độc, những ca bị ngạt khí dẫn tới tử vong hầu hết là do ngạt khí tự nhiên Sunphua hydro H2S. Đây là khí tự nhiên nguy hiểm nhất, được coi là loại khí “trứng thối” cực kỳ nguy hiểm, gây ra tử vong ngay lập tức cho người bị ngạt.

Tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, mỗi năm tiếp nhận vài ca bị ngộ độc khí H2S. Ngộ độc H2S gây tử vong nhanh chóng, phần lớn ngay tại hiện trường, nhiều bệnh nhân không kịp đến bệnh viện. Trong số các bệnh nhân được đưa tới bệnh viện, đa số đều tới muộn.

Theo ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, thời gian gần đây có khá nhiều trường hợp ngộ độc ngạt khí dẫn tới nguy kịch tính mạng, thậm chí tử vong thương tâm. Trong khi đó, hầu hết người dân lại chưa có đủ hiểu biết về vấn đề này, khi biết một người bị ngạt khí nhưng không có biện pháp phòng vệ, lại chạy vào ứng cứu tiếp dẫn tới cũng gặp tình trạng ngộ độc nặng.

Chuyên gia chống độc cho biết, tình trạng này lặp đi, lặp lại nhiều ở nhiều sự vụ hằng năm tại hầm cá, hầm tàu, chỗ để hoang, những khơi giếng sử dụng lại, chui xuống bể chứa rác, bể chứa rác thải. Vụ nào cũng ít nhất ngộ độc nặng phải hồi sức cấp cứu và thường có tử vong.

"Có nhiều nguy cơ ngộ độc từ khí tự nhiên trong môi trường mà trong đó, khí Sunphua hydro H2S được coi là loại khí “trứng thối” cực kỳ nguy hiểm. Sunphua hydro là nguyên nhân gây ngộ độc và tử vong nhanh chóng kiểu “nốc ao” (suy sụp rất nhanh) ở những người đi vào trong các môi trường kín như giếng, hầm, hang, cống ngầm, bồn hoặc khoang kín,… đặc biệt các khu vực kín chứa vật liệu hữu cơ bị phân hủy hoặc bỏ hoang lâu ngày"- BS. Nguyên nói.

ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên.

Lý giải về điều này, BS. Nguyên cho rằng, do các chất hữu cơ phân hủy tại những nơi kín này sinh ra các chất khí, tích tụ lại gây ra ngộ độc cho người tiếp xúc. Tùy mức độ, nếu nhẹ thì người đi vào khu vực này sẽ ngửi thấy mùi hôi thối. Tuy nhiên, nếu khí độc có nồng độ cao thì mọi người chưa kịp thấy mùi thối đã bị ngộ độc và suy sụp, bất tỉnh và tử vong chỉ sau vài phút.

Đặc tính của khí này là hấp thu nhanh vào cơ thể qua đường hô hấp, thần kinh khứu giác. Nó ngăn cản hô hấp tế bào rất nhanh ở tất cả các tế bào cơ thể. Nếu nồng độ cao, người bệnh sẽ liệt thần kinh và bất tỉnh nhanh trong vài giây, co giật, ngừng thở, trụy tim mạch và tử vong trong thời gian tính bằng phút. Thế giới gọi đây là hội chứng “búa tạ ở lò mổ”.

Không thể coi thường

Ở Việt Nam, mặc dù chưa có nghiên cứu và khảo sát đầy đủ nhưng theo các bác sĩ, có lẽ khí H2S là loại khí đã gây nên các trường hợp ngộ độc và tử vong khi vào các khoang kín của tàu biển cũ, xuống giếng bỏ hoang, bồn rác thải nhà máy giấy hay cơ sở sản xuất có xử lý lông gia cầm.

Nhiều người nghĩ là ngộ độc khí tự nhiên chỉ là ngộ độc khí như metal và khí khác. Nhưng thực tế, khí metal nó chỉ chiếm chỗ ôxy và có nguy cơ gây ra cháy nổ như tại các hầm lò. Khí nguy hiểm nhất lại chính là H2S. Vì thế, đã có nhiều ca tử vong liên tiếp khi người ở ngoài vào ứng cứu người bị ngạt mà không hề biết rằng mình đã bị ngộ độc khí H2S.

Các chuyên gia khuyến cáo, trước khi xuống bể nước ngầm thau rửa, người dân nên mở rộng nắp bể nước và chờ ít nhất 30 phút. Ảnh minh họa.

Ngộ độc khí H2S có diễn biến tình trạng bệnh nặng như ngộ độc hóa chất cyanua. Theo đó, các triệu chứng ngộ độc xuất hiện nhanh, rầm rộ, nặng nề. Tử vong nhanh chóng thường do suy hô hấp do co giật và ức chế hô hấp tế bào. Ngoài ra, ngộ độc H2S còn có các biểu hiện khác đặc trưng như các vật kim loại trên người bệnh nhân như bạc, đồng, sắt, trang sức, khuy, thắt lưng sẽ xỉn màu.

“Hiện tại không có phương pháp chẩn đoán với ngộ độc khí này và thường dễ bị nhầm với bệnh khác như tai biến mạch não, tim mạch, tai nạn khác… Nếu hồi sức cấp cứu kịp thời với điều kiện điều kiện bệnh nhân không ngừng thở, ngừng tim, tụt huyết áp lâu quá thì khả năng hồi phục tốt, sẽ giữ tính mạng cho người bệnh” - BS Nguyên cho hay.

Theo BS. Nguyên, với những nơi nước nhiều cặn, bùn, nhiều chất hữu cơ sẽ có các loại khí, mùi hôi, ngay cả những giếng khơi, hố rác dù không bị đóng kín nhưng vẫn có tích lũy nguồn khí độc ở lớp dưới.
Để phòng tránh không bị ngộ độc khi thực hiện các thao tác như thau giếng, thau bể lâu ngày… BS. Nguyên cho rằng, chỉ có cách làm thông thoáng vùng đó, thay không khí mới bằng những cách khác nhau. Do vậy, trước khi tiến hành thau bể cần mở tung cửa, thổi quạt, phun dưỡng khí (oxy) vào hầm, bể, thổi quạt, để không khí loãng, thoáng.
Tiếp đến, khi có người xuống cống, bể nước, hầm... làm việc phải có người ở trên quan sát người ở dưới, có thiết bị cảnh báo kết nối ví như dây thừng buộc vào người, để kịp thời xử trí kịp thời. Nếu đưa được bệnh nhân ra ngoài thì cần đưa ra chỗ thoáng khí, cấp cứu hô hấp tim phổi. Trong trường hợp này có thể hà hơi, thổi ngạt.
Hiện nay, nước ngoài có thiết bị chuyên dụng để xét nghiệm khí này trước khi họ vào những vùng có nguy cơ ngộ độc nhưng Việt Nam hiện tại chưa có.

Dương Hải
Ý kiến của bạn