Ngộ độc cây cảnh mùa thu

22-09-2009 10:24 | Tin nóng y tế
google news

Cậc phụ huynh cần lưu ý có một số loại cây mà trẻ vô tình ăn phải, bị dính mủ vào tay, hay chỉ cần sờ chạm cũng có thể bị ngộ độc.

Mùa thu với giai đoạn chuyển tiếp từ thời tiết nóng ấm sang lạnh, xen kẽ với những cơn mưa kéo dài, cũng là mùa quả chín trĩu cành của nhiều loại cây cảnh tự nhiên hoang dã. Dạo chơi trong các khu rừng, đồi núi, hay vườn tược ở các vùng sông nước mùa này, trẻ có thể khám phá thêm nhiều loại hoa quả dại và cả những loại cây rừng làm cảnh được trồng trong vườn nhà. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần lưu ý có một số loại cây mà trẻ vô tình ăn phải, bị dính mủ vào tay, hay chỉ cần sờ chạm cũng có thể bị ngộ độc.

Cây mướp sát

Cây mướp sát thường thấy ở miền Nam nước ta, mọc hoang dọc các kênh rạch nước lợ, theo bờ nước gần biển hoặc dọc đường ven biển. Gần đây cây được trồng làm cảnh ở nhiều nơi như các khu du lịch, công viên. Cây trổ hoa từ tháng 3 - 5. Mùa trái vào tháng 6 - 10.

 Cây mướp sát.

Cây mướp sát còn có nhiều tên gọi như: mướp xác vàng, mật sát, hải qua tử, cây “tự sát”. Tên khoa học là Cerbera odollam, thuộc họ Trúc đào. Đây là loại cây cao 4 - 6m, thân gỗ mềm. Trái mướp sát tròn bóng, mọc đơn độc, vỏ màu xanh mướt trông rất bắt mắt, bên trong có chứa hạt màu xám.

Cây mướp sát được xếp vào nhóm cây độc vì trong hạt có chứa các chất cerberin, cerberosid, neriifolin, thevetin rất độc đối với tim, có khả năng gây tử vong. Loại trái độc này có thể gây chết người từ 3 - 6 giờ sau khi ăn phải. Nhựa mủ của cây có tác dụng tẩy mạnh. Ăn phải hạt mướp sát có triệu chứng ngộ độc tương tự như ngộ độc lá trúc đào. Các triệu chứng xuất hiện sau khi ăn 10 - 15 phút, gồm: buồn nôn, đau bụng, nôn ói dữ dội, tiêu chảy sau đó mệt lả. Các triệu chứng thần kinh gồm: nhức đầu, lơ mơ, lú lẫn. Hệ tim mạch thường bị ảnh hưởng nhiều nhất gây rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, nhịp tim chậm lại, không đều, trụy tim mạch, tụt huyết áp gây tử vong nhanh nếu không xử trí kịp thời.

Cây sử quân tử

Cây sử quân tử có nhiều tên gọi khác là cây sử quân, cây quả nấc; hay còn quen gọi là cây quả giun, cây giun, dây dầu giun vì hạt được dùng làm thuốc trị giun đũa. Tên khoa học là Quisqualis indica, thuộc họ Bàng.

 Cây sứ quân tử.

Cây sử quân tử mọc hoang ở vùng rừng núi nước ta. Tại thành phố, cây được trồng làm kiểng leo hàng rào, giàn leo, phủ bóng cho bờ giậu, cổng nhà vì vòm tán xanh tươi quanh năm lại cho hoa màu sắc rực rỡ. Quả dài, có 5 cạnh nổi theo chiều dọc, trái khô màu đỏ, bên trong chứa một hạt. Rộ hoa vào tháng 3 - 6. Kết trái vào tháng 7 - 9. Hạt Sử quân tử trước đây là vị thuốc sổ giun đũa, được dùng vào dịp tết Đoan ngọ. Tuy nhiên, phải đúng liều và thường gây tình trạng bị nấc nhiều.

Độc tính ở hạt cây sử quân tử do chứa 21 - 27% dầu béo và acid quisqualic. Ngộ độc xảy ra khi trẻ ăn phải nhiều hạt sử quân tử gây tiêu chảy do bị viêm sưng niêm mạc dạ dày và ruột.

