Ngộ độc chì bủa vây làng nghề

03-12-2014 10:14 | Thời sự
google news

SKĐS - Kết quả nghiên cứu mới nhất do Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường - Bộ Y tế vừa công bố cho thấy...

Kết quả nghiên cứu mới nhất do Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường - Bộ Y tế vừa công bố cho thấy, tại làng nghề tái chế chì Đông Mai - huyện Văn Lâm (Hưng Yên) hiện có khoảng gần 500 trẻ nhỏ bị nhiễm độc chì với nồng độ chì trong máu cao gấp 3 - 7 lần mức độ cho phép. Đây thực sự là một con số đáng báo động về sức khỏe người dân làng nghề, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Tình trạng ô nhiễm chì ảnh hưởng đến sức khỏe thế hệ trẻ làng nghề.

Môi trường, thực phẩm và con người đều… nhiễm chì

Theo TS. Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, ngay từ năm 2007-2008, viện đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu về mức độ ô nhiễm môi trường tại xã Chỉ Đạo. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mức độ ô nhiễm chì trong không khí vượt tiêu chuẩn gần 3,5 lần, có nơi tới 10 lần. Nhiều loại cá, rau... nuôi trồng cũng nhiễm chì vượt mức cho phép 4,6 lần. TS. Hải cũng cho biết thêm, ngay từ năm 2012, Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường (nay là Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường) đã tiến hành xét nghiệm sàng lọc ngẫu nhiên 109 trẻ dưới 10 tuổi ở Đông Mai. Nếu theo tiêu chuẩn của Trung tâm Phòng chống bệnh tật Mỹ, hàm lượng chì trong máu của trẻ không được quá 10 mg/dl thì tất cả các bé đều vượt giới hạn, thậm chí nhiều lần. Trong đó, 24 bé vượt 4-5 lần - mức báo động, một số bé lên đến 6-7 lần - mức nguy hiểm, cần thải độc cấp tốc. Nhiều bé mới 2-3 tuổi đã có hàm lượng chì trong máu ở mức đáng báo động. Báo cáo mới nhất của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường cho thấy, những con số còn đáng báo động hơn về tình trạng ô nhiễm chì ảnh hưởng đến sức khỏe thế hệ trẻ làng nghề Đông Mai khi có đến 97% trong tổng số 500 trẻ tại thôn Đông Mai được làm xét nghiệm nhanh có kết quả phơi nhiễm chì. Hầu hết các trẻ này đều có hàm lượng chì trong máu vượt ngưỡng 3-7 lần.

Theo TS. Phạm Duệ - Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, trẻ nhiễm độc chì dễ dẫn đến suy gan, suy thận, mất trí nhớ, sụt cân... Nếu ngộ độc nặng, trẻ sẽ bị co giật, nguy hiểm đến tính mạng. Còn người lớn nhiễm độc chì thì thường chán ăn, mất ngủ, đau đầu, thiếu máu và suy giảm sức khỏe, trí nhớ, năng suất lao động.

Cần can thiệp ngay để bảo vệ sức khỏe người dân

Đây là nhấn mạnh của Bộ Y tế ngay sau khi nhận được báo cáo của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường về tình trạng phơi nhiễm chì của trẻ em làng Đông Mai trong hai công văn gửi Bộ Tài nguyên môi trường và UBND tỉnh Hưng Yên về vấn đề này.

Theo đó, đối với Bộ TNMT, Bộ Y tế đề nghị Bộ này chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai các biện pháp xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề ở Hưng Yên. Đồng thời, theo Bộ Y tế, để phòng chống và giảm thiểu ảnh hưởng tới sức khỏe trẻ em cũng như người dân trong cộng đồng do ô nhiễm môi trường làng nghề nói chung, Bộ TNMT xem xét chỉ đạo, rà soát, đánh giá thực trạng ô nhiễm tại các làng nghề và đánh giá ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, tập trung vào các làng nghề có phát sinh chất thải có kim loại nặng trên toàn quốc để có biện pháp xử lý kịp thời phòng, chống phơi nhiễm chì/kim loại đến sức khỏe cộng đồng.

Về phía UBND tỉnh Hưng Yên, Bộ Y tế đề nghị tỉnh cần kiểm tra, rà soát, đánh giá ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân trong cộng đồng trên địa bàn và đề xuất giải pháp xử lý; có các biện pháp xử lý dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường ở làng tái chế chì Đông Mai và giảm thiểu tiếp xúc của người dân đặc biệt là trẻ em; đồng thời tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về phòng chống phơi nhiễm chì.

Cũng theo TS. Duệ, thời gian qua, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận các trường hợp nhiễm độc chì hàm lượng cao nhưng hầu hết chỉ điều trị 1-2 đợt rồi không quay lại. Trong khi đó, các chuyên gia y tế cho hay, tùy mức độ nhiễm độc chì nặng hay nhẹ sẽ quyết định thời gian điều trị. Đối với người nhiễm độc chì ở mức độ cao gấp 2, 3 lần mức cho phép thì phải điều trị trong thời gian 2 năm. Mỗi tháng phải nằm điều trị 2 tuần. Nếu chỉ điều trị một vài tuần sẽ không thể thải loại được nồng độ chì trong cơ thể.

Dấu hiệu ngộ độc chì

- Phần lớn trẻ bị ngộ độc chì có biểu hiện bệnh rất kín đáo, rất dễ bị bỏ sót, chỉ có thể phát hiện thấy khi khám chuyên khoa kỹ lưỡng (ví dụ khám chuyên khoa tâm thần và đánh giá bằng thang điểm đánh giá phát triển tinh thần) và xét nghiệm.

Biểu hiện rõ:

- Thần kinh: hôn mê, co giật, có thể tăng kích thích, ngủ lịm từng lúc, liệt, thái độ hành vi kỳ dị, ít chơi, mệt mỏi, khó chịu, vô cảm, mất phối hợp, mất đi các kỹ năng học được, học kém, chậm phát triển tinh thần. Khi trẻ có biểu hiện nặng trên thần kinh trung ương (hôn mê, co giật) thì 25-30% số trẻ này có di chứng (chậm phát triển trí tuệ, co giật, mù, liệt) vĩnh viễn.

- Tiêu hoá: nôn, đau bụng, chán ăn.

- Máu: thiếu máu.

Thái Bình - Thanh Mai

 

 

Ý kiến của bạn