Cây đậu biếc

Cây đậu biếc thuộc loài liên nhiệt đới, Ở Việt Nam cây thường mọc hoang với những bông hoa leo trèo “nghịch ngợm” ở bờ rào. Cây cũng được trồng làm cảnh ở các vườn gia đình, leo giàn hiên nhà và để lấy quả. Ở một số địa phương, cây cũng được trồng rất nhiều để làm cây phân xanh, cây che phủ đất và cải tạo đất. Ra hoa vào tháng 6 - 8 và kết trái từ tháng 9 - 11. Cây đậu biếc còn gọi đậu hoa tím hay bông biếc, mang tên này có lẽ vì hoa có sắc màu xanh tím biếc. Tên khoa học là Clitoria ternatea thuộc họ đậu. Đây là loại thảo, leo, thân và cành mảnh có lông. Trái đậu hình dẹt, có 5 - 10 hạt màu đen bên trong.

 Cây đậu biếc.

Bộ phận độc và chất độc của cây đậu biếc là hạt và rễ. Trong thành phần của hạt chứa các acid amin và một loại dầu độc dùng làm thuốc tẩy. Rễ có vị chát, đắng, chứa các chất có tác dụng lợi tiểu, nhuận tràng, gây xổ, làm dịu và săn da.

Ở một số quốc gia như Indonesia, Philippin, Ấn Độ, cây đậu biếc được dùng làm thuốc. Tuy nhiên, hạt cây đậu biếc có khả năng gây độc khi nhai nuốt phải. Ngộ độc xảy ra ở trẻ em khi ăn phải nhiều hạt. Tác dụng độc do kích thích niêm mạc tiêu hóa gây nôn ói, tiêu chảy nhiều lần.

Cây thầu dầu

Cây thầu dầu là loại cây vừa, thường cao 2 - 3m, thân cây nhẵn, có màu xanh hay đỏ tím mọc hoang rất phổ biến ở khắp nơi. Các tên khác của thầu dầu là cây dầu ve, cây đu đủ tía. Tên khoa học là Ricinus communis, thuộc họ thầu dầu. Dựa vào màu sắc của thân cây, có 4 loại là: tía lùn (thân đỏ thẫm), tía cao (thân hung đỏ), tía trỏ (thân xanh, gióng dài) và ve cầu phùng (thân lục).

 Trái thầu dầu đỏ.

Cây thầu dầu mọc hoang và cũng được trồng để làm cảnh, lấy hạt. Dầu chiết xuất từ hạt thầu dầu dùng nhiều trong công nghiệp. Lá thầu dầu mọc so le có cuống dài, phiến lá hình chân vịt, xẻ thành 5 - 7 thùy sâu, mép lá có hình răng cưa. Hoa thầu dầu là loại đơn tính không có cánh hoa. Cụm hoa ở nách lá hay ở đầu cành, gồm hoa đực và cả hoa cái. Cây thầu dầu ra hoa từ tháng 2 - 6. Mùa quả từ tháng 8 - 12. Trái dạng nang có nhiều gai mềm ở mặt ngoài trông hơi giống trái chôm chôm. Khi khô mở thành 3 mảnh vỏ, bên trong chứa 3 hạt hơi dẹt, vỏ nhẵn bóng, có vân đẹp có thể dùng trang trí.

Toàn cây thầu dầu đều có chất độc nhưng bộ phận chứa chất độc nhiều nhất là hạt. Trong hạt thầu dầu có chứa 40 - 50% dầu béo, 3 - 5% ricin và một số chất khác như ricinin. Độc chất là ricin, một toxalbumin tương tự abrin, là một phytotoxin ức chế tổng hợp protein của ruột, có đặc điểm hấp thu kém nên thời gian phát huy đầy đủ tác dụng độc phải kéo dài đến 5 ngày. Ricin là một protein rất độc, chỉ cần nhai một hạt thầu dầu đã bị nôn mửa, trẻ em ăn 3 - 4 hạt có thể tử vong.

Triệu chứng ngộ độc do ăn phải hạt thầu dầu gồm viêm dạ dày ruột dữ dội biểu hiện đau bụng, nôn ói nhiều. Trường hợp nặng có tình trạng xuất huyết tiêu hóa. Tác dụng độc trên hệ thần kinh xuất hiện chậm, đặc biệt ở dây thần kinh sọ não. Tác dụng chậm cũng thấy ở tuyến thượng thận, độc gan gây bất thường chuyển hóa đường và độc thận gây tăng urê máu. Rối loạn nước và điện giải thường xảy ra. Nhịp tim nhanh và tụt huyết áp thứ phát do thất thóat dịch trong cơ thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Cây mắt mèo

Cây mắt mèo mọc hoang ở khắp các vùng đất hoang, đồi núi, thường bò lan trên mặt đất hoặc leo lên các lùm cây hai bên rạch nước hoặc ven rừng. Mắt mèo là tên gọi phổ thông của cây đậu mèo ngứa. Các tên khác là đậu mèo rừng, móc mèo, đậu ngứa. Tên khoa học là Mucuna pruriens, thuộc họ Đậu.

 Cây mắt mèo.

Cây mắt mèo là loại dây leo hằng niên, khi khô có màu xám đen. Thân, lá, quả đều có nhiều lông tơ. Hoa mắt mèo mọc thành chùm dài, buông thõng xuống, mang nhiều hoa màu tím thẫm tập hợp thành cụm. Đài hoa hình cái đấu, có nhiều lông trắng xen lẫn những lông ngứa màu vàng hung. Trái mắt mèo có hình chữ S, phủ đầy lông màu vàng hung trông như lông mèo, bên trong chứa 4 - 5 hạt hình bầu dục, loại lông này rất ngứa khi chạm phải.

Cây mắt mèo được xếp vào loại cây độc do trong hạt chứa các chất levodopa serotonin, nicotine, bufotenine và một số chất khác, có tác dụng gây ảo giác. Nhưng được biết nhiều hơn do lớp lông bao phủ bên ngoài trái và hạt là lông ngứa, chứa chất mucunain và serotonin nổi tiếng gây ngứa da. Trẻ em chơi hái hay vô tình sờ chạm phải quả mắt mèo, hay do sự phát tán trong không khí, lông bay chạm vào da cũng gây ngứa ngáy dữ dội, da bị sưng rộp. Trẻ càng gãi càng ngứa nhiều hơn. Lông ngứa chạm vào mắt thì có thể bị mù tạm thời.

Nếu bị dính lông mắt mèo, thì dặn trẻ đừng gãi ngứa, dùng băng keo to bản dán áp lên vùng da ngứa rồi lột ra, lông mắt mèo sẽ dính theo băng keo ra khỏi da.

Cây ngọt nghẹo

Cây ngọt nghẹo có tên khác là cây ngót nghẻo, loa kèn đỏ nhện, huệ lồng đèn, gia lan. Tên khoa học là Gloriosa superba, thuộc họ Hành tỏi.

 Cây ngọt nghẹo.

Cây ngọt nghẹo là một loại cây sống lâu, cây thảo có thân leo dài 1 - 2m. Lá hình mũi mác, đầu tận cùng bằng một tua cuộn hình xoắn ốc quấn bám cho thân leo. Trái dạng nang hình chùy dài, chứa nhiều hạt, khi chín có màu đỏ tươi. Mùa hoa vào tháng 5 - 6, mùa quả từ tháng 6 - 8. Cây ngọt nghẹo gặp nhiều ở các tỉnh phía Nam từ Huế đến Bình Thuận.

Toàn cây ngọt nghẹo đều có chứa chất độc colchicin, superbine, glucosine. Độc nhiều nhất ở rễ củ. Chất độc đáng lưu ý có trong cây là colchicin rất độc, chỉ cần 5mg cho 1kg thể trọng cũng đủ gây chết rất nhanh. Ngộ độc do ăn phải cây ngọt nghẹo gây bệnh cảnh cấp tính sau 2 - 6 giờ, đau rát miệng, khát nước sau đó nôn, buồn nôn dữ dội, đau bụng và tiêu chảy, tiêu máu nặng dẫn tới trụy tim mạch, rối loạn tri giác, co giật, suy hô hấp, tiểu máu, thiểu niệu. Diễn tiến xuất huyết, thiếu máu, yếu cơ vào những ngày thứ 2, thứ 3 tiếp theo. Nếu qua khỏi thường bị rụng tóc xảy ra sau 1 - 2 tuần.

BS.CK2. NGUYỄN THỊ KIM THOA

 


Ý kiến của bạn